Văn hóa - Giáo dục
Vang mãi khúc hào ca
(Congannghean.vn)-Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch giao thông quan trọng trên con đường Trường Sơn huyền thoại, đã phải oằn mình hứng chịu những vết thương chiến tranh, đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về tinh thần yêu nước, quyết tâm sắt đá chiến đấu vì miền Nam độc lập, vì tự do dân tộc; về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành huyền thoại.
Tháp chuông và tượng đài chiến thắng, biểu tượng của Ngã ba Đồng Lộc |
Ngã ba Đồng Lộc, 50 năm vọng hồn non sông
Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, được xem là “yết hầu” của mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam nên trong chiến tranh, Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Những năm từ 1964 - 1972, nơi đây bị đánh phá ác liệt, đặc biệt là năm 1968. Tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, Mỹ đã ném xuống Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi m2 đất nơi đây đã phải gánh chịu 3 tấn bom. Bởi vậy, ngã ba này được mệnh danh là “tọa độ chết”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, ngày đêm vẫn có hàng nghìn con người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, mở đường, đảm bảo cho người và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ, tuổi từ 17 - 24, do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này, với khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”.
Ngày 24/7/1968, trong một trận không kích của Mỹ, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4 đang làm nhiệm vụ khiến tất cả các chị hy sinh. 10 cô gái đều là người con của Hà Tĩnh, tất cả đã vĩnh viễn nằm lại tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như cách họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. 10 bông hoa trung liệt, bất khuất ấy đi vào lịch sử như một huyền thoại, trở thành biểu tượng sáng chói về tinh thần kiên trung, anh dũng quật cường.
Ông Nguyễn Xuân Bình, cựu chiến binh của Trung đoàn 271B quân khu Trị Thiên, trong một lần cùng những người đồng đội của mình về thăm lại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc xúc động nghẹn ngào chia sẻ: “Đây là nơi chúng tôi đã từng chiến đấu, từng đổ máu và hy sinh, chúng tôi may mắn còn các bạn của tôi thì ngã xuống. Điều này càng làm cho chúng ta biết quý trọng giá trị của tự do, độc lập, của mất mát, đau thương”.
50 năm trôi qua, một khoảng thời gian dài để làm những người mới đến không thể hình dung nổi Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy là nơi đã từng hứng chịu vô số bom đạn, một mảnh đất chết chóc tang thương. Bởi Khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc hôm nay đã được bao bọc bởi rừng thông xanh ngút ngàn, Nhà trưng bày, Bảo tàng thanh niên xung phong, Đài tưởng niệm đã được xây dựng khang trang nằm đối diện với khu mộ của 10 cô gái TNXP nằm gối đầu lên đồi thông của núi Trọ Voi hùng vĩ.
“Địa chỉ đỏ” tâm linh - lịch sử
Anh Phan Công Lệ, Trưởng phòng nghiệp vụ Tổ thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Trung bình, Khu di tích đón tiếp từ 500 - 600 lượt khách mỗi ngày, những ngày cao điểm lên đến hàng nghìn lượt. Điều đáng nói, du khách đến Đồng Lộc, ngoài những cựu chiến binh về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, hằng năm còn có một lượng lớn học sinh các cấp đến đây để tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là “địa chỉ đỏ” về nguồn của thế hệ trẻ hôm nay |
Thầy giáo Nguyễn Xuân Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), chia sẻ: “Hiện nay, các tiết học lịch sử trên lớp có thể được thay thế bằng các chuyến đi thực tế tại các bảo tàng, khu di tích để tạo ra sự trải nghiệm và giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, đó là lý do chúng tôi đưa học sinh của mình đến đây. Các em vừa đến để thắp nén nhang tri ân đối với các thế hệ cha ông đi trước, vừa học những bài học lịch sử có giá trị, không gò bó kiến thức trong sách vở”.
Trưởng ban Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc Nguyễn Đình Ước cho biết thêm: Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch tổ chức, đã và đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực. Các công trình hạ tầng như tuyến đường từ Ngã ba Đồng Lộc đến ngã Ba Giang sẽ thông tuyến trước tháng 7/2018. Đồi cây thanh niên rộng 2 ha bao quanh nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP toàn quốc và phần mộ 10 nữ liệt sỹ Ngã ba Đồng Lộc đã được phát động và trồng hoàn tất. Cũng bắt đầu từ thời điểm đó, công trình thanh niên “Sa bàn điện tử Ngã ba Đồng Lộc” cũng đã được thực hiện.
Đặc biệt, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc nằm ngay cạnh Tháp Chuông trong khuôn khổ Khu di tích được thi công năm 2017 dưới nguồn vốn xã hội hóa đang trong quá trình xây dựng và dự kiến tổ chức lễ khánh thành vào ngày 15/7/2018. Đây đều là những hạng mục xây dựng quan trọng hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, tạo nên một diện mạo mới cho Khu di tích cũng như địa phương, có ý nghĩa tâm linh rất lớn.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa cũng được chú trọng thực hiện. Tiêu biểu là Hội thảo khoa học Chiến thắng Đồng Lộc, do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung ương Đoàn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức. Chương trình nghệ thuật đặc biệt và Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, tưởng niệm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sỹ TNXP sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV trước ngày 23/7/2018.
Trước đó, chiều 9/4, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viễn thông Hà Tĩnh đã tổ chức phát động Cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc”, với sự tham gia của hàng nghìn học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Diễn đàn “Đồng Lộc - 50 năm vang vọng hồn non sông” được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh phối hợp với Trường THPT Đồng Lộc tổ chức vào ngày 10/4 vừa qua cũng là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa lịch sử cao đẹp.
Mảnh đất Đồng Lộc khi xưa oằn mình trong chiến tranh bom đạn, nay đã thực sự thay da đổi thịt với những cú hích phát triển nhanh chóng. Ngày 6/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, lấy ý kiến, đồng thời nhất trí thông qua Nghị quyết quy hoạch xây dựng thị trấn Đồng Lộc. Việc thành lập thị trấn Đồng Lộc là một việc làm ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc, tạo tiền đề, động lực để địa phương phát triển, hướng đến một đô thị du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử với điểm nhấn là quần thể di tích tại Ngã ba huyền thoại.
Thanh Tâm