Văn hóa - Giáo dục

Gặp nữ sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi 'Biến đổi khí hậu với cuộc sống'

09:11, 09/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với tác phẩm "Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức”, Cung Thị Nhung, sinh viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Vinh đã xuất sắc vượt qua hơn 500 tác phẩm để giành giải Nhất cá nhân cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2017.

Sinh viên Cung Thị Nhung đã xuất sắc giành giải Nhất cá nhân cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2017
Sinh viên Cung Thị Nhung đã xuất sắc giành giải Nhất cá nhân cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2017

Cung Thị Nhung chia sẻ, bản thân biết đến cuộc thi thông qua trang web của trường nhưng ban đầu chỉ tải về để trong máy tính, sau đó vì bận bịu việc học tập và làm thêm khiến cô sinh viên năm cuối quên bẵng đi. Rồi một biến cố ập đến gia đình Nhung khi bão số 10 càn quét qua ngôi làng nhỏ, đã cuốn em gái vừa tròn 17 tuổi của Nhung vĩnh viễn rời cõi trần. Trước sự ra đi đột ngột của người em gái, Nhung đã nghĩ tới cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” và quyết định tham gia với mong muốn góp sức mình bảo vệ môi trường, để không còn cảnh bố mẹ gào khóc gọi tên con trong vô vọng, gia đình mất người thân như gia đình Nhung phải hứng chịu hậu quả của bão số 10 vừa qua.

“Hơn bất cứ ai, em cảm nhận rõ những mất mát, đau đớn do thiên tai đem đến cho gia đình mình, cho làng quê như thế nào. Để giảm thiểu sự tàn phá của thiên tai, chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm với môi trường", Nhung tâm sự.

“Biến đổi khí hậu với cuộc sống” là cuộc thi do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với TW Hội nước sạch và Môi trường VN cùng Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm, dành cho tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Với chủ đề "Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta", tác phẩm "Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức" của sinh viên Cung Thị Nhung đã đạt giải Nhất cá nhân.

Là sinh viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành Địa lý - Quản lý tài nguyên nên hơn ai hết, Nhung hiểu rõ thực trạng mối quan hệ giữa các thành phần địa lý và hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của con người. Bài dự thi của Nhung được Ban tổ chức đánh giá cao bởi tính khả thi và khả năng áp dụng vào thực tiễn.

Trong bài dự thi của mình, Nhung đưa ra một số giải pháp khắc phục sạt lở đất ở các tỉnh miền núi như: Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, những nơi có địa chất không ổn định ở các tỉnh miền núi (sử dụng công nghệ Gis - Viễn thám để tiến hành); lập bản đồ sử dụng đất với mục đích bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật; sửa bề mặt mái dốc (làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng, hạn chế khả năng trượt bằng các cách: Hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc; xây dựng hệ thống các rãnh thoát nước ở các độ cao khác nhau, với một số điểm trượt lớn, phức tạp, cần kiên cố hóa rãnh đỉnh, rãnh dọc, bậc nước, máng dốc nước và cống thoát nước...

Nữ sinh viên năm cuối Trường Đại học Vinh bộc bạch: Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, chính ý thức của chúng ta đã, đang và sẽ đẩy biến đổi khí hậu ngày càng đi nhanh hơn. Bởi vậy, “Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức”, góp sức cho công tác bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mình, người thân và những người xung quanh. Đặc biệt, thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, nhất là các bạn sinh viên cần được cung cấp đầy đủ kiến thức, phải bắt đầu từ những hiểu biết nhỏ dẫn tới những hành động lớn, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp hơn. Nhung mong muốn sau này sẽ trở thành giáo viên để thông qua việc dạy học sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức về môi trường, từ đó tuyên truyền tới mọi người dân về nâng cao nhận thức, trách nhiệm để bảo vệ môi trường tốt hơn.

Thu Thủy

Các tin khác