Văn hóa - Giáo dục
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo sửa Luật Giáo dục
(Congannghean.vn)-Miễn học phí tới cấp THCS, lương giáo viên được xếp hạng cao nhất trong hệ thống thang bảng lương… là một số thay đổi nhận được sự quan tâm của dư luận trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa trình Chính phủ.
Đề xuất áp dụng miễn học phí từ bậc Tiểu học đến THCS được dư luận ủng hộ (Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Lợi) |
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký thì sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong Dự thảo lần này. Trong đó dự thảo Luật đã đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí từ tiểu học đến THCS. Cụ thể, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 105 như sau: “Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần đảm bảo chi phí cho các hoạt động giáo dục; học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí”.
Sở dĩ có sự thay đổi này là do có nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.
Nếu theo Dự thảo này thì mức học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc TƯ quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp. Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đã bày tỏ những lo ngại và đề nghị cần phải xem xét lại để phù hợp với ngân sách của Nhà nước. Nếu đứng trên góc độ của người dân thì đây là một chính sách tốt, giảm chi phí cho gia đình học sinh, nhưng nếu giảm học phí ở 2 cấp học thì liệu Nhà nước có đủ ngân sách, năng lực để chi trả. Được biết, Hiến pháp trong những năm trước đây quy định rõ, nhân dân được học không phải đóng học phí, tuy nhiên, Nhà nước ta không thực hiện được. Hiện, ngành Giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy kinh phí từ việc thu học phí sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn của ngành. Có ý kiến cũng nghi ngại, có hay không việc có thể dẫn tới tình trạng “lạm thu” ở các trường khi không còn được thu học phí?
Một trong những thay đổi nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên trong những ngày qua, đó là xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống lương hành chính, sự nghiệp. Nội dung này được nêu tại Điều 81 trong Dự thảo thay đổi cho điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009: “Lương của nhà giáo được xếp hạng cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Thực tế cho thấy, lương giáo viên hiện nay nhìn chung vẫn còn thấp, đặc biệt là ở bậc mầm non và phổ thông. Cách đây không lâu, câu chuyện của 2 cô giáo mầm non Trương Thị Lan, Trường Mầm non Lê Duẩn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và Nguyễn Thị Vỹ, Trường Mầm non Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng sau hơn 30 năm công tác, cống hiến khiến dư luận không khỏi xót xa. Phần lớn ý kiến đều bày tỏ sự thương cảm, chia sẻ với 2 cô giáo và cho rằng tiền lương quá ít so với đóng góp, cống hiến của các cô, tuy nhiên đây là quy định chung.
Chúng ta đều hiểu, một trong những yếu tố để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến đó là mức lương phù hợp để họ đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, phải thừa nhận mức lương hiện nay của giáo viên vẫn còn thấp, đặc biệt là bậc mầm non, dẫn đến rất nhiều trường hợp lương giáo viên không đủ sống, cuộc sống chật vật, khó khăn. Vì vậy, hầu hết ý kiến đều tán thành đề xuất này, đặc biệt là các giáo viên rất vui mừng và hy vọng.
Phía Bộ GD&ĐT cho rằng, việc xếp lương giáo viên cao nhất chỉ là Luật hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực tế điều này đã được quy định tại Nghị quyết TƯ khóa VIII, năm 1996. Bộ khẳng định, đây là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ đang xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia thì nội dung này vẫn còn nhiều nghi ngại. Cụ thể, đa phần ý kiến bày tỏ ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì khó khả thi khi mà ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn hẹp, tình hình nợ công vẫn còn gia tăng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cả nước có khoảng gần 1 triệu giáo viên, con số ấy tới đây sẽ còn tăng lên và liệu chúng ta có đủ tiền để chi trả. Đồng ý là tăng nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào thì phải tính toán, cân nhắc kỹ, tránh trường hợp nói ra rồi không thực hiện được thì sẽ mang tiếng.
Anh Quân (tổng hợp)