Những biện pháp chúng ta đã đề ra để giải quyết tình trạng bạo lực học đường mới chỉ tập trung vào hành vi mà chưa có biện pháp tận gốc để quản lý những yếu tố kích hoạt hoặc làm mồi cho những hành vi bạo lực.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi cùng TS. Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), về thực trạng và giải pháp cho tình trạng bạo hành trong môi trường giáo dục, cụ thể là nhà trường, đang xảy ra ngày càng nhiều ở tất cả các cấp học thời gian gần đây.
TS. Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Thưa TS. Trần Thành Nam, các vụ bạo hành trong nhà trường xảy ra ngày một nhiều với tính chất nghiêm trọng hơn, hành vi côn đồ hơn. Phải chăng các biện pháp chúng ta đưa ra nhằm giảm bạo lực học đường không hiệu quả?
TS. Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng những biện pháp chúng ta đã đưa ra chỉ tập trung vào hành vi mà chưa có biện pháp tận gốc để quản lý những yếu tố kích hoạt hoặc làm mồi cho những hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, xã hội vẫn tồn tại những yếu tố củng cố cho hành vi bạo lực.
Những yếu tố kích hoạt ở đây có thể như trên phim ảnh hoặc truyền thông chúng ta thấy hằng ngày, hằng giờ những hình ảnh bạo lực và cấp độ của những hình ảnh bạo lực ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Đó chính là những yếu tố khiến các em học sinh có thể bắt chước. Trong gia đình chúng ta cũng chưa có hoạt động nào hạn chế những bạo lực giữa người lớn với nhau và giữa bố mẹ và con cái.
Còn yếu tố củng cố thì có thể có liên quan đến chính bố mẹ. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ thấy con mình có vẻ yếu đuối và không biết đương đầu khi bị bắt nạt thì bố mẹ lại chính là người khuyến khích hình thức bạo lực để con mình tự tin hơn.
Trong khi đó, nạn nhân của các vụ bạo lực cảm thấy cam chịu, không tố cáo những hành vi đó, hoặc chúng ta giải quyết nội bộ nhưng vẫn khiến cho những em có hành vi bạo lực với bạn của mình cho rằng mình vẫn có quyền lực, mình thu được lợi ích gì đó khi sử dụng hành vi bạo lực với những người khác.
68% trẻ em Việt Nam chịu ít nhất một loại hình trừng phạt từ thành viên trong gia đình; 59% trẻ 8 tuổi chứng kiến giáo viên dùng đòn roi để trừng phạt học sinh; 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt với các hình thức khác nhau như cốc đầu, véo tai… |
Rồi một thực tế xã hội là khi đi ra đường, chúng ta thấy những thanh niên có vẻ “hổ báo” làm cho nhiều người sợ, né tránh. Đó là những minh chứng cho các em học sinh nhìn vào những hình mẫu đó và củng cố hành vi bạo lực cho các em.
Chính vì những lý do đó, các giải pháp của chúng ta chưa có hiệu quả bởi những yếu tố kích hoạt và những yếu tố củng cố cho bạo lực vẫn còn trong xã hội.
Những vụ việc bạo lực học đường là minh chứng cho tình trạng bạo hành trong môi trường giáo dục đang xảy ra ngày càng nhiều ở tất cả các cấp học thời gian gần đây như bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, thầy cô giáo bạo hành học sinh, học sinh bạo hành nhau… Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
TS. Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng thời gian gần đây truyền thông đưa lên rất nhiều những vụ việc bạo lực và hơi có sự thiên lệch. Bởi lẽ, môi trường giáo dục đáng lẽ phải là môi trường mô phạm, là nơi đào tạo, giáo dục về nhân cách, phẩm chất, cho nên nếu có bất kỳ sự việc xảy ra ở môi trường giáo dục mà liên quan đến những người làm giáo dục thì có lẽ truyền thông chú ý và tập trung vào quá nhiều. Có thể không phải trong môi trường giáo dục hành vi bạo lực vẫn xảy ra nhưng không được chú ý.
Những người làm trong ngành giáo dục đang chịu một sức ép rất lớn. Một giáo viên có hành vi bạo lực với trẻ, có thể giáo viên không phải thủ phạm thực sự, thủ phạm thực sự có thể là những kỳ vọng bất hợp lý, những chỉ trích của phụ huynh, những yêu cầu và sức ép từ lãnh đạo cấp trên. Lý do còn có thể do vai trò, vị trí của nghề giáo hiện nay không còn được trọng vọng như trước đây, họ thấy họ không được tôn trọng.
Tất cả những cái đó là thủ phạm, là yếu tố kích hoạt làm cho những người làm trong ngành giáo dục có những hành vi không phù hợp với học trò của mình.
Chúng ta vẫn chưa có những chương trình đào tạo cho những người làm trong ngành giáo dục đạt được những phẩm chất, kỹ năng để kiểm soát những tình huống có thể xảy ra trong ngành giáo dục và ứng xử nó một cách mô phạm.
Dù đã có những hoạt động, đề án nhằm giảm bạo lực học đường nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày với nhiều hình thức khiến phụ huynh băn khoăn, xã hội thêm bất an. Phải chăng các hình thức xử lý kỷ luật không đủ sức răn đe?
