Văn hóa - Giáo dục
Nguy cơ dung tục hóa phê bình văn nghệ
Đề xuất đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Ngữ văn 11 của Thạc sĩ Nguyễn Song Hiền, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Newcastle (Australia) đã khiến dư luận dậy sóng. Chưa có dấu hiệu nào chắc chắn để có thể nói rằng đề xuất này sẽ bị loại trừ ngay tức khắc hay sẽ được chấp thuận. Tuy nhiên, xoay quanh nó là cả một sự chia rẽ sâu sắc.
Những cú “sốc phản vệ” của xã hội
Nguyễn Đức
Ngay từ khi đề xuất mới xuất hiện trên mặt báo (Vietnam.net, ngày 5-12-2017), dường như nó đã chọc giận cả giới văn chương lẫn những nhà sư phạm, nhà nghiên cứu chuyên ngành văn học. Trên trang Dân Trí, GS Nguyễn Minh Thuyết nói thẳng: "Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi".
Ông đã không ngần ngại ví tác giả của đề xuất nói trên như một kẻ đốt đền. PGS. Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới thì cho rằng: "Với tôi bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm “Chí Phèo” như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp". TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cũng khẳng định quan điểm: “Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận”…
Chí Phèo, Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. |
Hầu như tất cả các ý kiến phản bác, chê bai đều dựa trên cái nhìn đặc trưng bộ môn của văn học. Nó có đời sống riêng, đặc trưng giá trị riêng. Với văn học, tác giả của đề xuất - đang là nghiên cứu sinh giáo dục - là một người “ngoại đạo”. Đề xuất này chỉ dựa trên cái nhìn giáo dục để phán xét tác phẩm và nhân vật văn học, dễ sa vào vũng lầy của chủ nghĩa dung tục, một khuynh hướng phê bình vừa lỗi thời, vừa không thể chấp nhận được.
Rất có thể đề xuất của Thạc sĩ Nguyễn Song Hiền không bị phản ứng gay gắt đến thế nếu như xã hội đã không chán ngấy đến tận cổ những cải cách triền miên nhưng vô bổ, nhiều khi kéo lùi sự phát triển của toàn ngành Giáo dục trong một thời gian dài. Nó cũng sẽ không làm cho giới học thuật nổi giận, dẫn đến sự chỉ trích gay gắt nếu như không nằm trong bối cảnh thực tế là khuynh hướng phê bình dung tục, cảm thụ dung tục, giáo dục dung tục đang len lỏi và tấn công một cách thô bạo vào môi trường giáo dục thẩm mỹ, văn chương trong nhà trường. Đó là khi những hình ảnh như Chi Pu, Hương Tràm… các nhân vật của Việt Nam Idol hay ca sĩ, nghệ sĩ thiếu tài năng, thừa tai tiếng lại có thể lọt vào chính đề thi văn trung học ở một số nơi, thành một hình mẫu hoặc đề tài để yêu cầu học sinh hóa thân, phân tích hoặc bình luận.
Đó là phản ứng của cả một nền giáo dục đang bị tổn thương, nếu không nói là bị trọng thương. Đó cũng là cú sốc phản vệ của xã hội và học thuật trước một liều thuốc thử không nhằm hoặc không cần cho việc trị bệnh thật sự cho giáo dục, nhất là khi nó đi ngay sau phép thử, thuốc thử vô bổ và ngớ ngẩn kiểu đề xuất cải cách tiếng Việt diễn ra trước đó chỉ ít ngày. Trong một trao đổi với PGS Đoàn Lê Giang, NGƯT Trần Chút (Ngôn ngữ học) đã phải buông lời ta thán: “Nhiều người không phân biệt nổi lẵng hoa với cái giỏ rác!”.
Cũng có không ít ý kiến tán đồng đề xuất hoặc bênh vực Thạc sĩ Nguyễn Song Hiền. Những ý kiến trung dung đều cho rằng, không thể coi tác giả đề xuất là “kẻ đốt đền”; mọi ý kiến trái chiều đều phải được xem xét thấu đáo, đó mới thật sự là dân chủ. Vả chăng, như chính ông Hiền đã nhấn mạnh: “Những tác phẩm nào hay nội dung nào không còn phù hợp hay có những tác động tiêu cực chúng ta nên cân nhắc để cắt bỏ hoặc chuyển nó ở cấp học cao hơn, dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào nữa”.
