Văn hóa - Giáo dục
Hồ Tùng Mậu - nhà cách mạng tiền bối, người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Congannghean.vn)-Gần 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, ý chí phi thường, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Người cộng sản kiên trung
Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh đồng chí là cụ Hồ Bá Kiện, một chí sỹ trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và bắn chết trong khi vượt ngục tại Lao Bảo. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan; phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, Hồ Tùng Mậu đã nuôi chí lớn và sớm tìm đến con đường cách mạng. Năm 1916, đồng chí tham gia cách mạng dưới danh nghĩa thầy đồ, với mong muốn tập hợp lực lượng cùng chí hướng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (3/1951) - Ảnh tư liệu |
Năm 1919, Hồ Tùng Mậu cùng với Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học… bí mật xuất dương sang Lào rồi qua Xiêm hoạt động. Tháng 7/1920, đồng chí và Lê Hồng Sơn được chí sỹ yêu nước Đặng Thúc Hứa bố trí vượt biển sang Quảng Châu, Trung Quốc, học tập tại Trường Trung học An Định và Trường Bưu Điện.
Năm 1923, tại Quảng Châu, Trung Quốc, do bất đồng với tư tưởng bảo thủ của “Việt Nam Quang phục Hội”, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ... đã thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã” với tôn chỉ: "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". Đây là tổ chức thanh niên mang tư tưởng phục quốc, hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, “Tâm Tâm xã” chưa tìm ra phương thức đấu tranh mới để nhanh chóng phát triển lực lượng, tạo dựng thanh thế trong và ngoài nước.
Anh Hồ Thanh Hồng, cháu đồng chí Hồ Tùng Mậu chăm lo hương khói tại nhà thờ ở xóm 5, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu |
Sự hy sinh anh dũng của Phạm Hồng Thái và sự bất thành của kế hoạch ám sát Méc-lanh đã đặt ra cho “Tâm Tâm xã” nói riêng và những chiến sỹ cách mạng Việt Nam nói chung vấn đề cần phải có phương pháp đấu tranh đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu, tiếp xúc với một số thành viên của “Tâm Tâm xã” và kết nạp các thành viên này vào tổ chức “Cộng sản đoàn”. Trong số đó có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Hồ Tùng Mậu nhanh chóng trở thành một trong những thành viên tích cực trong việc phát triển tổ chức và là người học trò, người giúp việc đắc lực, người cộng sự tin cậy của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người hoạt động ở Quảng Châu. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hồ Tùng Mậu là 1 trong 5 thành viên đầu tiên làm hạt nhân để xúc tiến mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu sau này. Từ đó trở đi, Hồ Tùng Mậu kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Quá trình từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Hồ Tùng Mậu là con đường của sự phát triển biện chứng và tất yếu. Cũng như bao chiến sỹ cách mạng kiên trung khác, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã suốt đời phấn đấu, cống hiến cho lý tưởng của cách mạng, lấy độc lập, tự do của Tổ quốc làm lẽ sống cho mình. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, dù hoạt động công khai hay bí mật, Hồ Tùng Mậu chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất đó là đấu tranh giải phóng đất nước, đồng bào thoát khỏi ách nô lệ và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Dù 14 năm bị tra tấn dã man trong nhà tù đế quốc nhưng Hồ Tùng Mậu vẫn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí đã tập hợp, đoàn kết anh em tù chính trị và tinh thần lạc quan, lòng yêu thương của Hồ Tùng Mậu luôn tỏa sáng giữa chốn lao tù.
“Tận trung với nước, tận hiếu với dân”
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ phẩm chất trong sáng, tốt đẹp của người cộng sản chân chính. Ở Hồ Tùng Mậu hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý: Bản lĩnh và trí tuệ của người chiến sỹ cách mạng, con người đậm chất nhân văn, am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa. Trong suốt những năm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV, Tổng Thanh tra Chính phủ, Hồ Tùng Mậu đã làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái. Cũng chính bởi thế mà đồng chí đã tạo được uy tín đối với đội ngũ cán bộ và nhân dân, được mọi người gọi bằng những cái tên thân mật: “Cụ Mậu”, “Cụ Hồ em”.
Ngày 19/3/1948, người con trai duy nhất của Hồ Tùng Mậu là Hồ Mỹ Xuyên (từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) tham gia đặc ủy đoàn của Chính phủ và hy sinh trên đường đi công tác tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hồ Mỹ Xuyên ra đi để lại 3 con thơ là Hồ Anh Dũng (8 tuổi, sau này là Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam), Hồ Ngọc Hải (4 tuổi, sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Xã hội và Nhân văn quốc gia) và Hồ Đức Việt (mới sinh, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Khi biết tin Hồ Mỹ Xuyên hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư chia buồn gửi tới gia đình Hồ Tùng Mậu.
Trong thời gian làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Tùng Mậu đã giúp Người xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng trong toàn quốc. Theo đó, đồng chí đã trải qua các cương vị: Tổng Thanh tra Chính phủ (1949), Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị (1950), Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (2/1951).
Ngày 23/7/1951, Hồ Tùng Mậu hy sinh tại thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho người thân, bạn bè, đồng chí. Tỉnh ủy, UBND 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã đưa thi hài đồng chí về quê mai táng. Đoàn của Chính phủ mang điếu văn về làm lễ truy điệu đồng chí vào một đêm tháng 8/1951. Ở Việt Bắc, lễ truy điệu đồng chí Hồ Tùng Mậu được tiến hành tại hội trường Hội đồng Chính phủ ở Thác Dẫng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban; cùng dự có các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ, Bùi Công Trừng. Điếu văn do Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Chú Tùng Mậu ơi! Lòng tôi rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng, tôi với chú là đồng chí, lại thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà… đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân…
Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi… Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn chú và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc… Tôi lại hứa với chú, toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú tận trung với nước, tận hiếu với dân…”.
Gần 30 năm hoạt động cách mạng, Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời, tên tuổi của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, ý chí phi thường, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần, khí tiết cao quý ấy sẽ theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Ca ngợi tấm gương của các bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Xuân Thống