Văn hóa - Giáo dục

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT

10:04, 20/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực trong công tác hướng nghiệp, các nhà trường đã giúp học sinh có thêm thông tin, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi hoàn thành chương trình THPT.

Buổi học lý thuyết về môn điện của lớp 10C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An
Buổi học lý thuyết về môn điện của lớp 10C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những năm qua, nhiều trường đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều trường đã chủ động phối hợp các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh. Không chỉ trong các hoạt động giáo dục, thực tiễn những năm qua, việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An là một trong những trường chú trọng công tác hướng nghiệp. Để giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp, ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, nhà trường đã liên kết với Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (cơ sở tại Nghệ An) để mở 2 lớp đào tạo nghề điện dân dụng và nghề may mặc. Lớp học tổ chức 3 buổi chiều/tuần, được bố trí vào những buổi không có tiết học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Nếu học sinh nào không thi CĐ, ĐH thì các em cũng có thể đi làm, tự kiếm sống mà không cần phải bỏ thời gian ra học nghề. Trong quá trình học, nếu nhu cầu của học sinh thay đổi, nhà trường sẽ tạo điều kiện chuyển đổi lớp để các em được học nghề phù hợp. Được biết, phía nhà trường phụ trách bố trí không gian, phòng học, phân phối chương trình học hợp lý và quản lý học sinh. Còn phía Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh hỗ trợ máy móc, thiết bị và dạy nghề cho các em.

Theo thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết: Vì năm nay nhà trường mới bắt đầu tổ chức thực hiện nên chỉ sắp xếp được cho các em khối 10 học nghề; còn các em lớp 11 và 12 đang cận kề thi CĐ, ĐH thì để dành thời gian ôn tập, phục vụ các kỳ thi sắp tới. “Nhà trường cũng đang dự định mở lớp và mời các chuyên gia có chuyên môn để dạy môn học nấu ăn cho học sinh”, thầy Nguyễn Đậu Trương cho biết thêm.

Đây cũng là năm học thứ 3 liên tiếp, Trường THPT Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn tổ chức liên kết với Trường CĐ Nghề số 4 mở các lớp như: Công nghệ ôtô, điện lạnh, điện công nghiệp, hàn và nghề may mặc. Chương trình học hoàn toàn miễn phí và ngành nghề học thiết thực nên các lớp thu hút hầu hết học sinh trong Trường tham gia. Sau khi tốt nghiệp, ngoài tấm bằng tốt nghiệp chương trình văn hóa THPT, các em còn được nhận bằng Trung cấp nghề do Trường CĐ Nghề số 4 cấp. Ngoài ra, phía Trường CĐ Nghề số 4 còn cam kết “đầu ra” nghề nghiệp cho học sinh. “Để chương trình ngày càng hiệu quả, thiết nghĩ các trường THCS nên chú trọng hơn nữa trong công tác phân luồng để lên lớp 10 học sinh khỏi bỡ ngỡ, chọn nghề theo cảm tính, số đông”, cô Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Hắc Đế chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 và Trường THPT Mai Hắc Đế là những trường trên địa bàn tỉnh đang đổi mới, chú trọng vào công tác hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Qua số liệu về hướng nghiệp học sinh cho thấy, các em chọn nghề vẫn đang còn cảm tính, theo số đông. Và, để nhân rộng những mô hình trên, hầu hết các trường đều gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và sắp xếp, bố trí lịch học cho học sinh.

Thu Thủy

Các tin khác