Văn hóa - Giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam
(congannghean.vn)-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc viết báo và làm báo. Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã có nhiều bài viết đăng trên các tờ báo nổi tiếng của Pháp, Liên Xô, Trung Quốc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đăng trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại; gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, với hàng chục bút danh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, tấm gương sáng về đạo đức người làm báo. Tư duy, phong cách, đạo đức báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kho tàng quý báu Người để lại cho các thế hệ người làm báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về đạo đức người làm báo |
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Người đã tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) của Pháp, nhằm tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho Quốc tế Cộng sản và các dân tộc trên thế giới biết đến Việt Nam và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh tự giải phóng.
Tháng 6/1925, tại Trung Quốc, Người đứng ra thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và sáng lập ra Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội, xuất bản số báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ vào ngày 21/6/1925. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu mốc khởi nguồn cho Báo chí cách mạng Việt Nam.
Với hơn nửa thế kỷ hoạt động, sáng tạo trên lĩnh vực báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, thời đại, nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hoá… Tư duy báo chí Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa tư tưởng của Người về văn hóa: “Văn hóa là một mặt cơ bản của xã hội”, “Văn hóa là một mặt trận”... Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa. Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng, là vũ khí cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và nhiều lần, Người nhấn mạnh ý tưởng này: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới... Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...”.
Đặc biệt, những lời dạy của Người về hoạt động báo chí luôn giữ nguyên giá trị và chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Đối với những người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân. Người đã nhiều lần nhấn mạnh đến tư cách chiến sỹ của nhà báo và để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sỹ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo (năm 1960) |
Người khuyên các nhà báo: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công". Theo Người, quần chúng nhân dân với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí phải có mặt ở hầu hết các khâu của quy trình hoạt động báo chí: Là đối tượng cung cấp thông tin, đối tượng tiếp nhận thông tin; đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí. Về nội dung phản ánh của Báo chí cách mạng, Người nhấn mạnh: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta; đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội".
Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Người căn dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Người đã từng làm mọi việc của nghề báo, từ viết bài, sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành, đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc làm báo. Người quan niệm công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho dân tộc di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.
Trong thời gian qua, đội ngũ làm báo tỉnh Nghệ An đã không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho những người làm báo trên quê hương Bác Hồ) - Ảnh: Thiên Thảo |
Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng với hơn nửa thế kỷ hoạt động báo chí, từ nhận thức và quan điểm đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí và nhiệm vụ của người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của Báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí phong phú cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm báo vận dụng, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; để báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động Việt Nam. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với cuộc đấu tranh cách mạng và đời sống xã hội. Các thế hệ những người làm báo Việt Nam nguyện sẽ đời đời học tập Người, với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.
Thành Vinh (Tổng hợp)