Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/tu-bo-san-khau-co-gai-tre-khoi-nghiep-bang-giay-loai-773650/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/tu-bo-san-khau-co-gai-tre-khoi-nghiep-bang-giay-loai-773650/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Từ bỏ sân khấu, cô gái trẻ khởi nghiệp bằng giấy loại - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 26/12/2017, 14:39 [GMT+7]

Từ bỏ sân khấu, cô gái trẻ khởi nghiệp bằng giấy loại

(Congannghean.vn)-Với mong muốn thay đổi ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, cô gái trẻ đã có một quyết định táo bạo là khởi nghiệp từ sách báo cũ, giấy loại. Ý tưởng tưởng chừng như gàn dở của cô ngay từ đầu đã không nhận được sự đồng tình của mọi người. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc, cô đã khiến mọi người phải thay đổi suy nghĩ đó.

 Lê Thị Khởi và những cuốn sách làm từ sách báo cũ
Lê Thị Khởi và những cuốn sách làm từ sách báo cũ

Tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, sau khi ra trường, Lê Thị Khởi (SN 1987) trú tại xóm 3, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên chật vật xin việc và lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. Cuộc sống khó khăn hơn khi nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ của Khởi bị tật nguyền thường xuyên ốm đau, bản thân cô cũng từng mắc bệnh tim, để có được sức khỏe ổn định như ngày hôm nay cô đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật. Bởi vậy mà có một công việc ổn định, thu nhập khá là điều cô gái trẻ mong mỏi hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, khi may mắn mỉm cười với mình, Khởi được nhận vào làm biên kịch cho một hãng phim tư nhân với mức lương 15 triệu đồng/tháng, cô đã từ chối để về quê thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu, đó là sản xuất sách giáo dục cho trẻ. Tất nhiên ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của bạn bè, người thân, ngay đến cả ngân hàng cũng từ chối cho cô vay vốn vì nghi ngờ hiệu quả mà nó mang lại. Ngay đến mẹ của Khởi, khi nghe con gái trình bày bà cũng lắc đầu ái ngại. Thế nhưng, nhà chỉ có 2 mẹ con nên khi con gái đã quyết tâm, người mẹ vẫn ủng hộ con và đồng ý bán một phần mảnh đất vườn để cho con làm vốn kinh doanh.

Ngôi nhà nhỏ ở xóm 3, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên ngổn ngang sách báo cũ và giấy loại đủ màu sắc. Ngoài Khởi còn có 3 nhân công nữa đang chăm chú, tỉ mí cắt, dán những tờ giấy loại để làm những cuốn truyện, sách giáo dục cho trẻ. Điều đặc biệt là nhân công của Khởi đều là những người khuyết tật. Thoạt nhìn những đôi bàn tay khéo léo, thành thục từng động tác chẳng ai nghĩ họ bị khuyết tật bẩm sinh. Thế nhưng để trở thành những người thợ lành nghề như ngày hôm nay, họ đã phải trải qua một thời gian dài tập tành dưới sự “cầm tay chỉ việc” của Khởi.

Gác lại công việc còn dang dở, Khởi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về dự án của mình. Trò chuyện với cô gái trẻ giàu nghị lực, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thì ra đằng sau ý tưởng gàn dở đó là cả một câu chuyện hết sức nhân văn, một lời hứa tưởng chừng như những lời nói bâng quơ của con trẻ nhưng đã thôi thúc cô thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Trong xóm Khởi có 1 gia đình có tới 4 người con bị di chứng chất độc màu da cam, không có khả năng lao động. Từ nhỏ, hình ảnh những người bạn tật nguyền ngồi tô vẽ, cắt dán những mẩu giấy cứ ám ảnh cô. Những tờ giấy, vật dụng vô tri ấy lại là cả thế giới đối với những đứa trẻ ngờ nghệch. Chứng kiến những người bạn lớn lên và lần lượt qua đời, Khởi mới hiểu rằng, cuộc sống này quá ngắn ngủi, nhất là với những người khuyết tật. Họ cũng khao khát được sống, được làm việc có ích như những người bình thường.

Câu chuyện đau buồn đó đã ám ảnh và thôi thúc Khởi cho ra đời một dự án mà ở đó có thể giúp người khuyết tật có công ăn việc làm. Tuy nhiên, phải đến tận bây giờ cô mới có cơ hội để “hiện thực hóa” ước mơ của mình. Theo cô, dự án này nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính là làm giảm lượng rác thải vào môi trường, qua đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ.

Sau khi được mẹ “rót vốn đầu tư”, Khởi mua sắm một số máy móc chuyên dụng và thu gom sách báo cũ, giấy và lên ý tưởng về nội dung cũng như cách trình bày cho các cuốn sách. Vì là sách trẻ em nên ngoài tính giáo dục, Khởi chú trọng đến khâu trình bày sao cho bắt mắt nhưng vẫn đơn giản để các em dễ hiểu. Khởi trực tiếp đưa ra ý tưởng, lên nội dung, trình bày, còn phần kẻ vẽ, tạo hình sách, tìm và cắt dán các hình minh họa được giao cho các nhân công. Phần hình ảnh trang trí được làm từ các loại giấy phế liệu. Đó là những cuốn sách Tiếng Anh giới thiệu chữ cái, số đếm hoặc gắn với từng chủ đề như con vật, phương tiện giao thông, hình dạng, màu sắc. Và dù được trình bày thủ công nhưng mọi công đoạn đều rất tỉ mỉ, mỗi cuốn một cách trình bày khác nhau, không cuốn nào giống cuốn nào. Đặc biệt, trong mỗi cuốn sách Khởi đều lồng ghép các thông điệp về bảo vệ môi trường.

Mặc dù chưa “xuất bản” nhưng thấy Khởi ngày ngày nhặt nhạnh giấy báo cũ để làm sách, người dân trong xóm bắt đầu hiểu và thay đổi cái nhìn về công việc của Khởi, từ đó giúp cô thu gom giấy loại. Điều quan trọng hơn đó là mọi người đã bắt đầu thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường, còn các em nhỏ lại rất hứng thú với những cuốn sách đầy màu sắc. Khởi dự định sẽ sản xuất 20 đầu sách với số lượng 1.000 cuốn. Để sách đến với đông đảo bạn đọc, cô gái trẻ cũng sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ các kênh khác nhau và mở các chiến dịch truyền thông, giới thiệu sách. Mới đây, Tỉnh đoàn cũng đã trích 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên lập nghiệp cho Lê Thị Khởi vay với lãi suất thấp để thực hiện dự án. Tin rằng, ước mơ “xanh” của Khởi sẽ thành công.

.

Huyền Thương

.