Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201803/nghe-nhan-dan-gian-nguyen-trong-ha-nguoi-say-me-dap-tuong-vi-nhan-784341/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201803/nghe-nhan-dan-gian-nguyen-trong-ha-nguoi-say-me-dap-tuong-vi-nhan-784341/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người say mê đắp tượng vĩ nhân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 11/03/2018, 10:06 [GMT+7]
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Trọng Hà

Người say mê đắp tượng vĩ nhân

(Congannghean.vn)-Là một cán bộ nhiều năm đứng đầu ngành Tuyên giáo huyện Yên Thành, sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay thực hiện ước nguyện đắp tượng các bậc vĩ nhân, những người làm rạng danh non sông đất nước. Hơn 10 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà đã miệt mài sáng tạo một khu vườn tượng linh thiêng, cổ kính ngay trong chính khu vườn của gia đình. Công trình của ông không những mang ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc mà quan trọng hơn, đó chính là giáo dục ý thức, lòng yêu nước và tri ân các anh hùng dân tộc.

Khu vườn tượng tại nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà
Khu vườn tượng tại nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà

Về huyện Yên Thành, nếu hỏi nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, nhiều người dân nơi đây không còn lạ lẫm. Họ biết đến ông không chỉ là 1 cán bộ tuyên giáo mẫu mực, nghệ nhân dân gian mà còn là tấm gương lao động không mệt mỏi để có công trình vườn tượng các vĩ nhân uy nghiêm, cổ kính. Những ngày lễ, Tết trong năm, nhiều du khách thập phương hay tin đã về đây thắp hương, thưởng ngoạn, tri ân các anh hùng dân tộc, vĩ nhân.

Chúng tôi đến nhà ông Hà vào một ngày cuối tháng 12 giá rét năm 2017, ông đón khách khi đang còn dở tay đắp bức tượng ông già Noel để kịp lễ Giáng sinh. Ông Hà cho biết: Nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, tôi nảy sinh ý nghĩ cần đắp 1 pho tượng về ông già Noel để kỷ niệm. Từ đó, tôi lên mạng internet tìm hiểu sâu hơn về gốc tích ông già Noel, rồi tìm một hình mẫu ưng ý, phóng to lên để hình dung khi đắp tượng. Sau 2 ngày, tôi đã hoàn thành bức tượng vào đúng dịp Noel năm 2017. Đây cũng là bức tượng đánh dấu kết thúc năm cũ, chào mừng năm mới với ước nguyện mọi việc an lành, vui vẻ.

Đến nhà ông Hà, ngắm nhìn khu vườn tượng các vị anh hùng dân tộc như: Vua Hùng, Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, chúng ta có thể cảm nhận mỗi bức tượng như là một câu chuyện lịch sử được ông kể theo một thứ ngôn ngữ riêng, biểu hiện ngay trên thần thái mỗi bức tượng. Điểm đặc biệt là mặc dù chưa được học qua lớp điêu khắc, hội họa nào nhưng mỗi tác phẩm của ông đều toát lên nét đặc trưng, thần thái của từng nhân vật và hút hồn người xem.

Hơn 10 năm qua, nghệ nhân quê lúa Nguyễn Trọng Hà đã miệt mài sáng tạo nên một không gian cổ kính, linh thiêng mà không kém phần lãng mạn ngay trong chính mảnh vườn chưa đầy 400 m2 của mình với những bức tượng về các vị anh hùng dân tộc.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn tượng, ông Hà nhẹ nhàng lý giải về nguyên do để đắp các bức tượng, ví như bức tượng vua Hùng Vương. Đây là bức tượng gần như to nhất, được đắp nổi trên mặt ao có chiều cao 1,7 m, chiều rộng 1,12 m. Phía sau bức tượng là hình trống đồng Đông Sơn và lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Xung quanh bức tượng vua Hùng là cảnh núi đồi, cây cối, chim muông mô phỏng vùng đất thiêng Phú Thọ. Tưởng chừng như đất trời Phú Thọ, linh khí ngàn năm của nước Việt đều hội tụ về đây. Và, lời căn dặn của Người sẽ vang vọng mãi tận ngàn sau như âm vang của tiếng trống đồng ấy.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà bên bức tượng vua Hùng Vương
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà bên bức tượng vua Hùng Vương

Hay như bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đắp trên nền bông hoa sen. Những cánh sen thơm ngát của quê hương Kim Liên (Nam Đàn) luôn ôm ấp, che chở Người. Thú vị hơn là cánh sen được bố trí theo kiểu lá úp lá lật - trường phái nghệ thuật rất đặc trưng một thời của miền Nam Bộ. Ông chia sẻ: “Cánh sen tượng trưng cho hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người”.

