Văn hóa - Giáo dục

Đề xuất bỏ cộng điểm thi nghề phổ thông: Cần có lộ trình hợp lý

09:31, 09/01/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố đã bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS.
 
Nhiều ý kiến đồng tình với sự điều chỉnh này vì việc dạy và học nghề phổ thông hiện nay quá hình thức, chủ yếu phục vụ mục tiêu... cộng điểm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, thay đổi cũng cần có lộ trình hợp lý để không gây xáo trộn đối với học sinh.
 
Từ năm 2014 đến nay, việc tuyển sinh lớp 10 trên cả nước được thực hiện theo Thông tư 11, trong đó, Bộ phân cấp Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.
Theo Bộ GD&ĐT, việc bỏ cộng điểm thi nghề nhằm lấy lại ý nghĩa thực sự của giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, việc bỏ cộng điểm thi nghề nhằm lấy lại ý nghĩa thực sự của giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông - Ảnh minh họa
 
Đơn cử như tại Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển theo công thức: Tổng điểm của học sinh bao gồm điểm thi của hai môn thi bắt buộc là Văn và Toán cộng với điểm xét tuyển (điểm học bạ THCS và điểm khuyến khích được cộng thêm). Trong đó, điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên và khuyến khích được cộng trong các kỳ thi với tổng số điểm không quá 6.
 
Như vậy, ngoài các đối tượng chính sách như con thương binh, liệt sĩ, thí sinh đạt chứng chỉ tại các cuộc thi nghề, thi học sinh giỏi và các cuộc thi liên quan khác cũng được cộng điểm từ 0,5 đến 2 điểm. Với tính chất cạnh tranh khốc liệt như cuộc thi vào lớp 10 công lập hiện nay, việc được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm từ chứng chỉ nghề thực sự là “phao cứu sinh” cho không ít học sinh.
 
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều giáo viên, việc thi nghề phổ thông hiện nay đang ngày càng bị biến tướng vì các em đăng ký học chủ yếu với mục đích... lấy điểm cộng.
 
Lý giải lý do Bộ GD&ĐT đưa việc bỏ cộng điểm nghề vào dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nhiều nơi phản ánh với Bộ về việc vì có cộng điểm mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm. Trong khi ý nghĩa thực sự của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp học sinh tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương.
 
 
Theo Bộ GD&ĐT, việc bỏ cộng điểm thi nghề nhằm lấy lại ý nghĩa thực sự của giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Ảnh minh họa.
Do vậy, việc đưa quy định bỏ cộng điểm nghề vào dự thảo là nhằm lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp, đồng thời chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh. Còn các chế độ tuyển thẳng và ưu tiên khác, về cơ bản, quy định vẫn giữ nguyên như cũ.
 
Cô Lê Thu Trà, giáo viên Trường THCS Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Việc học nghề phổ thông hiện nay nhìn chung không hiệu quả vì quá hình thức. Điều này học sinh biết, giáo viên biết và các trường cũng đều biết. Tuy vậy, thực tế vẫn có rất nhiều trường có tới 100% học sinh đăng ký học nghề.
 
“Mấu chốt của việc này là vì các em học sinh nhận thức rõ rằng, lấy được 0,5 đến 1,5 điểm học nghề dễ hơn rất nhiều so với việc thi Văn, Toán. Trong khi đó, khi thi vào lớp 10, chỉ cần chênh 0,5 điểm cũng đã đủ để quyết định việc trúng hay trượt. Do vậy, việc bỏ điểm cộng học nghề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng là điều nên tính tới khi chính sách này đang bị biến tướng. Tất nhiên, nếu thay đổi cũng cần thực hiện theo lộ trình, tức là sau một vài năm nữa chứ không thể áp ngay trong năm 2018 để tránh gây tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh, vì chỉ còn hơn 5 tháng nữa là sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” - cô Trà nêu ý kiến.
 
Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng THCS Lomonoxop Hà Nội cho rằng: Việc học và thi các nghề phổ thông, nhất là những nghề thiết thực với học sinh là cần thiết, nhưng việc duy trì một cuộc thi tốt nghiệp nghề để cộng điểm vào cấp 3 thực sự rất cồng kềnh và tốn kém. Đó là chưa kể, nhiều học sinh hầu như chỉ suy nghĩ việc mình học nghề được xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm khi tuyển sinh chứ không hề chú tâm vào việc học thực sự.
 
Tất nhiên, phụ huynh và học sinh cũng cần phân định rõ, ở đây Bộ GD&ĐT chỉ dự định bỏ cộng điểm thi nghề chứ không phải bỏ việc học nghề trong nhà trường phổ thông.
 
Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Đề xuất bỏ cộng điểm nghề vào kỳ thi lớp 10 là hợp lý và logic, bởi mục đích giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông là góp phần để phân luồng vào học nghề mà không phải phân luồng vào THPT để đến đại học.
 
Tuy vậy, hiện nay đang có sự nhầm lẫn khi lấy phương tiện làm mục đích nên cần phải chấn chỉnh để quy định này không làm méo mó mục đích của dạy nghề phổ thông. Cũng theo ông Vinh, thay vì cộng điểm nghề đại trà cho học sinh trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 như hiện nay, chỉ nên cộng điểm hoặc miễn trừ học nếu học sinh đó không thi vào THPT mà lựa chọn vào các trường nghề để học.

Nguồn: Huyền Thanh/CAND

Các tin khác