Nếu kịch bản có bối cảnh là thời hiện đại thì các nhà làm phim Việt còn được "chút bình yên". Nhưng hễ làm phim cổ trang thì sóng gió lại nổi lên vì "thượng đế" soi rất dữ. Cũng vì thế mà nhiều đạo diễn "rét run" khi nhắc tới dòng phim này và thế là, nó trở thành của hiếm trong làng điện ảnh nước ta.
Triệu đô cũng khóc!
Đầu tư 20 tỷ đồng, bộ phim điện ảnh "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" của đạo diễn, diễn viên Ngô Thanh Vân đến tháng 8 mới ra rạp nhưng đã mau chóng gây tranh cãi xung quanh chuyện phục trang. Trang phục của Cám, dì ghẻ bị cho là quá tân thời. Nhiều khán giả khó tính cho rằng chất liệu như voan, áo yếm cách điệu và khăn vấn trang trí màu mè không phù hợp với truyện cổ tích Tấm Cám.
Trong tâm trí họ, để phù hợp với cảnh làng quê thời điểm câu chuyện gốc ra đời (dù không ai xác định được cụ thể) thì phải áo nâu, váy đen, yếm đào truyền thống. Riêng áo của nhân vật dì ghẻ - Ngô Thanh Vân thủ vai - càng gây tranh cãi khi cô áp dụng mốt khoe nội y của thời hiện đại, cụ thể là mặc áo yếm, thêu trổ cầu kỳ ra ngoài lớp áo tứ thân bằng voan xuyên thấu. Chất liệu voan, nhung, lưới khiến cho bộ cánh của hai mẹ con nhà Cám trở nên lộng lẫy, xa hoa.
Cách tạo hình của chuyên gia trang điểm Nam Trung cho Tấm và Cám cũng thời thượng như vẽ mày ngang, đánh phấn trong suốt kiểu Hàn Quốc đang thịnh hành.
Cũng đầu tư kinh phí "khủng" 20 tỷ đồng nhưng "Mỹ nhân kế" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trước đây chỉ thành công về mặt thương mại. Phim thu hút vì dàn mỹ nữ quyến rũ, gây tò mò vì được truyền thông rầm rộ về hiệu ứng 3D, đây lại là dòng phim cổ trang, kiếm hiệp nhiều sáng tạo. Thế nhưng nội dung phim và nhất là trang phục vẫn bị chê nhiều hơn khen.
Tạo hình dì ghẻ của Ngô Thanh Vân (trái) và Cám của Ninh Dương Lan Ngọc trong phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" bị cho là quá hiện đại. |
Trang phục phim mặc dù cũng khai thác áo yếm, mấn và váy đụp đặc trưng của phụ nữ miền Bắc nhưng vẫn bị khán giả cho là quá gợi cảm. Yếm mặc hở lườn, phơi nguyên lưng thậm chí hở ngực, váy đụp lại cắt xẻ táo bạo khoe trọn đôi chân. Trường hợp nhân vật Kiều Thị của Thanh Hằng đính trang sức trên trán bị cho là giống phim Ấn Độ.
May ra "Mỹ nhân kế" và "Tấm Cám" không thuộc triều đại cụ thể nào nên còn dễ bề tung tẩy, riêng các phim như "Thiên mệnh anh hùng", "Thạch Sanh", "Mỹ nhân"... do nội dung có niên đại rõ ràng nên càng bị soi dữ vì trang phục buộc phải chuẩn xác với thời kỳ lịch sử đó.
"Thạch Sanh" là chuyện cổ tích nhưng có bối cảnh thời Hùng Vương. Nhà sản xuất "biết điều" nên chịu khó lặn lội nghiên cứu rất nhiều nguồn để làm ra gần 800 bộ trang phục, phụ kiện với nguồn kinh phí không hề nhỏ. Dựa trên trang phục của các dân tộc Việt Nam, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn..., các nhà thiết kế mất hơn một năm để cho ra đời trang phục phục vụ phim. Nhưng nó vẫn không tránh được "gạch đá". Các phụ kiện như vòng tay, hoa tai, giày da đều quá tinh xảo trong khi thời điểm đó công nghệ thuộc da, gia công trang sức còn lạc hậu. Trang phục của nhân vật nam trong "Thiên mệnh anh hùng" vẫn bị cho là lai Trung Quốc hơn là thuần Việt.
Nhưng bị cho là đậm đặc màu sắc Trung Quốc nhất lại thuộc về phim truyền hình "Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long". Mặc dù được đầu tư mạnh tay để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng phim bị phản ứng mạnh mẽ bởi bối cảnh, đạo cụ, phục trang đều của xứ người.
Ngược lại với "Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", đoàn làm phim "Anh chàng vượt thời gian" có kinh phí eo hẹp nên trang phục chủ yếu vay mượn, sao chép trang phục vốn dùng cho sân khấu cải lương. Trang phục lên hình trở nên quá màu mè, bóng lộn sến sẩm. Lùm xùm nhất vẫn là sự cố trang phục của phim "Mỹ nhân" mới đây. Trên áo một vị quan, họa sĩ thiết kế vô tư in hình Vua sư tử (nhân vật nổi tiếng trong bộ phim cùng tên của hãng Walt Disney).
Đừng "bới lông tìm vết"
Khó khăn nhất cho đội ngũ họa sĩ thiết kế hiện nay là nguồn tư liệu, thông tin chuẩn xác về trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam quá ít ỏi. Thậm chí chính những công trình nghiên cứu này cũng gây nhiều tranh cãi. Đơn cử như bộ sách "Ngàn năm áo mũ" - từng được coi là cuốn sách chuẩn mực về trang phục triều đại phong kiến Việt Nam - dấy lên không ít cuộc tranh luận, chỉ ra sai sót.
