Văn hóa - Giáo dục
Tri ân và trách nhiệm
Phan Bội Châu - con người của thời đại
(Congannghean.vn)-Trong các danh nhân xứ Nghệ, Phan Bội Châu là một nhân vật kiệt xuất, để lại dấu ấn sâu đậm những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở miền quê giàu truyền thống yêu nước và cái nôi của câu đò đưa ví, giặm đã góp phần hun đúc, nuôi lớn tâm hồn, nhân cách, ý chí của cậu học trò nghèo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. |
Phan Bội Châu nổi tiếng thông minh từ bé, 13 tuổi đã thi đỗ đầu huyện, năm 17 tuổi viết bài “Hịch Bình Tây Thu Bắc”, năm 19 tuổi cùng bạn bè lập đội “Sĩ tử Cần Vương”, kết giao với những người yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… để tìm phương sách cứu nước. Cụ cùng các đồng chí của mình thành lập Hội Duy Tân, sang Trung Quốc, Nhật Bản hoạt động yêu nước. Các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội… đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đặc biệt là phong trào Đông Du.
Với tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ, Phan Bội Châu đã đặt nền móng cho những thay đổi sâu sắc của nước ta đầu thế kỷ 20, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của cách mạng Việt Nam như Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Nguyễn Thức Đường… Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã truyền bầu máu nóng đến toàn dân tộc, giúp nhiều thanh niên sau đó tiếp tục tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân.
Phan Bội Châu không chỉ là nhà chí sĩ yêu nước mà còn là nhà văn hóa lớn, cụ để lại cho hậu thế kho tàng tri thức khổng lồ. Cuộc đời và hoạt động của cụ là hình tượng về tấm lòng kiên trung với đất nước, một tư duy nhạy bén của thời đại. Cụ còn là sứ giả văn hóa giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakirato đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa 2 nước, góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan khu trưng bày tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu |
Trách nhiệm của thế hệ trẻ
Khu di tích lưu niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn trở thành nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cụ. Hiện, Khu di tích gồm 2 cụm: Cụm di tích quê ngoại ở làng Sa Nam và quê nội ở làng Đan Nhiệm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn). Khu di tích thể hiện đầy đủ các giá trị hình thành nên nhân cách, tư tưởng yêu nước, thương dân và những công lao to lớn của Phan Bội Châu đối với đất nước.
Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của cụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng đã nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích. Vì vậy năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu là di tích quốc gia đặc biệt. Kể từ đó đến nay, Khu di tích không ngừng được tu bổ, tôn tạo.
Đặc biệt, năm 2016, từ ý tưởng và nguồn đóng góp của cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và những người yêu mến cụ, Nhà tưởng niệm khu di tích đã được xây dựng lại với tổng vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng. Nghĩa cử cao đẹp của lớp hậu thế trong việc xây dựng, tu bổ di tích đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn Khu di tích lưu niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Ngày 16/12, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước và lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Tham dự buổi lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế đến từ Nhật Bản.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An; đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh nhà và các tầng lớp nhân dân tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của Khu di tích; sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày những kỷ vật xúc động, thiêng liêng về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của cụ Phan Bội Châu; nơi nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của 1 nhà chí sĩ yêu nước kiệt xuất. Đặc biệt, phải biến nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để thu hút, tập hợp, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của xứ Nghệ; giúp thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng, ghi tạc công lao của tiền nhân, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đúng như lời đồng chí Phó Thủ tướng căn dặn, thời gian qua, tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn đã không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một trong nhiều hoạt động cụ thể được triển khai đó là chỉ đạo các trường học tổ chức nhiều đợt dã ngoại, tham quan, học tập về thân thế, sự nghiệp cũng như tinh thần học hỏi đổi mới, hữu nghị quốc tế cao cả của cụ Phan Bội Châu tại Khu di tích. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là ra sức giữ gìn, tu bổ để nơi đây trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, cụ Phan Bội Châu còn là tấm gương của tinh thần hiếu học và học giỏi. Tại lễ kỷ niệm, đại diện học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã bày tỏ niềm tự hào khi được học tập dưới ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước. Trong bề dày xây dựng và phát triển, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu luôn được đánh giá là ngôi trường thuộc top đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Ngọn lửa tinh thần hiếu học và cách mạng mà nhà yêu nước Phan Bội Châu thắp lên từ hơn một thế kỷ trước giờ đây được các thế hệ thầy cô giáo, học trò Trường Phan kế thừa và phát huy, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An.
Ngay sau lễ kỷ niệm là lễ rước bằng từ Nhà văn hóa lao động về Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn). Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dâng hương bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của cụ Phan Bội Châu. Đoàn đại biểu cũng đã tham gia lễ khởi công xây dựng tượng nhà chí sĩ yêu nước. Trước đó, trong 2 ngày 15 và 16/12 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Chí sĩ Phan Bội Châu - bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”. Hội thảo đã góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Nghệ An - Nhật Bản nói riêng. Để đảm bảo ANTT trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của cụ Phan Bội Châu, dịp này, Công an Nghệ An đã triển khai phương án bảo vệ, huy động hàng trăm CBCS tham gia nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ kỷ niệm và cũng như đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế. |
Huyền Thương