Văn hóa - Giáo dục

Sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên: Còn những khó khăn

07:52, 22/12/2016 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề (TTDN), trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (TTKTTHHN) bắt đầu được các tỉnh triển khai từ đầu năm 2015. Tháng 6/2016, Nghệ An bắt đầu thực hiện theo Công văn 928 của Tỉnh ủy. Đây được xem là một xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Đòi hỏi cần thiết
 
TTDN huyện Tân Kỳ có 8 cán bộ, viên chức và lao động, mặc dù được đầu tư khá khang trang với diện tích 4.000 m2, có 12 phòng cùng nhiều tài sản văn phòng và thiết bị phục vụ đào tạo nhưng nhiều năm nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Hàng năm, nhiệm vụ chính của Trung tâm chủ yếu là mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo nghề nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (hiện có 5 lớp với 148 học viên) và một vài lớp đào tạo dưới hình thức liên kết.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn                                                 nằm trong chủ trương sáp nhập
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn nằm trong chủ trương sáp nhập
Thế nhưng, theo ghi nhận, dù đã có chủ trương dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là học sinh phân luồng nhưng nhiều năm nay, việc tuyển sinh ở Trung tâm không hiệu quả. Trong khi đó, tại TTGDTX huyện Tân Kỳ cũng được đầu tư khá hoàn thiện về cơ sở vật chất với gần 3.700 m2. Hiện, Trung tâm có 5 lớp, 165 học viên học văn hóa; 1 lớp, 85 học viên liên kết đại học ngành Luật; 3 lớp, 186 học viên đào tạo liên kết ngành mầm non và một số lớp đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ… Tuy nhiên, Trung tâm không thể đảm nhiệm việc vừa dạy học vừa dạy nghề mà phải phối hợp với các trường để giảng dạy. Qua ghi nhận cho thấy, lâu nay nhiệm vụ của 2 trung tâm có phần chồng chéo. Thực trạng trên cũng xảy ra ở TTDN các huyện: Kỳ Sơn, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, dù những năm qua các trung tâm này luôn dành hàng chục tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
 
Có thể thấy, GDTX và dạy nghề giữ một vị trí quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho mọi người. Việc đào tạo nghề cho người lao động và nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã luôn được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các huyện, thị đang song song tồn tại 2 loại hình là TTGDTX và TTDN hoặc TTHN - DN. Sự ra đời của các loại hình này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế đó là: Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa hợp lý, chưa phát huy hiệu quả. 
 
Còn nhiều khó khăn 
 
Sau khi sáp nhập, TTGDTX và TTDN các huyện sẽ có tên gọi là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Việc sáp nhập 2 trung tâm về một đầu mối nhằm khắc phục những hạn chế đối với từng loại hình trung tâm khi hoạt động riêng lẻ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tận dụng hợp lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. 
 
Tuy nhiên, qua tìm hiểu và đánh giá của các địa phương cho thấy, việc sáp nhập 2 trung tâm đã phát sinh những tồn tại, khó khăn. Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập, 2 trung tâm sẽ chuyển về trụ sở của TTDN, khi đó cơ sở vật chất của TTGDTX rất lãng phí. Cùng với đó là “bài toán” giải quyết số cán bộ, giáo viên dôi dư mà tỉnh, huyện ký; còn với những trường hợp hợp đồng của các trung tâm trong điều kiện hiện nay nếu không cần thiết thì buộc phải chấm dứt hợp đồng. Thực tế cũng cho thấy, mỗi địa phương có tình hình thực tiễn khác nhau, do đó trong quá trình sáp nhập nếu không có sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan thì sẽ không hiệu quả.
 
Bởi theo phân cấp, lâu nay, các TTGDTX chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, còn các TTDN lại chịu sự quản lý của các huyện. Vấn đề đặt ra là sau khi sáp nhập, hoạt động của các trung tâm mới sẽ ra sao, ai sẽ là đơn vị quản lý và việc sử dụng cán bộ như thế nào? Do đó, việc sáp nhập các trung tâm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và hướng nghiệp của địa phương; đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chương trình GDTX trên địa bàn các địa phương, đảm bảo quyền lợi của viên chức, giáo viên và nhân viên. 

Xuân Thống

Các tin khác