Với những người này, đề xuất của Thạc sĩ Nguyễn Song Hiền không hề phủ nhận giá trị tác phẩm, mà rõ ràng đang đề cập đến sự lợi hại đối với việc giáo dục khi bố trí việc giảng dạy tác phẩm đúng cấp học phù hợp, có chọn lựa và cân nhắc. Phản đối, phê phán ông Hiền, do đó được xem như một cái nhìn học phiệt, thiếu khách quan. Nó là hệ quả của một sự đóng băng cảm thụ và tư duy, nệ cổ và luôn dị ứng với cái nhìn trái chiều, không dám thay đổi kể cả khi giá trị (của tác phẩm) đã không còn phù hợp…
Chúng tôi cho rằng, đằng sau những lập luận có vẻ khách quan và biện chứng ấy vẫn chỉ là một màu sắc phản biện dung tục, gần với ngụy biện. Nó có thể phù hợp với cái nhìn xã hội học, tâm lý học, đạo đức học thuần túy, nhưng nó rời rất xa văn chương nghệ thuật. Và do đó, nó không phù hợp để làm cơ sở bàn đến thay đổi vị trí cho một tác phẩm văn học nghê thuật như “Chí Phèo” của Nam Cao, một tác phẩm văn học có giá trị lớn. Phê bình và đề xuất như thế tất chỉ gây ra sự nhiễu loạn nhận thức thẩm mỹ và gây nên chia rẽ trong học thuật và dư luận!
Đáng lo ngại xu hướng đọc văn từ xã hội học dung tục thành giáo dục học dung tục
PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)
Văn học có liên quan mật thiết đến xã hội, chính trị, đạo đức (trong đó có giáo dục đạo đức), nhưng văn học không phải là lĩnh vực sinh ra chỉ nhằm minh họa cho 3 lĩnh vực kia. Môn văn vừa đồng hành với 3 lĩnh vực trên vừa có những đặc thù riêng. Văn học phản ánh đời sống, tái hiện cuộc sống như là nó đang diễn ra. Người đọc thưởng thức tác phẩm như sống trong cảnh ngộ của nhân vật, vui buồn, yêu ghét cùng với nhân vật, thông qua những bi kịch của đời sống, những đau khổ và niềm xót thương mà người ta thanh tẩy tâm hồn mình.
Văn học có phương tiện riêng, đó là ngôn ngữ văn học, một thứ ngôn ngữ có tính nghệ thuật cao, với mỗi một loại trình độ khác nhau mà người ta có thể khám phá nhiều tầng vỉa thú vị của nó. Đó là những bài học vỡ lòng về văn học.
Thế mà có những người nhân danh giáo dục đòi đưa một danh tác của văn học Việt Nam trước 1945 là truyện “Chí Phèo” ra khỏi chương trình vì nhân vật này không đại diện cho ai, kể cả giai cấp nông dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Với hành vi uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, hiếp dâm, giết người có thể khiến cho học sinh bắt chước, mà hư hỏng đi. Thậm chí gần như quy kết tệ nạn giết người, hiếp dâm tăng cao có thể là do chịu ảnh hưởng của “Chí Phèo”.
Nếu theo cái lý ấy thì nạn trộm cắp nhiều hiện nay hẳn là có phần do chịu ảnh hưởng của Jean Valjean; con ngoài giá thú nhiều là chịu ảnh hưởng của Fantine (tác phẩm “Những người khốn khổ”), số gái điếm tăng bội phần khắp cả nước là do chịu ảnh hưởng của Thúy Kiều (Truyện Kiều)…?
Nếu không hiểu những đặc trưng của ngôn ngữ văn học, hình tượng văn học thì rất dễ có những sai lầm ấu trĩ, thậm chí có thể dẫn đến việc đòi đưa tác phẩm ra khỏi chương trình. Ví dụ:
- Học làm gì cái ông Lý Bạch ngớ ngẩn với: "Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi" (Thấy chăng ai ngọn nước tự lưng trời/ Trôi đến biển khôn vời lại được). Sao sông Hoàng Hà lại từ trời chảy xuống?