TS. Trần Thành Nam: Chúng ta đã có những đề án, kế hoạch triển khai, nhưng tôi thấy những kế hoạch đó được triển khai như kế hoạch hằng năm chúng ta phải thực hiện, thể hiện qua những nhiệm vụ, những chỉ tiêu. Những nhiệm vụ, chỉ tiêu đó có thể đạt được nhưng hiệu quả không thể đo được bằng những yếu tố định lượng.
Khi những hoạt động đó được triển khai, những đối tượng ở nhóm nguy cơ cao có hành vi bạo hành nhiều khi lại không được thụ hưởng những hoạt động đó. Như vậy mục đích của các hoạt động này lại triển khai không đúng đối tượng.
Có những chương trình chúng ta triển khai làm được rất tốt khía cạnh nhận thức. Ai cũng biết những hành động đó là không đúng, ai cũng biết về lý thuyết là nếu gặp tình huống này, tình huống khác phải xử lý như thế nào… Nhưng đó chỉ là biết về kỹ năng thôi, trên thực tế khi gặp tình huống các em lại không biết hành động. Nghĩa là các chương trình của chúng ta mới chỉ giúp thay đổi về mặt nhận thức, thái độ nhưng trên thực tế lại chưa cung cấp được năng lực về mặt kỹ năng để cho các em giải quyết những vấn đề của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng hình thức kỷ luật là đuổi học có thời hạn hay đuổi học không phải là cách tốt bởi nhà trường vẫn là môi trường tốt nhất giúp trẻ hình thành và rèn luyện nhân cách. Vậy theo ông, với những trường hợp trẻ có hành vi bạo hành bạn nghiêm trọng nên xử lý như thế nào?
TS. Trần Thành Nam: Theo quan điểm của tôi, cần nhìn nhận nguyên nhân của những hành vi bạo lực học đường lỗi có phải hoàn toàn do các em hay không. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, hành vi của các em là lỗi của cả một hệ thống, của một môi trường văn hóa có rất nhiều yếu tố kích thích bạo lực tác động tới các em, môi trường sống có một số những điều củng cố cho hành vi bạo lực.
Đó là lỗi của hệ thống, của môi trường giáo dục. Nếu như vậy không thể kỷ luật các em bằng cách thức đuổi học được. Mọi hình thức kỷ luật các em chủ yếu phải hướng đến giáo dục chứ không phải phạt về hành vi đó.
Tôi quan niệm rằng bạo lực chỉ sinh ra bạo lực. Nếu các em bị sử dụng những chế tài rất nghiêm khắc như loại các em ra khỏi hệ thống giáo dục thì khả năng các em có thể trở lại con đường phát triển của một công dân tốt là không còn nữa. Khi bị đuổi học, các em sẵn sàng trở thành ứng viên tiềm năng cho các băng, nhóm và tiếp tục thực hiện những hành vi bạo lực đối với cả cộng đồng.
Còn làm như thế nào để bảo vệ các em và bảo vệ cộng đồng? Với những trường hợp các em có nguy cơ có hành vi bạo lực với những người khác một cách lặp đi lặp lại, cần phải cách ly các em. Tuy nhiên, cách ly ở đây phải trên phương diện hỗ trợ và chữa trị cho các em nếu những em này bị tổn thương về mặt tâm lý. Nếu các em có nhận thức nào đó bị sai lạc cũng cần phải có sự hỗ trợ, điều chỉnh cho các em. Có lẽ đó chính là mong muốn của Bộ GD&ĐT khi yêu cầu thành lập các tổ tư vấn học đường ở các trường để giúp đỡ, phát hiện các vấn đề này.
Khi trẻ có hành vi sai lệch với bạn bè, ngoài nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội, các hội, nhóm tác động, có thể còn do các em thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Vậy nhà trường nên có những chương trình kỹ năng sống gì để giúp các em thưa ông?
TS. Trần Thành Nam: Các chương trình kỹ năng chúng ta cũng đã triển khai được khoảng một thời gian với những hoạt động về giá trị sống, kỹ năng sống. Tuy nhiên, hiệu quả của những chương trình đó còn hạn chế. Kỹ năng các em có thể học được nhưng để các em chủ động và có động cơ sử dụng các kỹ năng thì cần phải giáo dục cho các em những giá trị nền tảng. Ví dụ như yêu thương, hợp tác hay tôn trọng lẫn nhau. Điều đó cũng chưa đủ. Chúng ta cần phải thêm môi trường giáo dục phải thống nhất với nhau.
Ví dụ như ở trường, các thầy, cô chỉ có 1 tiết dạy cho các em về những kỹ năng quản lý cảm xúc của mình, nói về những giá trị yêu thương nhưng đi ra ngay khỏi cổng trường học đã thấy rất nhiều hình ảnh bạo lực giữa con người với con người, đi về nhà lại thấy bố, mẹ, các thành viên hàng xóm ứng xử với con cái họ bằng cách quát, mắng, đánh đòn. Tất cả những giá trị mà nhà trường đã giáo dục trong vòng 1 tiết học sẽ chẳng còn giá trị nếu thực tế chứng minh cho các em điều ngược lại là bạo lực vẫn xuất hiện và thậm chí có hiệu quả trong bối cảnh này hoặc bối cảnh khác.
Xin cảm ơn ông!
.