Văn hóa - Giáo dục

Tết về với miền Tây xứ Nghệ

08:40, 18/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Khi những nụ hoa đào, hoa mận bung sắc trên khắp các triền núi cũng là thời điểm đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An chuẩn bị đón Tết cổ truyền theo phong tục riêng. Bà con ở các thôn bản tấp nập kéo về chợ phiên mua hàng hóa, những đứa trẻ háo hức theo mẹ đi sắm sửa quần áo mới…, báo hiệu một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc.

Nghệ An là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi vì địa hình có biển, đồng bằng và đồi núi, với 7 dân tộc anh em cùng chung sống. Với người dân vùng cao, Tết cổ truyền được xem là ngày hội trọng đại nhất của năm, nên ngay từ trước đó rất lâu, bà con đã rục rịch chuẩn bị. Nhà nào cũng cố gắng nuôi lấy con lợn béo, trồng luống rau, cấy lúa nếp để ngày Tết gói bánh chưng, đồ xôi, nấu rượu…

Những ngày cuối năm, khi công việc ruộng nương đã vãn, bà con lại xúng xính trong bộ váy áo mới sặc sỡ đi chợ phiên sắm Tết. Xuống chợ, họ mang theo những sản vật của núi rừng như: Lá dong, con gà, miến dong, mật ong... Mỗi dân tộc có những nét riêng biệt, tập tục độc đáo làm cho các phiên chợ ngày Tết thêm phần hấp dẫn. Đi chợ, ngoài sắm hàng Tết còn là dịp để bà con gặp gỡ, mời nhau chén rượu nồng cay, hàn huyên câu chuyện. Chợ phiên những ngày giáp Tết bao giờ cũng có một khu vực riêng, đó là những quán nhỏ để các bà, các chị hỏi thăm chuyện bếp núc, nương rẫy; hay những đôi trai gái bẽn lẽn nhìn nhau, cùng hẹn sẽ về chung một tuyến đường.

Để chuẩn bị đón Tết, trước đó, bàn thờ tổ tiên đã được dọn dẹp kỹ lưỡng. Tùy từng phong tục mà mỗi dân tộc có một số món ăn riêng, nhưng hầu như mâm cúng tổ tiên đều bày biện đủ các món như: Bánh chưng, gà luộc, thịt lợn, mọc và cá nướng (được bắt ở sông suối).

Sáng mồng 1 Tết, khi mâm cỗ cúng gia tiên vừa hết 1 tuần nhang, con cháu quây quần cùng thụ lộc. Ngày này người ta chỉ ở nhà, kiêng không đi nhà khác chơi. Đặc biệt, nếu nhà nào có trẻ con đến chơi thì phải giữ bằng được đứa trẻ đó ở lại ăn cơm. Mồng 2 Tết, đồng bào nơi đây có tục sang chúc Tết ông bà nội ngoại, họ hàng, làng xóm. Mỗi gia đình đều có lệ mời chén rượu nồng khi khách đến chúc Tết, xem đó là lộc đầu năm. Mồng 3 Tết, trong bản thường tổ chức các lễ hội với những trò chơi truyền thống như: Ném còn, nhảy sạp, khắc luống…

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Thái ăn Tết xong sớm hơn mọi năm. Bởi, theo giải thích của người dân thì mồng 7 Tết, bà con phải xuống đồng để lấy ngày tốt, cầu mong 1 năm mới mùa màng bội thu.

Chúng tôi chia tay bà con trong sắc Xuân ngập tràn núi rừng biên giới với tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình, tiếng róc rách, thầm thì của sông suối. Sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận cùng đôi má đỏ hây hây của người thiếu nữ là những nét Xuân rất đặc trưng của miền biên viễn, khiến du khách vương vấn, không muốn rời xa…

Quỳnh Chi

Các tin khác