Văn hóa - Giáo dục

Về lại chiến trường xưa tìm đồng đội

14:22, 25/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Họ - những người lính đi qua chiến tranh, có người mang trên mình thương tích do bom đạn gây ra nhưng vẫn cảm thấy may mắn vì được sống sót trở về với gia đình, quê hương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong tâm khảm những người lính ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm khi đồng đội của mình vẫn còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường, khi nhiều gia đình chưa tìm được phần mộ, hài cốt liệt sỹ. Bởi thế mà họ đã cùng nhau quay lại chiến trường xưa để đi tìm đồng đội theo tiếng gọi của trái tim…

Ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ TP Vinh
Ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ TP Vinh

Những người lính chúng tôi nhắc đến trong câu chuyện này là những người lính đặc công trong Ban liên lạc cựu chiến binh (CCB) đặc công TP Vinh. Rời chiến trường, mỗi người chọn một công việc khác nhau, phù hợp với sức khỏe của mình, thế nhưng, họ vẫn luôn khắc khoải về đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường, để rồi dù đã ở tuổi xế chiều, đầu hai thứ tóc, họ vẫn gom góp từng đồng lương hưu để quay lại chốn rừng thiêng nước độc đi tìm đồng đội.

Có những chuyến đi xuyên rừng gần như cả tháng trời nhưng họ vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Từ những chuyến đi ấy, đã có nhiều phần mộ, hài cốt được tìm thấy và đưa vào nghĩa trang an táng; đã có nhiều người con xa quê được đón về đất mẹ trong vòng tay của gia đình, người thân và đồng đội; đã có nhiều gia đình được đoàn tụ sau bao năm mòn mỏi chờ ngóng tin con.

Đi tìm hài cốt đồng đội

Trở về sau chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ Đặng Xuân Tứ, lính đặc công C2, Sư đoàn 304 chiến đấu tại mặt trận Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Ngô Văn Hoằng, cựu lính đặc công C3 Hương Thủy, Trưởng ban liên lạc CCB đặc công TP Vinh vẫn còn lâng lâng xúc động.

Kể từ khi đất nước hòa bình, gia đình liệt sỹ Đặng Xuân Tứ đã mất nhiều thời gian, công sức để đi tìm hài cốt liệt sỹ nhưng đều không có kết quả. Mang câu chuyện này kể cho ông Ngô Văn Hoằng, chính ông Đặng Xuân Ngọc, cháu ruột của liệt sỹ Đặng Xuân Tư cũng không thể ngờ rằng, có ngày ông Hoằng và đồng đội đã giúp gia đình ông tìm thấy người bác của mình.

Ông Đặng Xuân Ngọc xúc động cho biết: “Tôi có kể cho anh Hoằng nghe về những lần đi tìm hài cốt liệt sỹ của gia đình. Sau đó, anh ấy nói với tôi sẽ giúp gia đình. Tôi cũng nghĩ rằng anh chỉ nói để động viên, an ủi, không ngờ anh bắt tay vào làm thật. Gia đình tôi vô cùng cảm kích và biết ơn tấm lòng của anh Hoằng và các đồng chí trong Ban liên lạc”.

Liệt sỹ Đặng Xuân Tứ nhập ngũ năm 1967, công tác tại đơn vị đặc công C2, Sư đoàn 304, chiến đấu tại mặt trận Nam Đông, Thừa Thiên Huế, hy sinh năm 1971. Hiểu được mong muốn của ông Ngọc và gia đình cũng là khao khát cháy bỏng của biết bao gia đình thân nhân liệt sỹ chưa tìm thấy phần mộ, hài cốt liệt sỹ, sau khi nhận được thông tin về liệt sỹ Tứ, các đồng chí cựu binh đặc công đã vào Huế tìm kiếm.

Ông Ngô Xuân Hằng kể lại: “Chúng tôi liên lạc với đồng đội hiện đang sinh sống ở Nam Đông; một số lãnh đạo và Ban chỉ huy Quân sự huyện giúp đỡ. Sau khi tìm được manh mối về thông tin nơi liệt sỹ Tứ hy sinh, chúng tôi cùng gia đình vào Nam Đông, tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản như chúng tôi nghĩ. Ròng rã hơn 1 tuần, nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của gia đình đồng chí Thọ là người địa phương, chúng tôi đã tìm được phần mộ liệt sỹ Tứ và một số di vật như ca uống nước…”.

Thăm hỏi và tặng quà gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn
Thăm hỏi và tặng quà gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn

40 năm tìm lại thân nhân liệt sỹ

Đó là trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Hồng Thắng, đặc công C3 Hương Thủy, quê ở Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông Ngô Xuân Hoằng nhớ lại: “Tháng 4/1974, mặt trận B4, B5, Quân khu Trị Thiên Huế hết sức ác liệt. Địch rải quân lùng sục tìm kiếm các đơn vị đóng quân của quân giải phóng C3 đặc công bí mật đóng tại một số vùng giáp ranh giữa ta và địch ở 2 nhánh đầu nguồn sông Hương. Lúc bấy giờ, tổ công tác của tôi do đồng chí Nguyễn Xuân Lạc làm tổ trưởng cùng 2 đồng chí Dũng, Thắng được giao nhiệm vụ trinh sát nơi đóng quân của địch vùng giáp ranh của rừng Khe Sòng tại điểm cao 136 đá đen, cạnh cao điểm mỏ tàu - nơi được mệnh danh là bức tường thành án ngữ Tây Nam Huế. Tôi bám địch từ chân đồi lên đến điểm cao, hơn 1 giờ thì hoàn thành nhiệm vụ nên đã ra hiệu cho 3 đồng chí dưới chân đồi xông lên. Khi lên đến điểm cao an toàn thì bỗng nghe tiếng súng chát chúa từ phía quân địch vang lên, đồng chí Thắng không may bị trúng đạn và hy sinh”.

