Văn hóa - Giáo dục
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972-2017
Hiệp đồng táo bạo, đánh thắng trận đầu
09:24, 18/12/2017 (GMT+7)
45 năm nhìn lại, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đánh giá bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó sự hiệp đồng tỉ mỉ, chặt chẽ, ăn ý, chính xác giữa các lực lượng nói chung, giữa lực lượng phòng không và không quân nói riêng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng...
Khi B-52 “coi thường” tên lửa
Những ngày tháng 12, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, một trong những phi công chiến đấu dày dạn kinh nghiệm trong những trận không chiến với giặc lái Mỹ, có thêm những chia sẻ về chiến thắng mang tầm vóc lịch sử của quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không – Không quân (PK-KQ) trên mặt trận đối không những ngày cuối tháng 12 năm 1972.
Đó là trận quyết chiến chiến lược của ta trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận, chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ (Lai-nơ-bếch-cơ II).
Mặc dù đã có kinh nghiệm trong chỉ huy đánh trả các đợt tập kích của Không quân và Hải quân Mỹ, song lần đầu tiên Quân chủng PK-KQ phải đánh trả một đợt tập kích chiến lược với quy mô chưa từng gặp.
Mỹ đã huy động vào chiến dịch này một lực lượng khổng lồ, gồm 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiếm gần 50% lực lượng không quân chiến lược), 48 máy bay F-111A, 999 máy bay chiến thuật các loại, đánh phá ồ ạt và trực tiếp vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác.
Cùng với đó, Mỹ đã sử dụng đồng bộ các trang bị tác chiến điện tử trên các máy bay gây nhiễu chuyên dụng như EB-66, EC-121 và trên các máy bay B-52 với cường độ cực lớn, gây khó khăn cho hệ thống rađa cảnh giới, rađa dẫn đường của Không quân và rađa điều khiển hỏa lực tên lửa Phòng không của ta.
“Tuy nhiên, phía Mỹ đã đánh giá không đúng khi cho rằng, hệ thống nhiễu dày đặc hoàn toàn có thể vô hiệu hóa được hệ thống tên lửa phòng không của Việt Nam. Và họ cho rằng lực lượng có thể uy hiếp trực tiếp máy bay chiến lược B-52 chỉ còn là các máy bay Mig”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết.
Tên lửa được sử dụng trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (phía xa) và xác máy bay B-52 trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ. |
Từ nhận định đó, Mỹ chỉ sử dụng các máy bay B-52 tấn công mục tiêu vào ban đêm. Để loại trừ triệt để khả năng bị máy bay Mig của ta tấn công, trước khi các máy bay ném bom chiến lược B-52 bay đến mục tiêu khoảng 2 giờ, vào khoảng 18h30’ đến 19h30’ ngày 18-12 (đêm đầu tiên của chiến dịch - PV), toàn bộ các sân bay chủ yếu của không quân Việt Nam như: Đa Phúc, Thọ Xuân, Kiến An, Kép, Yên Bái và cả sân bay Gia Lâm (sân bay chưa bao giờ không quân Mỹ đánh phá) đều bị các máy bay F-111A của không quân và A-6 của hải quân Mỹ đánh phá ác liệt.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhầm, khi các lực lượng phòng không và không quân vẫn phát huy tốt hiệu suất chiến đấu ngay trong đêm đầu của chiến dịch. Mặc dù các sân bay đã bị đánh phá từ chập tối 18-12, nhưng các máy bay Mig-21 từ sây bay Hòa Lạc, Đa Phúc vẫn xuất kích tìm diệt B-52.
Ban đêm “đánh ngoài”, cùng diệt pháo đài bay
Chia sẻ về phương pháp hiệp đồng tác chiến giữa Phòng không và Không quân khi đánh B-52 trong điều kiện thời tiết ban đêm, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát cho biết: “Không quân đánh bên ngoài hỏa lực Phòng không. Khi đó, hỏa lực tên lửa phòng không và pháo cao xạ tầm cao tập trung đánh trả các máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.
Nhằm khắc phục cường độ nhiễu rất đậm đối với các trận địa rađa dẫn đường quanh khu vực Hà Nội, Bộ đội Không quân đã triển khai các đài dẫn đường bổ trợ ở vòng ngoài như từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Mộc Châu (Sơn La), nơi có cường độ nhiễu thấp hơn, tạo thuận lợi cho việc phát hiện mục tiêu và dẫn máy bay Mig-21 tiếp cận máy bay địch.
