Văn hóa - Giáo dục
Giải 'bài toán' thừa cán bộ quản lý ngành giáo dục ở các huyện
(Congannghean.vn)-Vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, phía Kiểm toán Nhà nước khu vực II cho biết: Qua kiểm toán ngân sách, có 201 phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học và THCS tại các huyện ở Nghệ An bị vượt so với thông báo của Sở Nội vụ. Thông tin trên nhanh chóng gây sự chú ý cho giới giáo chức cũng như dư luận về sự “bất thường” này. Để hiểu rõ về những nội dung trên, phóng viên đã đi sâu tìm hiểu và ghi nhận ý kiến từ các cơ quan quản lý.
Trường THCS thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc thừa Phó Hiệu trưởng do huyện tự tăng số lượng cán bộ quản lý |
Chưa bám theo quy định
Huyện Hưng Nguyên là một trong những địa phương đang có tình trạng thừa cán bộ quản lý trong ngành giáo dục ở vị trí chức danh phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện huyện này đang thừa 13 phó hiệu trưởng ở các cấp, trong đó bậc tiểu học 3, mầm non 3 và THCS 5.
Theo ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hưng Nguyên, toàn huyện có 56 trường do huyện quản lý ở 23 xã, thị trấn. Sở dĩ có tình trạng thừa chức danh phó hiệu trưởng là do thời gian qua, số lượng học sinh giảm nên quy mô trường phải sáp nhập lại. Mặc dù công tác sáp nhập đã thực hiện theo chủ trương chung, nhưng đến nay Hưng Nguyên vẫn còn nhiều trường học dư thừa cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn của ngành.
Không như các huyện khác, chỉ sáp nhập từ 1 - 2 trường thành 1 trường mà ở địa phương còn nhập từ 3 - 4 trường thành 1. Điển hình như 4 xã thành lập 1 trường gồm: Hưng Thông - Hưng Tân - Hưng Tiến - Hưng Thắng; Hưng Phú - Hưng Khánh - Hưng Nhân - Hưng Châu. Tại huyện Nam Đàn, từ năm học 2015 - 2016, huyện đã thừa 7 phó hiệu trưởng của các trường THCS, tuy nhiên đến nay chỉ còn lại 4 trường hợp. Nguyên nhân ngoài việc giảm học sinh dẫn đến quy mô trường “co lại” thì việc xếp hạng trường cũng đã làm cho nhiều trường học dư thừa cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn của ngành quy định.
Theo thầy Nguyễn Văn Long, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng - Thái - Nghĩa, đây là một trong những trường trên địa bàn huyện có số dư cán bộ quản lý. Lý do trường hiện có 2 Phó Hiệu trưởng là do sự chồng chéo giữa 2 năm học liền kề 2016 - 2017 và 2017 - 2018, Trường từ hạng 1 nhưng khi đi duyệt kế hoạch bị xếp xuống hạng 2. Việc trường có 2 cán bộ quản lý đã có từ trước khi trường xuống hạng 2 mà không phải do có sự bổ nhiệm mới.
Khác với các địa phương trên, tại huyện Nghi Lộc, theo thông báo của ngành Giáo dục, toàn huyện còn thừa 2 phó hiệu trưởng ở bậc THCS là tại Trường THCS thị trấn Quán Hành và Trường THCS Trường - Thịnh.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Số cán bộ quản lý dư ở 2 trường này không giống nhau. Cụ thể là tại Trường THCS thị trấn Quán Hành là do tăng cường nhân lực cán bộ quản lý để thực hiện Đề án xây dựng trường trọng điểm của huyện giai đoạn 2015 - 2020 nên đã bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng đảm trách công tác lãnh đạo bồi dưỡng học sinh giỏi. Còn tại Trường THCS Trường - Thịnh được sáp nhập từ 2 Trường THCS của xã Nghi Trường và xã Nghi Thịnh. Dù đã sáp nhập nhưng trên thực tế, học sinh ở đây vẫn phải học tại 2 điểm trường nên lý do thừa cán bộ quản lý là từ lịch sử để lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù không đúng quy định nhưng để công tác dạy và học của trường được đảm bảo, ngành Giáo dục huyện Nghi Lộc vẫn phải bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng ở điểm trường phụ. Còn ở Trường THCS thị trấn Quán Hành, đến tháng 11/2017, mặc dù Trường chỉ có 16 lớp học với 554 em cho cả 4 khối học 6, 7, 8, 9 không đủ số lớp theo quy định từ 18 lớp trở lên nhưng phòng vẫn bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Khó khăn trong giải quyết “số dư”
Có thể thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra tình trạng giáo viên thừa hàng loạt do việc tuyển dụng sai quy định của một số địa phương. Trước thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương siết chặt công tác tuyển dụng viên chức cũng như có giải pháp để khắc phục, thanh lý số giáo viên hợp đồng không đúng quy định. Vì thế, việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng không theo chủ trương và quy định liên quan đang là vấn đề cần giải quyết thấu đáo, bởi việc bổ nhiệm, bố trí thừa cán bộ quản lý sẽ liên quan đến bộ phận tham mưu và cơ quan quản lý cũng như tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An dư 83 cán bộ quản lý là phó hiệu trưởng ở các cấp. Trong đó, ở bậc học mầm non thừa 11 trường hợp; tiểu học thừa 34 trường hợp và THCS thừa 38 trường hợp. Các địa phương có số “dư” phó hiệu trưởng gồm các huyện: Tương Dương 8; Đô Lương 6; Diễn Châu 5; Nghi Lộc 2…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết: Thực trạng thừa phó hiệu trưởng ở các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh chỉ là dư cục bộ ở một số trường, còn theo định biên được giao thì phần lớn vẫn còn thiếu. Lý do là sau khi sáp nhập trường lớp (trong 10 năm tỉnh đã thực hiện sáp nhập 10 trường mầm non, 48 trường tiểu học và 59 trường THCS), một số trường vẫn phải học ở 2 điểm trường nên cần phải có 1 phó hiệu trưởng để quản lý trực tiếp ở điểm trường. Một số địa phương xây dựng các trường trọng điểm, nên thêm một phó hiệu trưởng để quản lý công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài ra, ở một số địa phương miền núi, nhiều phó hiệu trưởng thực hiện việc biệt phái làm việc ở phòng Giáo dục nhưng “quân số” vẫn thuộc các trường quản lý.
Trong khi đó, ông Ngô Tất Tiềm, Phó Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi Chính phủ, Sở Nội vụ lại cho rằng: Thực tế Nghệ An thừa 201 cán bộ quản lý được cơ quan Kiểm toán làm việc và công bố từ 31/12/2016. Đến nay, con số đó đã có sự thay đổi và số phó hiệu trưởng thừa là thấp hơn so với thông báo. Sở dĩ có con số này là do định mức tối đa của Bộ GD&ĐT quy định, tuy nhiên còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ xây dựng chi tiết số cán bộ quản lý và viên chức cho toàn ngành và từng huyện nhưng không vượt biên chế trần của tỉnh.
Xuân Thống