Văn hóa - Giáo dục

Cả nước thiếu 34.000 giáo viên mầm non

08:57, 08/12/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hàng loạt vụ việc trẻ em mầm non bị bạo hành gần đây đã dấy lên hồi chuông báo động cho khoảng trống trong bậc đào tạo này. 
 
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010- 2016” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng mới đây cũng cho biết, năm 2016, Việt Nam thiếu đến 34.000 giáo viên mầm non và hàng ngàn người khác không đạt chuẩn đào tạo. Để bù vào con số này là những nhóm trẻ tự phát với số lượng lớn “giáo viên” không bằng cấp, gây lo ngại về chất lượng.
 
Theo báo cáo giám sát: Trong giai đoạn 2010-2016, đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên, giảng viên dạy nghề và giảng viên đại học có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ giáo viên phổ thông tương đối ổn định; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục dần được kiện toàn.
 
Tính đến năm học 2015-2016, cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Trong quỹ lương khối sự nghiệp của cả nước, ngành giáo dục chiếm khoảng 70%.
 
 So với năm 2010, tổng số giáo viên tăng hơn 12%, trong đó tỷ lệ gia tăng lớn nhất là ở giáo dục mầm non (46%) và đại học (37%). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên ở mầm non chiếm 97,8%; ở phổ thông là 99,6%; dạy nghề lý thuyết là 100%; số giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ thạc sỹ trở lên tăng nhanh (trình độ thạc sỹ trở lên tăng 61%, đại học tăng 78%).
 
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu nhà giáo theo cấp học, môn học, ngành học và vùng miền; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn.
 
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đội ngũ nhà giáo còn thiếu nhiều ở mầm non  (năm 2016 thiếu gần 34.000 người), đại học và giáo dục nghề nghiệp. Ở giáo dục phổ thông, chủ yếu thừa giáo viên các môn toán, vật lý, ngữ văn nhưng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ, công nghệ; thừa giáo viên ở vùng đồng bằng nhưng thiếu giáo viên ở vùng miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Vẫn còn gần 10.000 giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn đào tạo; nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành chỉ mới đạt khoảng 60%. Một bộ phận giáo viên đạt chuẩn hoặc trên chuẩn đào tạo nhưng năng lực nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
Trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo nhìn chung còn thấp đã làm hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học (Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ chỉ chiếm 2,6% ở cao đẳng, 19,5% ở đại học; tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư giảng dạy ở đại học chiếm 5,6%).
 
Trong giai đoạn này, ngoài những thay đổi chung theo tiến trình cải cách tiền lương đối với người lao động, nhà giáo được khôi phục lại phụ cấp thâm niên nghề, được bổ sung thêm phụ cấp lâu năm khi công tác từ đủ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; một số chức danh nghề nghiệp trước đây còn thiếu trong thang bảng lương cũng được điều chỉnh, bổ sung.
 
Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: Chính sách lương của nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ.
 
Thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy rất khác về tiêu chuẩn và tính chất nghề nghiệp nhưng vẫn xếp cùng thang, bảng lương như giáo viên trung học...
 
Việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững. Quy định số giờ dạy thêm được tính trả lương không vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/người/năm không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở các trường nội trú (vượt 200 giờ thì giáo viên không được thanh toán)...
 
Với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình; thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn rất thấp. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9 – 10 triệu/tháng.
 
Dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86, do vậy, số giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu/tháng. Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục và các chuyên gia, thu nhập  của nhà giáo hiện nay chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động, chưa tạo động lực để đội ngũ nhà giáo làm việc.
 
Trong những năm gần đây, các trường, khoa sư phạm gặp không ít khó khăn trong việc tuyển sinh: Thường tuyển không đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn của một số trường, khoa khá thấp, kinh phí đào tạo hạn hẹp đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng đào tạo.
 
Tình trạng một bộ phận sinh viên sư phạm ra trường không công tác trong ngành giáo dục (do không tìm được việc làm hoặc lựa chọn làm việc khác) đã gây lãng phí cả nhân lực, thời gian và chi phí đào tạo mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Nguồn: Vũ Hân/CAND

Các tin khác