Văn hóa - Giáo dục
Tết Nguyên đán nơi xứ người
(Congannghean.vn)-Đối với mỗi người con đất Việt, Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian thiêng liêng và đặc biệt, là dịp để mọi người trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân. Với những người con sống xa quê, hương vị và không khí Tết cổ truyền Việt Nam vẫn luôn được họ gìn giữ. Đó cũng là cách mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
1. Sinh ra và lớn lên tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh cùng 3 người con đã sang bang Penang, Malaysia sinh sống, làm việc và học tập được 7 năm. Ở Malaysia, nhất là bang Penang, có một bộ phận người Malaysia gốc Hoa (chiếm tỉ lệ lớn trong tổng dân số cả nước) nên họ vẫn duy trì truyền thống của người Hoa, tổ chức đón Tết Âm lịch rất trang trọng. Trước Tết 1 tháng, đèn lồng được trang trí rực rỡ trên các con phố, hương trầm được thắp trong các đền, chùa, pháo hoa đã bắt đầu thắp sáng cả một vùng trời mỗi đêm và hội múa lân, múa sư tử biểu diễn khắp nơi. Chính lúc đó, những người Việt xa nhà như chị Vân Anh cảm nhận rõ những ngày cuối cùng của năm cũ và năm mới đang đến rất gần.
Thời điểm này, người Việt khắp nơi bắt đầu lên kế hoạch tổ chức gặp mặt và vui Tết Nguyên đán với rất nhiều hình thức đa dạng, trang trọng hoặc đơn giản, theo cộng đồng lớn hoặc chỉ trong một nhóm nhỏ. Đặc điểm chung của những cuộc gặp mặt này là không thể thiếu món ăn truyền thống của người Việt Nam như bánh chưng, dưa hành, giò lụa, mứt gừng…; những bài hát tiếng Việt về mùa xuân, chiếc phong bì “lì xì” mừng tuổi cho các cháu nhỏ, những câu chuyện đầy màu sắc về phong tục đón Tết của mọi miền Tổ quốc...
Đối với người Việt xa xứ, Tết là khoảng thời gian để họ hướng về quê hương, đất nước - nơi có những người ruột thịt thân yêu luôn mong ngóng, đợi chờ. Và, để khỏa lấp nỗi nhớ, sự thiếu thốn tình cảm, họ sẽ tìm hơi ấm bằng cách xích lại gần nhau hơn. Vì thế, có nhiều người đến tham dự những cuộc gặp mặt chính thức do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur; cũng có những người chọn cho mình cuộc gặp mặt thân mật trong cộng đồng như hội sinh viên ở trường đại học, nhóm công nhân ở các nhà máy, nhóm các gia đình người Việt ở gần nhau…
Trước thềm năm mới, chị Vân Anh không giấu khỏi sự bùi ngùi: “Với riêng tôi, dù cố gắng thế nào thì trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn thấy nhớ da diết cái rét vào dịp gần Tết ở miền Trung mà tôi đã quen từ thời thơ ấu. Penang là một hòn đảo quanh năm chan hòa ánh nắng mặt trời, nên dù Tết ở đây có đầy đủ thế nào vẫn không thể bù đắp nỗi nhớ không khí Tết cổ truyền ở quê nhà trong tôi”.
2. Ở Mỹ, do cộng đồng người Việt đông và sinh sống trải dài trên nhiều bang khác nhau nên họ thường đón Tết Nguyên đán theo nhiều cách rất đa dạng. Tại đây, có một cộng đồng mà Tết không chỉ là thời điểm thiêng liêng để họ hướng về quê cha đất tổ mà còn là dịp để họ gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, đó là cộng đồng những gia đình có trẻ em mắc chứng bệnh tự kỷ, trầm cảm, khuyết tật. Chị Bùi Thị Thu Oanh (bang Boston, Mỹ) - người mẹ có con bị tự kỷ, đã thành lập tổ chức “Vòng tay cha mẹ Việt” để giúp đỡ những gia đình Việt Nam đang chăm sóc con cái bị tự kỷ, trầm cảm, khuyết tật.
Để có được nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện của các con, chị Oanh đã chuẩn bị cho sự kiện trước đó khoảng 1 tháng. Từ những hình trang trí bằng tranh dân gian của người Việt trên tường, đến việc in ấn các tờ rơi thông báo đến từng gia đình về sự kiện, từng chi tiết trong khâu tổ chức đều được chị Oanh chuẩn bị chu đáo. Tết năm 2016, các cháu đã rất vui vì được tặng quà, được mừng tuổi, được trò chuyện bằng Tiếng Việt, được chào mừng Ngài thị trưởng thành phố và Chủ tịch Hội người Việt tại Boston đến chúc mừng năm mới.
“Ở những môi trường khác, trẻ bị trầm cảm, tự kỷ hay khuyết tật có những khó khăn trong quá trình hòa nhập, các cháu cũng ít có cơ hội tham gia các sự kiện xã hội. Do đó, tôi cùng các thành viên khác đã lập nhóm “Vòng tay cha mẹ Việt” với mục đích tạo cho các cháu một không gian bình đẳng, vui vẻ, hạnh phúc, không có khoảng cách, không có sự kỳ thị và phân biệt”, chị Oanh chia sẻ.
Tiệc chào đón năm mới đã trở thành hoạt động thường niên, không thể thiếu đối với những gia đình ở Boston. Ở đó, không chỉ người Việt được tận hưởng không khí Tết Nguyên đán, mà còn là dịp để họ chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, cập nhật những chính sách mới, công nghệ mới trong việc hỗ trợ người khuyết tật, trẻ bị tự kỷ, trầm cảm để chăm sóc và giáo dục con cái mình tốt hơn.
3. Tết Nguyên đán của người Việt Nam mang một nét đặc trưng riêng, không thể lẫn vào bất cứ nơi đâu. Đó là dịp để con cháu khắp nơi trở về đoàn tụ, nhớ về cội nguồn, tiên tổ, là sự quây quần với những phong tục đầy tính nhân văn: “Mồng một tết Cha, mồng 2 tết Mẹ, mồng 3 tết Thầy”. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, công việc hay sự nghiệp học hành, họ đành phải rời xa quê hương, không thể sum vầy cùng người thân trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Và, dù đang ở đất nước nào, họ đều có chung một nỗi nhớ quê hương mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Thu Thủy