Vậy nên, dù có đội ngũ là các nhà sử học hùng hậu cố vấn, trang phục phim cổ trang vẫn không thể dám chắc hoàn toàn chính xác. Sai sót xảy ra là điều khó tránh khỏi và cần được khán giả thông cảm trừ những lỗi sai quá cơ bản (như phim "Mỹ nhân").
Hiện nay, các đoàn làm phim vẫn phải tự lo khâu trang phục vì không có xưởng may dành riêng cho họ. Không có tiêu chí hay quy định cụ thể nào cho việc thiết kế cổ trang thì mạnh ai nấy làm. Đội ngũ họa sĩ thiết kế còn ít ỏi nên rất nhiều đoàn làm phim có kinh phí dư dả đều cậy nhờ nhà thiết kế tên tuổi dù biết rằng họ không am hiểu tường tận về trang phục cổ.
Dù sao, tên tuổi của các nhà thiết kế này là bảo chứng, là người đứng mũi chịu sào để phim đỡ bị "ném đá". "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" ngoài phụ trách chính là Ngô Thanh Vân còn có nhà thiết kế Thủy Nguyễn, nhà thiết kế Tùng Vũ, stylist (người cố vấn trang phục và định hướng phong cách) Hoàng Anh, Lê Minh Ngọc. "Mỹ nhân kế" có êkip hùng hậu gồm nhà thiết kế Công Trí, Tuấn Trần, Hồng Sương, Châu Kha, Trường Duy...
Chỉ trích phục trang "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" nhưng nhiều người không chú ý: dù là phim cổ trang nhưng nó thuộc dòng fantasy (giả tưởng, kỳ ảo) chứ không phải là một bộ phim lịch sử có niên đại cụ thể, càng không phải là phim khai thác chuyện cổ tích Tấm Cám đơn thuần mà chỉ lấy nó làm cảm hứng. Cổ tích là một tác phẩm của dân gian.
Ở thời hiện đại, người ta có quyền thêm thắt, miễn sao đừng bóp méo đi giá trị tinh thần ban đầu mà cha ông đã để lại. Stylist Lê Minh Ngọc cho biết: "Đến bây giờ thì chúng ta không thể khẳng định được truyện Tấm Cám có từ thời nào nên chúng tôi cũng không muốn đưa ra bất cứ thời điểm nào trong câu chuyện về trang phục".
Ngô Thanh Vân xác nhận: "Dù truyện không thuộc bất kỳ triều đại lịch sử nào nhưng phim vẫn bám theo trang phục truyền thống Việt Nam, trên tinh thần phim của người Việt nhưng vẫn mang tính điện ảnh hóa, có sự thiết kế và cách tân mới lạ và hấp dẫn. Tôi mong muốn sẽ đưa ra những cái mới mà mình cập nhật từ thế hệ trẻ để mọi người thấy phim có sự hòa nhập với trào lưu của thế giới".
Êkip của bộ phim đã khéo léo lồng vào các yếu tố đặc trưng của dân tộc như áo tứ thân, khăn vấn đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Nhưng vì mang sắc màu cổ tích lại thuộc dòng fantasy nên nó có quyền tưởng tượng, sáng tạo và tung tẩy để trang phục trở nên lung linh, miễn đừng đi quá chệch với giá trị ban đầu. Nếu là Tấm Cám thời xưa mà lại mặc áo quần kiểu đầm dạ hội Tây phương thì lúc đó mới đáng nói.
Chuyện này cũng giống như "Lọ Lem" phiên bản điện ảnh (thuộc dạng phim kỳ ảo lãng mạn), váy áo rất lộng lẫy và ai cũng phải trầm trồ. Đôi giày thủy tinh, chiếc váy xanh cầu kỳ hay cỗ xe bí ngô của nàng Lọ Lem thật đáng mơ ước. Tất nhiên, để làm được đôi giày, bộ váy lẫn chiếc xe tinh xảo kia phải là kỹ thuật tiên tiến của thời nay. Điều đó không làm khán giả thắc mắc. Vì với cổ tích, cái gì cũng có thể làm được, đó là thế giới thần tiên, mộng mơ của con người, sao lại quá xét nét?
Trang phục của nghệ thuật biểu diễn, phim ảnh thường không hẳn là bê nguyên xi ngoài đời thực. Nó phải có sự sáng tạo, phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng đồng tình với quan niệm này miễn sao sự sáng tạo ấy đừng đánh mất bản chất của trang phục.
Riêng với dòng phim chính sử thì tính chuẩn xác là tiêu chí khắt khe không thể bàn cãi. Do phim này có bối cảnh là thời điểm lịch sử rõ ràng, êkip phải nghiên cứu mọi thứ từ chất liệu vải, hoa văn, kiểu dáng, màu sắc... của thời đại đó. Trang phục không chỉ để mặc mà còn thể hiện đặc trưng văn hóa, xã hội... của con người. Tính chuẩn xác của nó giúp khán giả dễ dàng đón nhận bộ phim, hiểu hơn về nếp sống, dấu ấn văn hóa, xã hội của dân tộc ta thời kỳ ấy. Dễ hiểu khi khán giả luôn khắt khe với phim đề tài lịch sử. Bởi sai lệch về trang phục không chỉ phá hỏng bộ phim mà còn khiến khán giả hiểu nhầm, nhận thức sai về văn hóa, lịch sử.