(Congannghean.vn)-27.000 giáo viên dôi dư tại các trường công lập là con số vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố trong Hội nghị sơ kết học kỳ 1 vừa qua. Điều nghịch lý là tổng số giáo viên hiện còn thiếu cũng lên tới hơn 45.000 người. Với trên 1.700 giáo viên dôi dư và thiếu hơn 3.300 giáo viên mầm non, Nghệ An là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tình trạng giáo viên dôi dư.
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng giáo viên dôi dư nhiều của cả nước |
Bất cập thừa, thiếu giáo viên
Tại Hội nghị này, ngành Giáo dục đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập về tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Ngoài ra, các vấn đề xung quanh việc thi tuyển viên chức ngành Giáo dục không đảm bảo đúng quy định, ở một số địa phương có dấu hiệu tiêu cực; vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên; vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ... đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội.
Theo số liệu thống kê của cả nước, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 người (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở cao như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742… Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 người (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794). Riêng ở Nghệ An hiện đang thiếu 3.328 giáo viên mầm non.
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương hiện nay, ngành Giáo dục cũng đã chỉ ra những bất cập trong quy định tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; việc phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên cũng như việc điều động luân chuyển giáo viên chưa phù hợp với chuyên môn, trình độ đào tạo, nhiều địa phương ký hợp đồng dàn trải, thiếu dự báo, thiếu quy hoạch tổng thể. Cục Nhà giáo cũng đề nghị các địa phương cần phải chấm dứt ngay việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn.
Nghệ An dôi dư hơn 1.700 giáo viên
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng giáo viên dôi dư nhiều nhất với hơn 1.700 người, số giáo viên này tập trung ở hai bậc học là THCS và THPT. Sở dĩ số lượng giáo viên dôi dư nhiều là do từ trước năm 2004 ngành Giáo dục đã tuyển dụng ồ ạt mà không tính toán nhu cầu thực tế, ngoài ra những năm gần đây, số lượng học sinh và quy mô trường lớp giảm mạnh. Một số huyện có số lượng giáo viên dôi dư nhiều như Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu và Thanh Chương.
Từ năm 2010 - 2014, Hội đồng tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD&ĐT của các huyện, thành phố, thị xã đã tuyển dụng 3.370 người; trong đó mầm non 1.343 người, tiểu học 1.384 người, trung học cơ sở 643 người. Trong lúc “bài toán” giáo viên dôi dư chưa được giải quyết thì đầu năm học 2016 - 2017, nhiều địa phương vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới.
Theo kế hoạch phát triển GD&ĐT năm học 2016 - 2017, số giáo viên bậc tiểu học của Nghệ An được giao năm 2016 là 15.777 người nhưng đội ngũ hiện có tới 15.912 người, dôi 135 người. Thế nhưng trong năm học 2016 - 2017, các huyện, thành phố, thị xã vẫn ký hợp đồng với 530 người. Ở bậc THCS dôi 533 người so với kế hoạch năm 2016 nhưng trong năm học này các địa phương vẫn ký hợp đồng với 440 người. Một số huyện như Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu thừa giáo viên nhưng vẫn ký hợp đồng.
Điều đáng nói, tuy thừa giáo viên nhưng một số môn học lại thiếu người dạy, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc… Tại huyện Hưng Nguyên, hiện đang dôi dư 175 giáo viên tiểu học và THCS chủ yếu là giáo viên dạy văn hóa nhưng lại thiếu tới 42 giáo viên các môn Tin học, Mỹ thuật… Ở các huyện Nam Đàn, Diễn Châu cũng vấp phải tình trạng tương tự. Trong đó, riêng huyện Diễn Châu, bậc THCS đang thừa 265 giáo viên, tập trung ở các môn Toán, Văn, Lịch sử, trong khi đó, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật… lại thiếu.
Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương đã đào tạo giáo viên “đa năng”, bố trí giáo viên dạy chéo môn để đảm bảo số tiết môn học và đủ số giờ đứng lớp. Đây được cho là giải pháp khả thi trong tình thế này và được nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp nhận phải sự phản ứng của phụ huynh và dư luận. Đơn cử như vụ việc ở Trường THCS Diễn Lợi, giáo viên dạy Văn đứng lớp môn Sinh.
Để giải quyết tình trạng này, ngành GD&ĐT đã ban hành Công văn số 288 về việc thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non nhằm khắc phục tình trạng dôi dư giáo viên ở các bậc tiểu học và THCS. Theo văn bản này, số lượng giáo viên hợp đồng nhiều năm tại các trường công lập, giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt mà UBND huyện đã thực hiện xét tuyển đúng quy trình hợp đồng lao động sẽ được ưu tiên. Trong đó, số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu ngành học mầm non.
Theo đó, trong năm học 2015 - 2016, có 1.600 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non được lấy từ đội ngũ giáo viên dôi dư ở bậc tiểu học và THCS. Năm học 2016 - 2017, cũng với chủ trương này, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các huyện đang còn giáo viên dôi dư tuyển thêm 900 chỉ tiêu mầm non.
Việc tuyển dụng giáo viên dôi dư ở bậc THCS và THPT xuống dạy mầm non được cho là giải pháp mang tính nhân văn, tuy nhiên lại gây ra nhiều bất cập trong công tác đào tạo, chất lượng giáo viên mầm non vẫn chưa được chú trọng khi các địa phương cử giáo viên đi đào tạo cấp tốc; thậm chí có trường hợp giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh phải chấp nhận xuống làm cô nuôi dạy trẻ…
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý việc điều chuyển giáo viên thừa - thiếu giữa các bậc học, đặc biệt là từ bậc THCS và THPT xuống mầm non là giải pháp tình thế nhưng vẫn phải tôn trọng chất lượng. Việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau này, chẳng hạn có thể “đẻ” thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ; đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát số lượng giáo viên THCS, THPT dôi dư của địa phương đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn nhằm đào tạo lại số giáo viên này đạt trình độ theo quy định.