- Học làm gì Nguyễn Du với “Truyện Kiều”, tác phẩm này chỉ là dâm thư, Thúy Kiều chỉ là “con đĩ” (như cụ nghè Ngô Đức Kế nói)! Học vậy là xui con cái chúng ta làm nghề buôn phấn bán hương hết à?
- Anh Chí hãy chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân của anh chứ, anh phải biết tự phán chứ, sao cứ đổ thừa cho người ta: "Ai cho tao làm người lương thiện?". Hỏi vậy mà không cần biết anh Chí chứ có phải anh đâu? Vô duyên nhất là người đọc sách đời sau cứ đòi hỏi: sao nhà văn không viết thế này, thế khác, theo ý tôi cho là hay?!
Văn học có ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhưng nó không phải là đạo đức. Người làm giáo dục đừng nhân danh này khác để bắt nó làm cái việc không phải của nó. AQ là một "siêu mẫu" của châu Á; Chí Phèo, Bá Kiến cũng là các "siêu mẫu" vượt thời gian của Việt Nam. Ở nước ta, nhà văn có thể đem so sánh với Lỗ Tấn thì chỉ có Nam Cao. Nếu Nam Cao mà còn bị cho là kém hay thì nói gì đến Nhất Linh, Khái Hưng, và kể cả Thạch Lam...
Vài tác phẩm của Nam Cao có thể đạt đến tính đa nghĩa, tính mở về thưởng thức. Nhà văn Việt Nam viết được những tác phẩm cỡ đó ít lắm, nửa đầu thế kỷ XX may ra chỉ có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Tính khái quát từ làng Vũ Đại thì chỉ có Nam Cao - Làng Vũ Đại của Chí Phèo, Bá Kiến, Nam Cao, làng Vũ Đại của chúng ta: tăm tối và “quần ngư tranh thực”!
Còn về ngôn ngữ tiếng Việt, so với Nam Cao thì các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn không thể sánh được ở tính đa dạng, sâu sắc, mới mẻ, đời thường, có khả năng khắc họa cao. Tác phẩm như thế có đáng để học sinh trung học học và suy nghĩ không, hay những học sinh này chỉ đáng đọc loại văn chương "si rô", "nước đường"? Cũng may, tôi biết được tuổi trẻ không phải ai cũng hời hợt, thô thiển và dung tục!
Có những người mới biết một chút mà đã tưởng là chân lý, mới đọc được vài quyển sách, mới đi ra được nước ngoài là cứ tưởng mình là Galile đến nơi rồi. Với văn học, họ không hiểu nhưng vẫn cứ chê văn, rồi đòi đưa tác phẩm này tác phẩm nọ ra khỏi chương trình. Có họ, người ta cứ phải giảng lại những bài học nhập môn về văn học của hàng chục, hàng trăm năm trước.
Phê bình xã hội học dung tục tưởng đã chết từ lâu rồi, bây giờ thông qua những người ngoại đạo, nó lại có khả năng sống dậy và biến thái theo kiểu khác: phê bình giáo dục học dung tục. Những cách nói, cách nghĩ như thế kéo lùi đất nước biết bao nhiêu!
Nghiêm túc nhìn nhận lại thành quả giáo dục Việt Nam
TSKH Phạm Đình Trung, (chuyên gia nghiên cứu tâm lý học giáo dục)
Nếu phân tích thật kỹ theo hướng Tâm lý học thì tác phẩm “Chí Phèo” đã và đang dẫn dắt người đọc theo hai hướng cơ bản:
Với những người hiểu biết nhiều thì đây là một tác phẩm luôn hướng con người nhìn nhận tới nguyên cớ của sự tha hóa, suy đồi, chính là sự nhận diện một chế độ cũ thối nát cần phải vùng lên xóa bỏ nó để giành quyền làm người, quyền được yêu, được ghét, quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Hai là, với những người kém hiểu biết thì chính tác phẩm đã đẩy Chí Phèo như một tấm gương để cho những kẻ lầm đường, lạc lối noi theo. Tuy số này không nhiều nhưng cũng đủ để tiếp tay cho cái xã hội chỉ muốn đưa con người tới sự tha hóa, biến chất, sống vô nhân tính để dễ cai trị.