Mặt khác, để bảo đảm có thể xuất kích liên tục từ nhiều hướng, các sân bay Đa Phúc, Yên Bái được sửa chữa gấp. Mặc dù chỉ còn 500m đầu đường băng phía Tây sân bay Đa Phúc được sửa, Không quân đã san gạt thêm 800m đường đất phía trước đường băng, dùng hệ thống đèn đêm dã chiến để các máy bay Mig-21 có thể cất cánh và hạ cánh. Các sân bay dã chiến và sân bay mới sửa xong cũng được sử dụng.
Việc đưa Mig-21 cất cánh ban đêm từ sân bay Yên Bái (đêm 27-12), sân bay dã chiến Cẩm Thủy (đêm 28-12) và sử dụng các đài rađa dẫn đường bổ trợ từ vòng ngoài đã gây bất ngờ cho phía Mỹ và đạt hiệu quả chiến đấu tốt. Cụ thể, đêm 27-12, từ sân bay Yên Bái, phi công Phạm Tuân đã bí mật cất cánh, tiêu diệt 1 pháo đài bay B-52.
Ngay đêm sau đó (28-12), từ sân bay Cẩm Thủy, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh, tiếp cận và tiêu diệt 1 máy bay B-52 trên vùng trời Sơn La và anh cũng anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến này.
Chính các phương pháp hiệp đồng tác chiến theo khu vực đã tạo được thế trận liên hoàn, có khả năng đánh địch từ xa và không cản trở hỏa lực tên lửa khi địch bay vào khu vực sát thương của tên lửa phòng không. Đây là một quyết định táo bạo, đầy sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ khi phải đối phó với một đợt tập kích dồn dập và phương tiện thông tin liên lạc giữa các sở chỉ huy còn rất thiếu thốn.
Vì vậy, để tránh phức tạp, các máy bay Mig-21 sau khi cất cánh đã bay thấp qua vùng hỏa lực phòng không. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ lại giảm độ cao từ xa và về sân bay hạ cánh từ độ cao cực thấp.
Ban ngày, đánh cả trong, ngoài, diệt máy bay chiến thuật
Trong thời gian diễn ra Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, do phải bố trí một trung đoàn tên lửa bảo vệ tuyến giao thông trên chiến trường khu IV nên lực lượng tên lửa còn lại ở phía Bắc tương đối mỏng. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã quyết định Bộ đội Tên lửa chỉ thực hành đánh B-52 ban đêm. Ban ngày các phân đội tên lửa làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, ngụy trang, nghi binh, tránh bị địch đánh phá.
Xuất phát từ đặc điểm trên, trong mọi điều kiện thời tiết, từ các sân bay dã chiến và đường lăn sân bay Đa Phúc, các máy bay Mig-21 được lệnh xuất kích với lực lượng lớn nhất có thể, với nhiệm vụ trọng tâm là tấn công vào các tốp máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ, không để chúng có điều kiện trinh sát và đánh phá các trận địa tên lửa.
“Do tên lửa phòng không không đánh ban ngày nên Bộ đội Không quân được phép đánh địch cả ở bên ngoài và trong vùng hỏa lực. Nhiều trận không chiến đã diễn ra ngay sát Thủ đô Hà Nội như các trận ngày 23, 25, 27, 28-12. Không quân ta đã bắn rơi cả máy bay trinh sát RA-5C, máy bay F-4 của địch rất gần Hà Nội”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại.
Khi không quân hoạt động trong khu vực hỏa lực, các đơn vị cao xạ vẫn tác chiến bình thường bởi thời tiết ban ngày mây nhiều và thấp, các trận không chiến diễn ra ở độ cao thấp và cực thấp với tốc độ cao nên không ảnh hưởng đến hoạt động của Bộ đội Cao xạ.
Phương pháp hiệp đồng để Bộ đội Không quân đánh trong khu vực hỏa lực phòng không là một quyết định táo bạo và chính xác của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, phát huy triệt để khả năng bảo vệ các trận địa tên lửa. Việc các máy bay Mig-21 xuất hiện và tấn công các máy bay chiến thuật của địch ở ngay trên khu vực trận địa tên lửa đã làm cho cả máy bay trinh sát và máy bay cường kích địch không có điều kiện trinh sát và tấn công được các trận địa tên lửa.
Với cách đánh táo bạo, hợp lý, trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bộ đội PK-KQ đã thực sự là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, bắn rơi 53 máy bay các loại, chiếm 65,43% tổng số máy bay bị bắn rơi, trong đó có 32 chiếc B-52 trong tổng số 34 chiếc bị bắn rơi.
Nguồn: CAND