Trong hơn 10 năm qua, Ban liên lạc CCB đặc công TP Vinh đã tìm kiếm được 5 hài cốt liệt sỹ và đưa 3 đồng đội về an táng tại quê nhà. Ngoài ra, Ban liên lạc đã thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, kêu gọi, vận động hội viên ủng hộ giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ, Ban liên lạc đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ TP Vinh, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn và trao tặng 34 suất quà cho các gia đình liệt sỹ và các đồng chí thương, bệnh binh.

Tình thế cấp bách không cho phép những người lính nán lại quá lâu, tuy nhiên, bằng mọi cách phải chôn cất đồng chí Thắng. Họ lấy cành cây và dây rừng buộc chặt vào cành cây để làm cáng khiêng thi thể đồng chí Thắng men theo con suối xuống chân đồi. Đồng chí Lạc và đồng chí Dũng khiêng thi thể, còn đồng chí Hoằng đi sau cảnh giới, vừa đi vừa xóa những vết máu từ người đồng chí Thắng. Trời mưa to, đi đến đâu máu đồng chí Thắng chảy đến đó nhuộm đỏ cả con suối nên quân địch phát hiện, chúng đứng trên điểm cao dùng đá ném xuống liên tục. Khi đi hết con suối, họ dừng chân và tìm vị trí thích hợp để chôn cất đồng đội. Họ gói ghém thi thể đồng chí Thắng lại và chôn cất cạnh mép suối dưới chân mỏ tàu. Sau khi xong việc, 3 đồng chí tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày hôm sau, trên đường trở về đơn vị, đi qua con suối, 3 người chứng kiến cảnh tượng hết sức thương tâm. Do mưa lớn cả ngày lẫn đêm nên đã làm xói mòn đất đá, chỉ còn lại thi thể đồng chí Thắng nằm trơ trọi bên con suối. Họ lại tiếp tục nén đau thương chôn cất đồng đội một lần nữa, khiêng những hòn đá bên suối để đắp lại mộ cho đồng chí Thắng. Từ đó trở đi, sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, họ chỉ có dịp được qua lại đó 1 - 2 lần để thắp nén hương cho đồng đội.

Chiến tranh khốc liệt, mỗi người một công việc, không ai được phép ngơi nghỉ, họ không có điều kiện để đưa liệt sỹ Thắng về với quê nhà. Điều đó khiến ông Hoằng luôn canh cánh trong lòng để rồi sau khi nghỉ hưu, ông đã tìm mọi cách để thông tin cho gia đình liệt sỹ Thắng.

Công việc tìm kiếm thân nhân gia đình liệt sỹ Thắng như “mò kim đáy bể”, bởi đồng chí Thắng mới biên chế vào đơn vị được vài tháng nên mọi thông tin rất ít. “Tôi cố gắng lục lại trí nhớ của mình và nhớ ra có lần đồng chí Thắng kể có người chị gái hát rất hay tên Hà làm ở đoàn chèo. Từ manh mối này, tôi đã tìm cách liên lạc về đoàn chèo Nam Định và hỏi thông tin về người phụ nữ tên Hà, nhưng tiếc thay chị Hà đã qua đời trong một tai nạn. Sau khi xin được thông tin về quê quán, nơi ở của chị Hà, tôi quyết định đánh đường ra Nam Định để báo tin cho gia đình về nơi chôn cất liệt sỹ Thắng”, ông Hoằng nhớ lại.

Nói là làm, sau khi liên lạc được với em ruột liệt sỹ Thắng, ông Hoằng cùng các đồng chí Trần Mạnh Hùng, Đậu Quốc Phương, Lê Ngọc Khai và Trần Văn Đắc đã vào Huế, về lại con suối năm xưa để tìm lại phần mộ đồng chí Thắng. Hơn 40 năm, cảnh vật nơi đây đã thay đổi nhiều nên phải mất gần cả ngày trời họ mới xác định được nơi chôn cất đồng chí Thắng năm xưa. Tuy nhiên, khi tiến hành cất bốc thì chỉ tìm thấy một mảnh đạn và đám đất đen. Thì ra ngôi mộ đồng chí Thắng đã được đưa về nghĩa trang xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 1976 nhưng chưa có tên. Sau đó, gia đình liệt sỹ Thắng đã tiến hành làm các thủ tục xác nhận phần mộ.

Đồng chí Đậu Quốc Phương, Phó ban liên lạc CCB đặc công TP Vinh cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng biết bao đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, không được ai chăm sóc, hương khói. Nghĩ đến đấy thôi cũng khiến chúng tôi nghẹn ngào, cảm thấy như đang nợ đồng đội. Chừng nào còn sức lực và trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm để đón các anh về yên nghỉ…”.

Huyền Thương

Các tin khác