Xét trong hoàn cảnh hiện nay, với cái nhìn của giới trẻ hiện nay thì ta mới thấy rằng nên hay không nên để tác phẩm “Chí Phèo” trong chương trình sách giáo khoa ở chương trình phổ thông.
Theo tôi thì:
- Từ kết quả của ngành Giáo dục một thời gian dài không đạt được nhiệm vụ vốn có của nó, với những tình tiết trong tác phẩm sẽ có hiệu ứng ngược. Nếu nhìn nhận rất thực tế thì chính nhân vật Chí Phèo đã góp phần tạo ra nhiều “Chí Phèo thời hiện đại”. Đó là nguyên căn để chúng ta lúc này nên không đưa tác phẩm “Chí Phèo” vào chương trình học phổ thông;
- Nên đưa tác phẩm “Chí Phèo” vào chương trình đại học, nơi mà chính bản thân lớp trẻ đã đủ năng lực hành vi cũng như bản lĩnh để có cái nhìn đúng, biết phân tích, đánh giá hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở ở trong tất cả các góc cạnh, trong tất cả các tình huống và diễn biến tâm lý trong mỗi tình huống phát sinh.
Đưa tác phẩm “Chí Phèo” vào chương trình giáo dục đại học là để giúp cho các tầng lớp người đọc hiểu được một giai đoạn lịch sử, hiểu được nguyên nhân đẩy con người ta tới sự tha hóa, suy đồi; đẩy những người sa cơ thành những kẻ bị côn đồ hóa. Với chương trình đại học, ở đó các sinh viên sẽ nhận diện được xã hội cũ, con người của xã hội cũ, từ đây sẽ có những cảnh báo nguy cơ bần cùng hóa, lưu manh hóa trong xã hội ngày nay; nhìn thấy được tính nhân văn cũng như phương pháp khám phá một con người ở mọi ngóc ngách của cuộc sống.
Với giáo dục một con người thì không thể dùng cùng một phương cách với tất cả mọi người. Thế nên, nếu ta đưa tác phẩm “Chí Phèo” để làm phương pháp giáo dục cho tất cả học sinh có trình độ nhận thức khác nhau, sự hiểu biết cuộc sống khác nhau, tâm tư tình cảm khác nhau thì hoặc sẽ có hiệu quả rất tốt, hoặc ngược lại sẽ là rất xấu.
Trong thực tế đã có rất nhiều vụ án có những tình tiết đến lạnh người, có dáng dấp của một chương trình tivi, của một bộ phim nào đó đã từng giới thiệu bởi vì học sinh ngoài những em đã trưởng thành thì còn rất nhiều em non nớt. Và những hành vi của Chí Phèo ngày ấy sẽ là cách bày vẽ cho các em này trở thành những “Chí Phèo hiện đại”.
Khi phê bình dung tục nhân danh giáo dục nhân văn
TS Chu Mộng Long (Trường Đại học Quy Nhơn)
Khoan hãy mắng chửi tác giả, hãy đọc kỹ bài viết của tác giả này đã. Anh ta không phải không có lý. Anh ta cho rằng Chí Phèo không đại diện cho giai cấp nào, vô đạo đức, một tên tội phạm nguy hiểm cần phải loại trừ. Và hiển nhiên, vì Chí là nhân vật văn học, cho nên, tốt nhất là loại trừ tác phẩm chứa anh Chí ra khỏi nhà trường, vì… sợ học sinh học tập và làm theo gương Chí Phèo.
Đúng như… cúng ma!
