Văn hóa - Giáo dục
Văn hóa đọc của phạm nhân nhìn từ một hội thi
(Congannghean.vn)-Đọc sách không chỉ mở mang tầm hiểu biết, khai trí tâm hồn mà còn giúp cho những người một thời lầm lỡ có thời gian để nhìn nhận lại giá trị thực của cuộc sống, từ đó mở lối hoàn lương. Đó chính là thông điệp mà Hội thi tuyên truyền, giới thiệu và kể chuyện theo sách dành cho phạm nhân muốn truyền tải, vừa được Trại giam số 3 tổ chức.
Một hoạt cảnh giới thiệu, kể chuyện theo sách tại Hội thi |
Hội thi tuyên truyền, giới thiệu và kể chuyện theo sách dành cho phạm nhân năm 2017 tại Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - Bộ Công an) vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm phạm nhân đến từ 2 phân trại và 2 phân khu sản xuất. Các phạm nhân được chia làm 6 đội thi, đại diện cho hơn 2.000 phạm nhân đang thụ án tại đây, thông qua các hình thức sân khâu hóa, đã đưa đến cho độc giả những giây phút trải nghiệm quý giá về sách và những tác dụng bất ngờ mà sách đưa lại.
Với lối kể nhẹ nhàng, phạm nhân Lê Văn Bình mang đến cho người xem sự cuốn hút khi giới thiệu về cuộc đời của nữ anh hùng Võ Thị Sáu qua cuốn sách “Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” của tác giả Nguyễn Đình Thống. Dù cuốn sách chỉ dày khoảng hơn 100 trang, song qua lời giới thiệu, kể chuyện của phạm nhân, hình ảnh nữ anh hùng này đã để lại nhiều góc cảm nhận mới đối với nhiều người. Thông qua hoạt cảnh sân khấu vui nhộn, phạm nhân Trần Hồng Chương, can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đã “thức tỉnh” văn hóa đọc và cảm thụ của nhiều người khi giới thiệu, kể chuyện về những danh nhân, anh hùng của dân tộc thông qua những cuốn sách như “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, “Võ Nguyên Giáp”…
Cũng thông qua Hội thi này, nhiều phạm nhân đã được biết đến các đầu sách về những tấm gương hướng thiện, vượt qua lầm lỗi để đứng dậy, làm lại cuộc đời như “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng”, (nhiều tác giả, NXB CAND ấn hành năm 2013); “Những người từng một thời lầm lỡ” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học, NXB CAND; “Khát vọng hoàn lương”, “Gửi lời xin lỗi”…
Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Xác định đọc sách đối với phạm nhân là kênh giáo dục mang lại hiệu quả nên từ nhiều năm nay, đơn vị đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức ngoài xã hội quyên góp, hỗ trợ để mang sách vào trại, đồng thời khuyến khích phạm nhân đọc sách. Trong đó, Thư viện Nghệ An hằng năm đã thực hiện việc luân chuyển, tặng hàng nghìn đầu sách để phục vụ các phạm nhân. Có nhiều phạm nhân khi vào trại giam không biết đọc, biết viết, thông qua lớp học xóa mù đã trở thành “mọt sách”. Không chỉ đọc cho mình, phạm nhân còn giới thiệu, kể cho các phạm nhân khác nghe, từ đó khơi dậy văn hóa đọc trong toàn thể phạm nhân. Chính vì vậy, vào 2 ngày cuối tuần, tại các nhà văn hóa phạm nhân ở mỗi phân trại, phạm nhân đến đọc và mượn sách rất nhiều.
Ông Dương Duy Tiến, Giám đốc Thư viện Nghệ An chia sẻ: Bản thân ông rất xúc động khi chứng kiến phạm nhân đọc sách, yêu sách và “vịn” trang sách để đứng dậy, làm lại cuộc đời sau khi vấp ngã. Chính vì vậy, hằng tháng, hằng quý, Thư viện Nghệ An đều phối hợp với Trại giam số 3 để luân chuyển, bổ sung các đầu sách mới. Việc tạo điều kiện cho phạm nhân đọc sách đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Được biết, hiện nay, ở nhà văn hóa Trại giam số 3 có hơn 3.000 đầu sách, được chia làm các mảng: Hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống và dòng sách tiểu thuyết, văn học. Nhờ sách, phạm nhân đã soi rọi bản thân mình, nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống, giá trị tự do, từ đó có chí hướng hoàn lương, tu tâm cải tạo để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Trong bối cảnh dòng chảy thông tin đa chiều như hiện nay, việc định hướng cho phạm nhân biết cách đọc, cảm thụ và tìm lại chính mình thông qua những trang sách, thực sự là cả một quá trình dày công hướng thiện của cán bộ quản giáo và Ban giám thị Trại giam số 3. Với phạm nhân, sách vừa là người bạn đồng hành, là tấm gương phản chiếu, cũng là những điều kỳ diệu về cuộc sống để những con người lầm lỡ tìm lại chính mình. Với họ, sách còn là kênh thông tin quý giá để hiểu thêm về chế độ, quyền lợi của mình được thụ hưởng, qua đó có có thêm động lực, chí hướng để phấn đấu; là cánh cửa mở lối tương lai, định hướng nghề nghiệp cho ngày trở về.
Thiên Thảo