Văn hóa - Giáo dục
Lợi dụng xã hội hóa, nhiều trường lạm thu trái quy định
(Congannghean.vn)-Lợi dụng chủ trương xã hội hóa, hàng loạt trường trên địa bàn Hà Tĩnh đã thu nhiều khoản trái quy định. Tuy nhiên, khi tìm hiểu vấn đề này, các hiệu trưởng đều một mực khẳng định, các khoản đó không nằm trong danh mục thu của nhà trường. Tất cả đều do phụ huynh tự nguyện thống nhất để phục vụ học sinh tốt hơn.
Trường chuẩn Quốc gia vẫn huy động tiền tỉ từ học sinh
Trường THCS Lê Văn Thiêm là trường đạt chuẩn Quốc gia, được UBND tỉnh và UBND TP Hà Tĩnh đầu tư về cơ sở vật chất. Thế nhưng, theo phản ánh của phụ huynh, năm học 2017 - 2018, nhà trường vận động từ phụ huynh số tiền hơn 1 tỉ đồng để đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm các thiết bị dạy học tại các lớp học. Được biết, năm học 2017 - 2018, Trường THCS Lê Văn Thiêm có 906 học sinh.
Dù đạt chuẩn Quốc gia nhưng hàng năm Trường THCS Lê Văn Thiêm vẫn huy động tiền tỉ từ xã hội hóa |
Theo phản ánh của phụ huynh, năm học 2017 - 2018, nhà trường vận động hỗ trợ cơ sở vật chất số tiền 1.300.000 đồng/em. Tại cuộc họp phụ huynh cuối năm học năm 2016 - 2017, nhà trường có chủ trương làm sân bóng đá nhân tạo, chi phí 700.000.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không đồng ý. Năm học này, nhà trường thông báo đã vận động nguồn lực khác được 300.000.000 đồng, còn 400.000.000 đồng còn lại chia đều cho các phụ huynh trong trường. Ngoài 2 khoản trên, ở mỗi lớp còn thu thêm quỹ hội phụ huynh 200.000 đồng/em, quỹ lớp không thu cào bằng song dao động từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng/em, ít nhất phụ huynh phải đóng góp 300.000 đồng/em để mua máy chiếu và phí giữ xe đạp điện 15.000 đồng/tháng, 10.000 đồng/tháng đối với xe đạp.
Trao đổi những bức xúc của phụ huynh, bà Trần Thị Nhật Ái, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm cho rằng: “Dù so với mặt bằng chung trường thu 1.300.000 đồng/em hỗ trợ cơ sở vật chất là cao, nhưng học sinh ở đây hưởng lợi nhiều hơn các trường khác. Mức thu này đã được HĐND TP Hà Tĩnh thẩm định và cho phép. Còn tiền quỹ lớp lên đến tiền triệu và phụ huynh nộp tiền máy chiếu ở khối 6 là có, nhưng chỉ có một nhóm phụ huynh có điều kiện đóng góp, Trường không có chủ trương thu cào bằng”.
Tương tự, tại Trường Mầm non thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), phụ huynh bức xúc khi năm nào nhà trường cũng vận động hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất, song con họ đang phải học trong ngôi trường xuống cấp trầm trọng và lạm thu nhiều khoản. Cụ thể, năm học 2017 - 2018, phụ huynh phải nộp các khoản: Hỗ trợ cơ sở vật chất 590.000 đồng; hỗ trợ mua bát, chén 450.000 đồng, tiền mua sắm trang thiết bị trong lớp 155.000 đồng, tiền trực trưa 45.000 đồng/tháng, tiền cô nuôi 65.000 đồng/tháng/em.
Giải thích về các khoản bất hợp lý mà phụ huynh phản ánh, bà Lê Thị Cẩm, Hiệu trường cho biết: “Nhà trường vận động các khoản trên đã được sự đồng ý của phụ huynh, có văn bản phụ huynh tự nguyện và ký vào. Nếu phụ huynh không đồng ý thì nhà trường đã không thu”.
Được biết, năm học 2016 - 2017, Trường Mầm non thị trấn đã bị “tuýt còi” về nhiều khoản thu vô lý, nhưng năm học này tình trạng trên lại tiếp tục tiếp diễn.
Chủ tịch UBND xã khẳng định: Nếu nhà trường đã thu thì hiệu trưởng lạm quyền
Là một xã thuộc vùng khó khăn nhưng năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non Thạch Lưu đã thu nhiều khoản, khiến phụ huynh bức xúc. Đơn cử: Hỗ trợ cơ sở vật chất 500.000 đồng, mua sắm trang thiết bị dạy học 700.000 đồng, phục vụ bán trú 1.200.000 đồng, quỹ phụ huynh trường 50.000 đồng, quỹ phụ huynh lớp 50.000 đồng, dịch vụ y tế 40.000 đồng, ủng hộ xây dựng đường bê tông 200.000 đồng, tiền vệ sinh trẻ 100.000 đồng/năm, tiền mua sách vở, dụng cụ học tập 242.000 đồng…
Đến thời điểm này (2/11), UBND xã chưa có văn bản thống nhất các khoản thu của Trường Mầm non Thạch Lưu. Còn riêng khoản huy động đóng góp 200.000 đồng làm đường bê tông vào trường mà đã thu đóng góp của phụ huynh là sai. Vì ngay từ đầu, UBND xã đã không đồng ý để nhà trường huy động đóng góp của phụ huynh. Nếu trường đã thu thì hiệu trưởng lạm quyền. Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu.
Tương tự, Trường THCS Hàm Nghi (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) năm học 2017 - 2017 cũng thu nhiều khoản trái quy định như: Tiền nước, tiền giữ xe, tiền vệ sinh, tiền lao động… Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng 100.000 đồng để mừng ngày 20/11.
Trường học là nơi để học sinh học tập, không phải để kinh doanh. Đừng để các cháu nhỏ, gia đình nghèo thêm gánh nặng vì phải “cõng” các khoản thu vô lý. Thiết nghĩ, phản ánh việc lạm thu thì đã nhiều, nhưng để khắc phục được lạm thu, trong khi chờ sự trung thực, tự giác của nhà trường, cần thiết phải có “gậy pháp lý” đủ mạnh để xử lý nghiêm các sai phạm. Các địa phương cần có chế tài để xử nghiêm hiệu trưởng nếu lạm thu.
Thu Hường