Văn hóa - Giáo dục
Nhà giáo trẻ thắp lửa những ước mơ
(Congannghean.vn)-Trẻ trung, tâm huyết, hết lòng vì học trò và giàu lòng yêu nghề, họ là những nhà giáo trẻ đã vượt qua khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Bằng niềm đam mê của mình, các thầy, cô giáo đã truyền lửa, thắp lên những ước mơ, hoài bão cho bao thế hệ học trò, đưa các em đến bến bờ tri thức.
Thành công nhờ sự đam mê và lòng tự trọng
Thầy giáo trẻ Hồ Sỹ Hùng (giữa) luôn tâm niệm để có được thành công phải có niềm đam mê và lòng tự trọng nghề nghiệp |
Chỉ cách đây ít tháng, khi em Nguyễn Cảnh Hoàng (cựu học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) giành được tấm Huy chương Vàng (HCV) Olympic Toán quốc tế đầu tiên cho tỉnh nhà, tất cả đều vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc. Mọi người đều gọi là kỳ tích bởi đó là tấm HCV môn Toán đầu tiên mà học trò xứ Nghệ giành được sau hàng chục năm chờ đợi. Với những người trong cuộc càng hiểu rõ được giá trị của tấm huy chương bởi từ năm 1997, cuộc chơi trí tuệ trên đấu trường quốc tế này của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã bị gián đoạn. Phải đến năm 2015, em Hoàng Anh Tài mới chạm tay vào chiếc HCB của bộ môn này. Và sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, năm nay em Nguyễn Cảnh Hoàng đã làm nên kỳ tích bằng việc vượt qua hàng trăm đối thủ, giành tấm HCV danh giá và xếp thứ hạng 14 trên bảng tổng sắp điểm.
Tuy nhiên, riêng với thầy giáo Hồ Sỹ Hùng, người bồi dưỡng em Nguyễn Cảnh Hoàng thì thành công này không quá bất ngờ, bởi với hành trang kiến thức mà các em đã được trang bị từ khi vào lớp 10 cộng với niềm tin, quyết tâm chiến thắng và lòng đam mê thì sẽ dành được chiến thắng. Nói như vậy không có nghĩa thầy Hồ Sỹ Hùng không vui mừng, tự hào về kết quả đó mà để thấy rằng, thầy và trò đã nỗ lực, đặt quyết tâm cao như thế nào trước khi bước vào cuộc thi này.
Để có được quả ngọt ngày hôm nay, 2 thầy trò đã có quãng thời gian 3 năm bền bỉ, miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và học tập, từ quá trình hun đúc, xây dựng hoài bão, ước mơ cho học sinh cho đến việc xác định mục tiêu, truyền tải kiến thức để các em từng bước chinh phục các đỉnh cao mới của tri thức. Và trong suốt chặng đường ấy, cả thầy và trò biết chấp nhận hy sinh, luôn trăn trở để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng (SN 1980) thi đỗ và nhận quyết định về công tác tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu từ năm 2002, đó là thời điểm “chuyển giao thế hệ” vì có nhiều nhà giáo giỏi nghỉ hưu, thầy Hùng và những người trúng tuyển vào Trường Phan khi đó được kỳ vọng là thế hệ kế tục viết tiếp vào bảng vàng truyền thống của nhà trường. Điều đó khiến thầy Hùng không khỏi vinh dự, tự hào và buộc mình phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều.
Sau hơn 15 năm công tác, năng lực và tâm huyết của thầy giáo trẻ Hồ Sỹ Hùng đã được chứng minh qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Từ năm 2008, thầy Hùng bắt đầu dạy môn chuyên và nhiều lần là giáo viên chủ nhiệm đội tuyển Toán quốc gia của tỉnh. Dưới sự dìu dắt của thầy, đã có nhiều thế hệ học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) và mang về cho nhà trường nhiều thành tích danh giá.
Đến với nghề sư phạm như một cơ duyên, thế nhưng khi đã bước chân vào nghề, thầy Hùng luôn dành tình yêu đặc biệt cho nghề giáo và đặt lòng tự trọng nghề nghiệp lên trên hết. Thầy Hùng tâm niệm, để có được sự thành công trước hết người thầy phải có niềm đam mê và lòng tự trọng với nghề, biết trăn trở, băn khoăn với những gì mình chưa làm được để không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, nhiệt tâm, có tinh thần trách nhiệm cao với học trò và luôn đặt thành quả chung của học trò, của nhà trường lên hàng đầu. Và trong quá trình phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi đó, thầy giáo trẻ đã phải chấp nhận những hy sinh thầm lặng. Thế nhưng, nhìn thấy những thế hệ học trò nên người, ghi tên mình trên các cuộc thi trí tuệ lớn, nhỏ thì mọi vất vả, hy sinh lại nhường chỗ cho những hạnh phúc lớn lao.
