Văn hóa - Giáo dục

Khuyến học, khuyến tài trong các trường ĐH, CĐ

08:10, 25/05/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngày 23/5, tại Đại học Thương mại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị “Phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các trường đại học, cao đẳng”.
 
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và đại diện các trường ĐH, CĐ, hội khuyến học trên toàn quốc.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng chìa khóa đi tới thành công là học tập suốt đời. Đây là nền tảng của xã hội học tập, của sự phát triển bền vững cho bản thân, gia đình và đất nước.
 
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, những năm qua, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản của Thủ tướng Chính phủ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng mạng lưới, phát triển tổ chức, xây dựng các mô hình học tập ở xã, phường, thị trấn, gia đình, dòng họ.
 
Hội Khuyến học Việt Nam đã hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập. Do đó, Đại hội lần thứ V (2016) của Hội đã quyết định phát triển tổ chức hội, hội viên trong các trường ĐH, CĐ, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và các trường phổ thông các cấp”. Tuy nhiên, trong khi việc phát triển tổ chức khuyến học tại các địa phương đạt được những kết quả rất tốt thì công tác này trong các trường ĐH, CĐ lại chưa thực sự phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Hội cũng như tâm huyết, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác khuyến học trong cả nước
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Hội cũng như tâm huyết, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác khuyến học trong cả nước
Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, kết quả khảo sát 549 trường ĐH, CĐ trên cả nước cho thấy hiện có 158 trường có tổ chức khuyến học hoạt động, chiếm 28,8% với các mô hình như hội, ban hay chi hội khuyến học.
 
Nhìn chung, các hội khuyến học được thành lập trong các trường ĐH, CĐ đã có những tác động tích cực tới công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như tuyên truyền động viên cán bộ, giảng viên và sinh viên tích cực học tập, nghiên cứu khoa học; tham mưu cho cấp Ủy các chế độ hỗ trợ đi học nâng chuẩn, bồi dưỡng thường xuyên, hỗ trợ sinh viên nghèo, khen thưởng cho học sinh, sinh viên, con em cán bộ nhân viên, giáo viên; là trung tâm vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia ủng hộ công tác khuyến học, khuyến tài…
 
Bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao nỗ lực của Hội cũng như tâm huyết, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác khuyến học trong cả nước với thế hệ mai sau của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thay đổi quan niệm chỉ khuyến học ở làng xã, cấp tiểu học và phải đẩy mạnh công tác này hơn nữa trong các trường ĐH, CĐ.
 
Phó Thủ tướng cho biết, hiện việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập đang bước vào giai đoạn cuối cùng, theo hướng phấn đấu ngay từ bây giờ và chậm nhất đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ.
 
Về tổ chức, chuyên môn đều tự chủ. Về tài chính, tự chủ không có nghĩa là ngân sách Nhà nước không còn, mà thay đổi cách cấp ngân sách; sẽ không cấp phát bao bọc như trước mà theo cơ chế giao nhiệm vụ kèm kinh phí, đặt hàng… Việc hỗ trợ người học, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thông qua các chương trình như hỗ trợ học phí hay cấp học bổng một phần, toàn phần để bảo đảm các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được theo học. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “chỉ riêng việc huy động nguồn lực, giúp các đối tượng cần được giúp đỡ đã là một việc rất cần, rất thiết thực và phải được tăng cường đối với Hội Khuyến học”.
 
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội Khuyến học phát huy vai trò trong việc giúp học sinh, sinh viên thấm nhuần ý chí quyết tâm học tập. Học không chỉ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, mà sau khi ra trường, trở thành những người đi làm trong các doanh nghiệp, cơ quan thì lại tiếp tục học tập, tham gia vào công tác khuyến học. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Hội có thể tăng cường khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong các trường ĐH, CĐ bởi lĩnh vực này ở Việt Nam còn một khoảng cách rất xa so với các nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết ông vừa ký ban hành Đề án “Phát triển Hệ Tri thức Việt số hóa” nhằm tập hợp các tri thức của thế giới và Việt Nam, Việt hóa và hệ thống lại bằng công cụ tin học, để tất cả người dân có thể dễ dàng tự học, tự tìm hiểu nhằm nâng cao hiểu biết của mình về tất cả mọi lĩnh vực, giúp cho cuộc sống tốt hơn, sản xuất hiệu quả hơn. Bên cạnh việc khai thác, người dùng còn có thể đóng góp tri thức của mình, của cộng đồng vào hệ thống này. Để huy động toàn xã hội cùng đóng góp, theo Phó Thủ tướng, vai trò của các hội, trong đó có Hội Khuyến học là rất quan trọng, đặc biệt trong việc huy động giới trẻ trong các trường ĐH, CĐ, những người có kiến thức, trình độ và lòng nhiệt huyết tham gia.
 
Trước những kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam cũng như các đại biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết sẽ bàn thêm với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan có ý kiến, hướng dẫn phát triển hệ thống Hội trong các trường ĐH, CĐ trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên cơ sở các quy định hiện hành.

Nguồn: Tuấn Minh/Chinhphu.vn

Các tin khác