Văn hóa - Giáo dục
Ông lão mê bán báo dạo
(Congannghean.vn)-Không quản ngày nắng, ngày mưa, ông vẫn lặng lẽ rong ruổi trên khắp các nẻo đường thành Vinh để bán báo dạo. Ông bảo, nghề này như là nhịp cầu đưa báo chí đến gần hơn với độc giả. Ông là Đinh Văn Thuận (73 tuổi) trú tại khối 16, phường Lê Lợi, TP Vinh.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Thuận vẫn say mê với công việc bán báo dạo |
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và báo điện tử “lên ngôi” như hiện nay, hình ảnh người bán báo dạo dường như đã lui vào dĩ vãng. Thế nhưng, người dân TP Vinh lại quá quen thuộc với hình ảnh ông Đinh Văn Thuận râu tóc bạc phơ, khuôn mặt khắc khổ, dù trời nắng hay mưa vẫn rong ruổi đạp xe đi bán báo mỗi ngày. Với ông, đằng sau công việc thầm lặng ấy là cuộc sống mưu sinh, nhưng trên hết vẫn là niềm vui khi đã về già…
Ông Đinh Văn Thuận sinh ra tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông từng là công nhân giao thông thuộc Xí nghiệp Giao thông IV. Ngày ấy, do công việc vất vả, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên ông đã làm thêm đủ thứ nghề để mưu sinh, và rồi cái duyên với nghề bán báo đã “vận” vào ông lúc nào không hay.
Đều đặn mỗi ngày, lúc 5 giờ, ông Thuận có mặt ở bưu điện để nhận báo rồi mang đi bán và khi mọi người quây quần bên mâm cơm tối, ông mới lặng lẽ đạp xe trở về nhà. Buổi trưa, có khi ông ăn bánh mỳ qua bữa, có khi ông tranh thủ ghé qua nhà rồi tiếp tục công việc của mình. Cũng có thời gian ông bán báo trên các tàu nhanh, tàu chợ Vinh – Hà Nội. Ngày ấy, nghề bán báo dạo chính là nguồn sống của nhiều người.
Ông tâm sự: “Có ngày tôi bán được cả trăm tờ báo. Giờ đây, báo mạng phát triển, người đọc báo giấy ít dần nên người bán báo dạo như tôi ở TP Vinh chỉ còn 3 người. Chúng tôi bám nghề bởi niềm đam mê và coi đó là thú vui của tuổi già”.
Được biết, tuổi thơ của ông Thuận là những năm tháng kém may mắn. Tuy cuộc sống có những lúc thăng trầm nhưng không vì thế mà ông chịu đầu hàng số phận. Quá quen thuộc với hình ảnh ông Thuận mỗi ngày nên người dân ở TP Vinh thường gọi ông là ông Thuận “báo” với sự yêu thương và kính trọng.
Theo ông Thuận, để thu hút được khách, không chỉ cần sự nhiệt tình mà còn phải có bí quyết riêng. Ông chia sẻ: “Ngày trước, lúc đi bán báo, tôi thường hay đọc thơ. Tôi có thể đọc thuộc các bài thơ của Hồ Xuân Hương, các bài vịnh thơ… khiến nhiều người mua báo thích thú”.
Ông Thuận cho biết, công việc bán báo dạo cần có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Có lần, ông đi bán báo bị ngã sưng phù chân nhưng khi chưa khỏi, nhớ nghề, ông lại khập khiễng bước đi. Trong quá trình đi bán báo dạo, ông tiếp xúc với đủ thành phần trong xã hội. Nhiều lần đi bán báo trên tàu, phát hiện một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật như móc túi, trộm cắp…, ông đã báo với cơ quan chức năng bắt giữ chúng và trả lại tài sản cho hành khách.
Ông Lê Văn Giáp, Tổ trưởng tổ 6, khối 16, phường Lê Lợi, TP Vinh cho biết: Ông Thuận là người sống tình cảm, phóng khoáng, hòa nhã nên luôn được bà con lối xóm yêu mến. Hàng ngày, ông thường chia sẻ với chúng tôi những vấn đề mà các tờ báo đề cập.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Thuận vẫn say mê với công việc bán báo dạo. Chia tay ông khi mặt trời khuất dần sau những tòa nhà cao tầng của thành phố, hình ảnh cụ ông với ánh mắt hiền từ, râu tóc bạc phơ và giọng nói trầm ấm vẫn còn vương vấn trong tâm trí tôi: “Còn khỏe ngày nào thì tôi còn đi ngày đó để tìm niềm vui”…
Phan Tuyết