Trong ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy Hồ Sỹ Hùng đón thêm một niềm vui lớn nữa khi vinh dự là 1 trong 2 giáo viên xuất sắc của tỉnh nhà được Bộ GD&ĐT tôn vinh là Nhà giáo tiêu biểu. Dịp này, cả nước có 168 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được tôn vinh.
Thầy giáo trẻ gieo tình yêu Sử cho học trò vùng cao
Đó là thầy giáo Đào Chính Hiền (SN 1982), giáo viên môn Lịch sử Trường PTDTBT THCS Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Thầy là 1 trong 5 giáo viên của xứ Nghệ được Bộ GG&ĐT vinh danh tại lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017 được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây là giải thưởng dành cho những tấm gương giáo viên tiêu biểu hết lòng vì học trò, tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, luôn trau dồi năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp…
Thầy giáo Đào Chính Hiền với học trò vùng cao trong giờ lên lớp |
Là người con quê lúa Yên Thành, thầy giáo Hiền nhận công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn từ năm 2006, đến nay đã 11 năm thầy gắn bó với bản làng, học trò miền biên viễn xứ Nghệ. Chừng ấy thời gian đủ để thầy quen và thích nghi với những điều kiện khó khăn, thiếu thốn nơi đây để rồi từng bước khắc phục, vượt qua những khó khăn, thắp lên tình yêu con chữ, tình yêu môn Lịch sử cho học trò.
Thầy Hiền tâm sự: “So với học sinh ở đồng bằng thì học sinh nơi đây mọi điều kiện đều khó khăn hơn, khả năng tiếp thu cũng hạn chế hơn, chưa kể nhiều em không thông thạo tiếng Kinh nên việc dạy học cũng khó khăn hơn rất nhiều. Nếu như với học sinh vùng đồng bằng, giáo viên đặt mục tiêu điểm 10 thì ở đây điểm 6, 7 là các em đạt yêu cầu”.
Thế nhưng, để đạt yêu cầu như thầy Hiền nói là cả quá trình không đơn giản. Với mỗi bài giảng, mỗi sự kiện lịch sử, thầy phải truyền đạt, giải thích cặn kẽ nhiều lần, lấy ví dụ để học sinh dễ hiểu. Vì vậy, mỗi giờ lên lớp làm thế nào để đảm bảo giờ học nhưng vừa để các học trò hiểu bài, tiếp thu kiến thức, đòi hỏi thầy Hiền phải luôn có phương pháp dạy học riêng để khơi gợi sự hứng thú, tình yêu môn học trong học trò.
Đổi lại sự tận tâm và sự kỳ vọng của thầy, học trò cũng đã vượt khó vươn lên, nỗ lực giành được kết quả tốt nhất trong môn học. Tất cả các năm học, học trò của thầy Hiền đều đạt kết quả cao trong kỳ thi HSG cấp huyện, cấp tỉnh. Trong năm học vừa qua, 2 học trò của thầy đã đạt giải Ba trong kỳ thi HSG môn Lịch sử cấp tỉnh và HSG cấp huyện. Đối với 1 ngôi trường ở huyện biên giới Kỳ Sơn thì đây là kết quả xuất sắc ngoài mong đợi.
11 năm gắn bó với đồng bào và học trò nên thầy hiểu rõ những phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Học sinh đều xa nhà, sống tự lập, vì vậy các thầy cô như những người cha, người mẹ, ngoài giờ học còn chăm lo cuộc sống cho các em, tâm sự, chia sẻ, động viên các em khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập. Sau mỗi giờ học, thầy và trò lại cùng nhau tăng gia sản xuất, chăm sóc vườn rau, đàn lợn, gà để cải thiện cuộc sống. Đó cũng là những phút giây thư giãn ngoài giờ lên lớp nhưng cũng là cách để thầy giáo trẻ truyền cảm hứng cho học trò, dạy các em những bài học về cuộc sống không có trong sách vở.
Ngày 18/11, Bộ GD&ĐT công bố danh sách những giáo viên được công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Dịp này có 20 giáo viên của Nghệ An vinh dự được nhận danh hiệu này. Đây là danh hiệu cao quý dành cho những giáo viên, cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề; là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả. Sau 14 lần phong tặng, Nghệ An có 3 Nhà giáo Nhân dân và 197 Nhà giáo Ưu tú. |
Huyền Thương