Văn hóa - Giáo dục

Liệt sĩ Phan Huy Chương và 30 lá thư gửi về từ chiến trường (Kỳ 1)

10:27, 31/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Những lá thư tình nơi chiến trận

(Congannghean.vn)-Chiến tranh không chỉ có đau thương, mất mát mà còn dệt nên những câu chuyện, những tình cảm thiêng liêng về tình đồng chí, đồng đội, về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật thì vẫn vẹn nguyên, lưu giữ biết bao nhiêu câu chuyện của người lính nơi chiến trận. Đó đơn giản chỉ là những những lá thư viết vội nơi chiến trường nhưng lại là tài sản vô giá mà người lính để lại cho gia đình. Những lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương (quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) gửi về cho vợ là một trong những kỷ vật như thế.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những lá thư vẫn vẹn nguyên cảm xúc, giá trị và là tài sản vô giá của gia đình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những lá thư vẫn vẹn nguyên cảm xúc, giá trị và là tài sản vô giá của gia đình

Nửa thế kỷ đợi chờ

“Em thân yêu! Hồi tối đã viết thư gửi em mà đêm nằm ngủ chợp mắt đã mơ thấy em nằm bên anh thủ thỉ. Hình ảnh người vợ hiền hiện ra âu yếm bên anh khiến anh chẳng ngủ được. Nhớ em lắm, mới xa em có hơn 1 tuần mà tưởng như xa em hàng năm, hàng tháng…”. 30 lá thư liệt sỹ Phan Huy Chương gửi về cho vợ, lá thư nào cũng đong đầy tình yêu thương và da diết nhớ thương như thế. Có lúc nồng nàn, tha thiết, có lúc động viên, khích lệ người vợ trẻ nhưng cũng có cả những giận hờn, trách cứ và có cả những dự liệu về sự hy sinh nhưng sâu thẳm đó là một tình yêu thủy chung, son sắt của người lính, là niềm tin vào thắng lợi, vào ngày đoàn viên, sum họp khi đất nước thống nhất.

Và đó cũng chính là thứ vũ khí để người vợ ở quê nhà luôn mạnh mẽ, kiên cường, vượt qua giông bão cuộc đời, một mình chèo chống nuôi dạy con cái trưởng thành và chờ đợi, tin tưởng một ngày người chồng nơi chiến trận sẽ trở về. Nửa thế kỷ trôi qua nhưng người vợ ấy, bà Phan Thị Bé (SN 1933) trú tại huyện Hưng Nguyên vẫn giữ trọn niềm tin và mòn mỏi chờ đợi ông như thế.

Cho đến hôm nay, bà Phan Thị Bé và các con của mình vẫn lưu giữ và bảo quản những lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương một cách cẩn thận. Những lá thư đã úa màu thời gian, có những dòng thư đã bị nhòe đi, không còn đọc được nhưng mỗi khi nhớ ông, bà lại đưa ra đọc. Bà đọc nhiều đến nỗi nhớ vanh vách từ lá thư đầu tiên cho đến lá thư cuối cùng. Những lá thư là sợi dây duy nhất gắn kết, nối dài tình yêu của người lính nơi chiến trường và người vợ ở hậu phương trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Liệt sỹ Phan Huy Chương và vợ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1954, khi đó cả hai ông bà đều rời quê lên TP Vinh ở nhà anh em. Ông ở  Đức Thọ, Hà Tĩnh ra ở nhà người anh trai để chờ ngày đơn vị tập kết ra Bắc. Còn bà ở Hưng Nguyên là chị cả sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh chị em ở, sau một trận lụt lịch sử, nhà cửa bị cuốn trôi, bà ra Vinh ở tạm nhà của người bà con. Thấy người con gái xinh đẹp, duyên dáng lại siêng năng, chăm chỉ, anh trai của ông đã làm mối, giới thiệu cho ông. Hai ông bà yêu nhau và nên duyên vợ chồng như thế.

Cũng như bao cặp trai gái, vợ chồng khác trong chiến tranh, họ không có nhiều thời gian để ở cạnh nhau. Chiến tranh khiến đôi vợ chồng trẻ phải chia ly, cách biệt. Nhưng càng trong chiến tranh càng khiến họ cảm nhận, trân trọng những tình cảm mà họ dành cho nhau.