Theo tôi, trong một bài viết như thế này đã thể hiện cả hai thái cực của phê bình xã hội học dung tục. Điều tác giả phê phán về tính giai cấp (đại diện cho ai?), tính giáo dục – đạo đức (thiện/ ác, tốt/ xấu?) đối với nhân vật Chí Phèo không phải là sai hoàn toàn. Bởi đó là khuynh hướng phê bình xã hội học dung tục đã từng tồn tại trong không ít nhà phê bình trước đây, thậm chí vẫn còn đeo bám dai dẳng trong đầu và trong viết lách của nhiều giáo viên, học sinh hiện nay. Nhưng trong khi phê phán lối phê bình xã hội học dung tục cũ mèm ấy, anh ta lại rơi vào xã hội học dung tục hơn cả dung tục. Anh ta lấy quan điểm chính trị, pháp luật ra để đánh giá, buộc tội nhân vật (nổi loạn, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp…) theo giọng điệu quan tòa; trong khi văn học nghệ thuật thuộc những gì tinh tế, nhân văn nhất vượt qua khỏi giới hạn của chính trị, đạo đức, pháp luật, và vì thế, nó thuộc một tòa án khác: tòa án lương tâm.
Cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế và cao hơn chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển. Chí Phèo hay các loại nhân vật độc đáo kiểu Chí Phèo trong văn học chỉ là vấn đề nghệ thuật hóa con người trong tính phức tạp, bí ẩn nhất của nó – một khối xung đột có tính phổ quát giữa ý thức và vô thức, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa văn hóa và tự nhiên, giữa con người và bản năng hoang dã… Không phải ngẫu nhiên mà Chí Phèo thành điển hình hóa cho mọi loại người của mọi thời đại và trở thành hình tượng bất hủ.
Buộc tội thô thiển theo cách của tác giả này không khéo anh ta hô hào loại trừ luôn cả “Truyện Kiều”, vì sợ các nữ học sinh học tập và làm theo gương Kiều. Kiều từng ăn cắp chuông vàng khánh bạc, từng quen với cuộc sống lầu xanh, đáng bị truy quét và cho vào trại phục hồi nhân phẩm?
Cũng với cách ấy, Jean Valjean trong “Những người khốn khổ” bị truy đuổi, bị cầm tù là đáng tội, và việc Victor Hugo bênh vực cho con người khốn khổ ấy khác nào cổ vũ cho sự vi phạm pháp luật? Toàn bộ văn học, từ huyền thoại, sử thi, cổ tích đến các loại văn học, trong đó đặc biệt là văn học cách mạng đều phải bị tống cổ ra khỏi nhà trường vì toàn thấy nhà văn bênh vực cho những kẻ phạm pháp!
Chẳng phải huyền thoại toàn cả tin vào thần linh với những kiến giải phản khoa học? Chẳng phải sử thi toàn ngợi ca chiến tranh giành đất và giành đàn bà của đám đàn ông quyền lực? Chẳng phải cổ tích toàn nói chuyện nhảm nhí về ông Bụt bà Tiên để ru ngủ người nghèo, rằng cứ thật thà và hay khóc nhè thì Bụt Tiên sẽ hiện ra giúp cho?
Theo tôi, mỗi thể loại văn học đều có cái lý tồn tại trong tính lịch sử của nó, dù là huyền thoại hay cổ tích, văn học hiện thực phê phán hay văn học cách mạng.
Đành rằng sáng tạo, trong những thời điểm lịch sử nhất định, có những quan điểm đối lập cực đoan, nhưng phê bình hiện đại không thể duy trì tư duy như vậy.
Sáng tạo của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… đã vươn đến giá trị nhân văn cao khi viết về con người với khả tính phức tạp, bí ấn nhất của nó, bất luận là nông dân hay trí thức, cho nên không thể máy móc áp đặt nhân vật tốt hay xấu theo lập trường nào đó được. Càng không thể dùng tiêu chuẩn đạo đức thông thường, chính trị hay pháp luật của thể chế nào đó làm thước đo áp đặt lên nhân vật để đánh giá nghệ thuật.
Văn học không là công cụ minh họa cho đạo đức một cách thô thiển. Phê bình văn học nghệ thuật đến lúc không thể là phê bình xã hội học dung tục nữa. Đó không phải là công việc của văn chương, nghệ thuật.
Nguồn: VNCA/Báo CAND