Văn hóa - Giáo dục

Lấy sinh viên làm trung tâm, đại học thu 'trái ngọt'

14:43, 11/11/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Với việc áp dụng phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, thời gian qua Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã nhận được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo cũng như học tập của sinh viên.
 
Tại hội thảo quốc tế “Tìm hiểu các phương pháp sư phạm hỗ trợ học tập chuyên môn trong các bối cảnh quốc tế” do NTTU tổ chức ngày 8/11 tại TPHCM, PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng NTTU cho biết, phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm đã được nhà trường triển khai trong thời gian qua nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng khác cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.
 
Từ mục tiêu trên, trong chương trình đào tạo của mình, NTTU đã xây dựng, thiết kế kinh nghiệm học tập lấy sinh viên làm trung tâm, đào tạo hướng nghiệp, hỗ trợ sinh viên nâng cao hiệu quả học tập tại cơ sở làm việc, tăng khả năng chuyên môn thông qua việc áp dụng những ứng dụng công nghệ hỗ trợ học tập tiên tiến từ Trường ĐH Birmingham City (Vương quốc Anh)…
 
Bên cạnh đó, nhà trường đã vận dụng mô hình thực tế, nơi mà sinh viên có thể thực hành trực tiếp những kiến thức mà mình đã học ngay tại trường. Với phương pháp này, sinh viên có thể tự tin hơn, hiểu biết hơn, không bị tình trạng xa rời thực tế. Sinh viên biết mình học cái gì, áp dụng ở đâu và vận dụng ra sao.
 
Đặc biệt, không chỉ có sinh viên thay đổi mà cả giảng viên cũng có những chuyển biến tích cực. Giảng viên trở thành những “hình mẫu” để sinh viên noi theo. Họ không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà cả thái độ giảng dạy.
 
TS. Matt O’Leary (Trường ĐH Birmingham City) cho rằng, phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm là tập trung vào sự phát triển của mối quan hệ hợp tác sáng tạo giữa giảng viên và sinh viên, từ việc sinh viên đang là chủ thể bị động chuyển sang thành cộng tác viên chủ động.
 
Từ chỗ hợp tác làm việc với tư cách là đồng quan sát viên, đồng tác giả, đồng nghiên cứu, phương pháp sẽ tạo ra sự tương tác, liên kết và chia sẻ có căn cứ giữa sinh viên và giảng viên. Việc sử dụng phương pháp dự giờ như là điểm gặp gỡ cho những tương tác này sẽ giúp cả thầy và trò tích hợp những kinh nghiệm dạy và học, phát triển sự hiểu biết phong phú hơn, cung cấp một nền tảng cho sự cải tiến bền vững.
 
PGS.TS. Trần Thị Hồng cho biết, với việc áp dụng phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, NTTU sẽ tiếp tục tìm hiểu và triển khai nhiều phương pháp học tập mới để đạt được mục tiêu là một trong những trường ĐH top đầu của Việt Nam.
 
Với chủ đề năm học 2017-2018 là “Chất lượng cao-Việc làm tốt”, NTTU chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo mang tính thực tế ứng dụng, đổi mới trong giáo dục đại học với mô hình giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học tập diễn ra ở mọi nơi.
 
Cùng với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, trong tương lai, NTTU sẽ hợp tác với nhiều tổ chức của Vương quốc Anh trong tổ chức các hội thảo chuyên đề bổ ích và mang tính chuyên môn cao. Điều đó sẽ giúp các nhà giáo, nhà nghiên cứu, sinh viên gặp gỡ, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm đổi mới trong phương pháp giảng dạy, qua đó định hình và phát triển một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21.

Nguồn: Minh Thi/Chinhphu.vn

Các tin khác