Văn hóa - Giáo dục

Siết chặt quản lý các trung tâm tư vấn du học

16:06, 11/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, du học đang trở thành xu hướng của nhiều học sinh, sinh viên. Trước nhu cầu của các bậc phụ huynh và các bạn trẻ, các trung tâm tư vấn du học được mở ra rất nhiều không chỉ ở TP Vinh mà còn các huyện lân cận. Ngoài việc tăng thêm sự lựa chọn cho người muốn đi du học thì loại hình dịch vụ này vẫn còn nhiều bất cập.

Du học đang là xu hướng phát triển trong những năm gần đây của học sinh, sinh viên (Trong ảnh: Học sinh THPT tìm hiểu thông tin du học tại chương trình hướng nghiệp)
Du học đang là xu hướng phát triển trong những năm gần đây của học sinh, sinh viên (Trong ảnh: Học sinh THPT tìm hiểu thông tin du học tại chương trình hướng nghiệp)

Nhiều trung tâm bị rút giấy phép

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An vừa thu hồi giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ du học của Công ty Cổ phần Liên hiệp Giáo dục (số 26, đường Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam) do không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động. Dịp này, Trung tâm Tư vấn du học Quốc tế MMC - Trường Trung cấp Y khoa miền Trung (Km02, Đại lộ Lê Nin) cũng bị thu hồi giấy phép hoạt động, với lý do Trung tâm tự nguyện xin ngừng hoạt động vì không hiệu quả.

Từ năm 2014 đến nay, Sở đã tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động của 13 trung tâm tư vấn du học. Trong đó, từ năm 2015 - 2016, Sở đã kiểm tra, đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận của 9 đơn vị. Nguyên nhân chủ yếu là do các trung tâm không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, trong đó nhiều nguyên nhân tự ý thay đổi địa điểm mà không thông báo. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 44 trung tâm, văn phòng tư vấn du học được cấp phép đủ điều kiện hoạt động.

Những năm gần đây, thị trường du học đã mở ra tại nhiều quốc gia, phổ biến là hình thức vừa học vừa làm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Theo đó, loại hình dịch vụ tư vấn du học mọc lên như nấm, trong đó có một số trung tâm không được cấp phép, cá biệt có một số trung tâm có dấu hiệu lừa đảo, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như khiến nhiều học sinh sau khi đi du học “vỡ mộng”.

Phần lớn các đơn vị đưa học sinh đi du học theo diện tự túc, vừa học vừa làm. Học sinh đi du học chủ yếu tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Singapore, Canada, Đức… Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 quốc gia có số học sinh du học đông nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Nghệ An có 185 em đi du học tại Nhật Bản. Năm 2016, các đơn vị này đã đưa 361 em đi du học tại các nước, trong đó riêng Nhật Bản có tới 244 em. Có thể nói, việc du học đã mở ra các cơ hội để học sinh được học tập, lao động tại môi trường nước ngoài. Tuy nhiên, song song với những cơ hội được giao lưu, học hỏi, cọ xát trong môi trường mới là những rủi ro không thể lường trước, khi mà trung tâm nào cũng đưa ra những quảng cáo rất hấp dẫn.

Trước sự gia tăng của các trung tâm tư vấn du học, thời gian qua, đặc biệt là 2 năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Nghệ An đã siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra tại các trung tâm nhằm chấn chỉnh và kịp thời phát hiện, xử lý các trung tâm không đủ điều kiện hoạt động.

Trong đợt kiểm tra mới nhất vào cuối tháng 3/2017, đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra tại 16 trung tâm. Qua kiểm tra đối với những trung tâm được cấp phép, đa số đã tổ chức các hội thảo tư vấn đúng quy định, cung cấp các thông tin chính xác đến phụ huynh và học sinh cũng như tổ chức dạy tiếng, công khai tài chính, phí dịch vụ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thực tế một số trung tâm cung cấp thông tin chưa rõ ràng gây nhầm lẫn cho học sinh giữa việc vừa học vừa làm. Ở nhiều trung tâm, một số giáo viên tham gia dạy tiếng cho học sinh dù có chứng chỉ nhưng lại mới tốt nghiệp THPT, không có nghiệp vụ sư phạm. Nhiều trung tâm sau một thời gian hoạt động đã thay đổi nhân sự, thay đổi địa điểm nhưng không báo cáo Sở.

Vẫn còn nhiều bất cập

Ngoài những cơ hội hấp dẫn mở ra cho các du học sinh thì vẫn còn rất nhiều lo ngại, trong đó xuất phát từ việc các trung tâm cung cấp thông tin không chính xác. Hiện nay, ngoại trừ Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo quốc tế Đại Tây Dương (Công ty Atlantic) triển khai chương trình học bổng du học cho học sinh thì các đơn vị còn lại đều tổ chức đưa học sinh đi du học theo hình thức tự túc. Việc cung cấp thông tin sai lệch từ hình thức du học tự túc thành hình thức du học vừa học vừa làm khiến học sinh, sinh viên sử dụng thời gian du học để làm việc kiếm tiền. Nhiều gia đình vì tin vào các trung tâm tư vấn mà dồn tất cả tiền của cho con đi học để rồi “vỡ mộng” ở xứ người.

Du học sinh vừa đi học, vừa vất vả làm thêm kiểm tiền trả nợ và trang trải các chi phí nên đã bỏ học để đi làm, không ít du học sinh vì khó khăn đã có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này đã được đại diện Đại sứ quán Nhật Bản nêu ra trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An vào đầu năm 2017. Nguyên nhân của việc này cũng một phần xuất phát từ phía các du học sinh. Nhiều du học sinh sau khi hoàn thành chương trình học tiếng đã trốn ra ngoài đi làm, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động du học, dẫn đến tình trạng lưu trú bất hợp pháp tại các nước. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, khi thị trường xuất khẩu lao động tại nước này đối với người Việt Nam bị hạn chế, nhiều người đã lợi dụng đi du học để xuất khẩu lao động, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường du học Hàn Quốc.

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý các trung tâm hiện nay, đó là nhiều trung tâm không có giấy phép hoạt động nhưng lại tự ý liên hệ với các trường THPT để vào tư vấn, tổ chức hội thảo tư vấn, tuyển sinh cho học sinh ngay tại trường. Trước tình trạng này, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các trường THPT tuyệt đối không cho phép các trung tâm chưa có giấy phép vào tư vấn tại trường. Đối với các trung tâm muốn vào tư vấn phải có sự cho phép của Sở và có sự đồng ý của UBND tỉnh khi có người nước ngoài tham gia.

Anh Quân

Các tin khác