Những lá thư tình vượt thời gian

Năm 1959, ông được cử đi học đại học, sau đó về giảng dạy tại Trường Văn hóa Quân khu 4. Năm 1966, chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, ông từ chối suất du học tại Liên Xô, tình nguyện vào chiến trường, khi đó, người con gái út mới hơn 4 tuổi. Ông đi biền biệt, thi thoảng chỉ ghé thăm nhà 1, 2 hôm cho đến lúc hy sinh tại bến phà Bạc, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào. Gia tài ông để lại cho người vợ trẻ là 3 đứa con nhỏ dại và 30 bức thư thấm đẫm yêu thương.

Bà Phan Thị Bé và con gái Phan Thúy Anh kể lại những lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương
Bà Phan Thị Bé và con gái Phan Thúy Anh kể lại những lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương

Chị Phan Thị Thúy Anh, con gái của liệt sỹ Phan Huy Chương cho biết: “Trong số 30 bức thư, bố tôi dành nhiều lá thư để động viên, khích lệ mẹ, từ chuyện mẹ phải chịu khó học văn hóa, phải tập đi xe đạp… Cho đến bây giờ, đọc lại những bức thư, những lời căn dặn, lời nhắc nhở của bố vẫn còn vẹn nguyên giá trị”. Bức thư mà chị Thúy Anh nhắc đến là lá thư ông gửi ngày 24/11/1963. “Em nên tranh thủ mà học tập văn hóa, phải chịu khó và kiên trì. Không phải học để làm vương, làm tướng gì nhưng học có cái lợi, ngoài cái lợi cho xã hội còn là cái lợi cho mình. Một là em càng học càng hiểu nhiều kiến thức khoa học, càng mở rộng chính trị, càng thương cảm nhiều với chồng. Thứ hai là trách nhiệm dạy dỗ con cái chính là trách nhiệm của em, còn anh chẳng có điều kiện dạy dỗ các con”

Vừa nhắc nhở động viên bà, ông cũng không quên thẳng thắn nhận lỗi về mình: “Thấy em học văn hóa còn kém là khổ tâm của anh, anh chẳng trách gì em cả, chẳng chê gì em, mà anh có trách nhiệm động viên em để em chịu khó học tập”. Có lẽ hiếm có một người chồng nào vừa thương vợ, vừa tinh tế lại vừa khéo léo đến vậy. Dẫu trước mắt là chiến tranh cam go, ác liệt nhưng trong tim người lính vẫn là quê nhà, vợ con, vẫn luôn dõi theo cuộc sống của vợ và các con để động viên, nhắc nhở vợ, con từng ly, từng tý.

Thư ông gửi đi suốt nhưng không phải lúc nào bà cũng có thể hồi âm cho ông, bởi phần vì công việc bận rộn, phần vì nuôi dạy con cái nên bà không có nhiều thời gian. Bởi thế mà không ít lá thư người chồng giận dỗi, trách cứ: “Mình định không gửi thư nữa. Mình thấy bị khinh thị quá. 2 tuần rồi mình gửi cho cậu bao nhiêu lần thư có không?”, để rồi mỗi khi giận dỗi quá ông lại viết: “Anh sẽ xung phong vào Nam chiến đấu. Đi Nam không có về thăm em đâu nhé, lúc đó em đừng có lên đơn vị mà đòi chồng đấy”.

Chiến tranh ác liệt nên dường như mỗi người lính trước khi bước vào cuộc chiến đều dự liệu và sẵn sàng đón nhận sự hy sinh. Liệt sỹ Phan Huy Chương không phải ngoại lệ. Trong lá thư gửi ngày 31/3/1965, ông kể về việc ông bị thương 2 lần trong 3 trận đánh. “Em phải xác định lấy chồng bộ đội thời chiến phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ để chồng yên tâm giết giặc. Chiến tranh là vậy. Vừa qua mấy trận đánh, đồng đội anh hy sinh cũng nhiều. Anh là chỉ huy, bí thư chi bộ, là chính trị viên trong đơn vị phải gương mẫu, dũng cảm ơn ai hết. Anh đã hứa với đồng đội: “Chúng ta phải sống anh dũng, hy sinh phải vẻ vang để bảo vệ Tổ quốc”, chắc em rất tự hào về khí phách ấy.”. Không tự hào sao được, bởi cũng chính niềm tự hào ấy đã giúp bà đủ dũng khí để vượt qua những giông bão của cuộc đời. Ngày ông hy sinh bà đang ở tuổi xuân sắc. 30 tuổi, bà là người phụ nữ đẹp, sắc sảo, vì thế có rất nhiều người đến với bà, nhưng bà đã từ chối tất cả, một lòng chung thủy đợi chờ, tin tưởng một ngày ông sẽ trở về. Cho đến bây giờ, bà vẫn tin rằng ông vẫn còn sống và sẽ trở về...

Huyền Thương (còn nữa)

Các tin khác