Bên cạnh bức tượng Bác Hồ là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không phải ngẫu nhiên mà ông đặt tượng Võ Nguyên Giáp bên cạnh tượng Bác Hồ, bởi tướng Giáp là một học trò xuất sắc, cánh tay phải đã cùng Bác làm nên “sự nghiệp lớn”. Phía dưới chân tượng là mô hình đồi núi và cỗ pháo binh sừng sững. Chỉ cần nhìn vào mô hình này thôi người xem có thể liên tưởng ngay đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hay bức tượng Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với gươm thần và dòng sông Bạch Đằng, vua Lý Công Uẩn với “chiếu dời đô”… Quanh những bức tượng là mô hình cảnh non nước hữu tình được ông bài trí rất hài hòa làm nên chất lãng mạn cho chốn linh thiêng này.

Ông Hà kể, năm 2005, tôi nghỉ hưu theo chế độ và bắt đầu thực hiện ý tưởng đắp tượng của mình. Trước đó, năm 2001, trong một chuyến tham quan ở Trung Quốc, tôi cùng đoàn công tác có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tượng mô phỏng 8 vị La Hán cổ. Về nhà, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi bắt đầu mày mò tập đắp hình những con vật như cò, vạc, dê... để lấy cảm hứng ban đầu. Tiếp đó, theo ý nguyện của vợ muốn có bức tượng Phật trong vườn để thờ cúng, tôi tìm hiểu, bắt tay vào thực hiện việc đắp tượng Phật. Có hôm hì hục cả ngày, bất kể thời tiết mưa nắng để hoàn thành công việc nhưng khi thấy chi tiết nào đó chưa ổn, tôi gỡ ra làm lại. Khi đắp tượng, tôi cảm nhận như mình có sức khỏe vô biên, làm việc liên tục không biết mệt, có hôm đang ngủ nhưng chợt nhớ chi tiết nào đó cần thiết, tôi lại bật điện, trộn hồ đắp cả đêm, đến khi ưng ý mới thôi. Dù không được học một buổi nào về điêu khắc nhưng ông rất am hiểu những nguyên tắc về tỉ lệ kích thước, chất liệu, màu sắc và cả yếu tố phong thủy…

Giờ đây, đến thăm khu vườn tượng tâm linh của ông Hà, du khách như được thả mình vào một không gian uy nghiêm, cổ kính, không kém phần sang trọng. Bên cạnh quần thể các bức tượng vĩ nhân, khu vườn tượng của ông Hà còn có nhiều tượng khác về các loài vật, cây cảnh thuộc trong đời sống, tạo cảm giác gần gủi, an yên.

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông Hà, điều gì khiến ông tâm đắc nhất ở khu vườn tượng thì ông trả lời rằng, ngay từ cổng vào nhà tôi đã đề hai chữ “tri ân”, đó là sự tự tôn, ghi nhớ công lao của các bậc vĩ nhân đối với dân tộc, đất nước này. Con cháu tôi có nhiều người ngoan, học giỏi, có ý thức về văn hóa lịch sử, ở xa về bao giờ cũng thắp hương báo công với các vị. Bên cạnh đó, nhiều vị lãnh đạo các cấp, bạn bè thân hữu gần xa mỗi khi có dịp đều ghé thăm vườn tượng, thắp hương dâng lễ. Đối với mỗi bức tượng, ông đều làm lễ khởi công và khánh thành, gửi gắm vào đó những ý nguyện, lòng thành kính sâu sắc. Ông cho biết, vào ngày 10/3 Âm lịch sắp tới, ông sẽ làm lễ “hợp kỵ” cho khu vườn tượng.

Hơn 70 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, cuộc đời ông đã trải qua biết bao thăng trầm. Những Bằng khen, Huân, Huy chương của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động Hạng 3, Chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015, Bằng vinh danh Nghệ nhân năm 2016… là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ông đối với xã hội. Mặc dù tuổi đã khá cao nhưng với ông, niềm vui lớn nhất, ý nghĩa nhất chính là được sống với niềm đam mê sáng tạo của mình. Ông quan niệm, còn sống là còn học tập, sáng tạo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi cuộc đời của Bác là một pho sách lớn về nhân cách sống, không ai có thể vượt qua được, khi nghĩ về Bác, học tập theo tấm gương của Bác “lòng ta trong sáng hơn”…

.

Trần Đức Thắng

.