Văn hóa - Giáo dục

Nghề báo: Những trải nghiệm trong tôi

08:26, 21/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghề báo là nghề vất vả; với những người làm báo ở một tỉnh đất rộng, người đông, nhiều vùng cao, biên giới thì khó khăn càng gấp bội. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, chúng tôi vẫn nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi trở ngại, gian khó để cho ra đời những bài viết hay, phục vụ bạn đọc. Mỗi chuyến công tác của cánh nhà báo chúng tôi đều để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên. Đó cũng là những trải nghiệm quý báu giúp tôi thêm yêu và gắn bó với nghề.

Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông
Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông

Nghề báo đến với tôi như một cái duyên, bởi chuyên ngành tôi được đào tạo là Sư phạm chứ không phải Báo chí. Bởi vậy, cánh đồng nghiệp vẫn quen gọi tôi là dân “sang ngang”. Từ khi dấn thân vào nghề viết lách, tôi càng thấy say mê. Điều bản thân tâm đắc nhất là được chứng kiến, trải nghiệm nhiều điều thú vị trong cuộc sống, để “hiểu mình, hiểu đời”.

Trong quá trình sống với nghề, để cho ra đời bài báo hay, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội và được bạn đọc tin tưởng, đón nhận là cả một hành trình gian nan, khó nhọc.

Hơn nửa thập kỷ bước vào nghề, tôi nhận thấy giữa kiến thức được học và thực tế công tác là một khoảng cách rất xa. Có muôn vàn bài học lý luận về nghề mà chỉ có qua “trường đời”, tôi mới được trải nghiệm. Vì thế, điều tôi tâm đắc nhất ở nghề báo là những chuyến đi. Mỗi lần tác nghiệp là một cuộc gặp gỡ, một sự trải nghiệm quý báu. Càng đi nhiều, vốn sống càng được bồi đắp, sự trải nghiệm càng lớn và cuộc sống bởi vậy mà thêm phần sống động và nhiều màu sắc.

Nghề làm báo gắn liền với những chuyến đi. Trong mỗi hành trình ấy, chúng tôi lại có những kỷ niệm khó quên.

Đặc biệt, lần cùng đồng nghiệp vượt chặng đường dài, lên xã vùng sâu, vùng xa xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong tác nghiệp cách đây 1 năm khiến tôi nhớ mãi. Trước đó, tôi nhận được một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, trên địa bàn huyện Quế Phong có một số cá nhân mang danh nghĩa là một tổ chức được cấp trên giới thiệu về địa bàn xã làm “sổ vàng truyền thống” và “giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất sáng tạo - kinh doanh giỏi”, thu tiền hội viên với giá “cắt cổ”.

Qua xác minh, tôi nhận thấy thông tin trên là có cơ sở và sự việc trên có dấu hiệu bất minh, nếu để kéo dài mà bản thân không có động thái “góp tiếng nói” để cơ quan chức năng vào cuộc thì không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ gia đình còn khó khăn mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Hội Nông dân Việt Nam.

Từ động lực thôi thúc ấy, giữa trưa hè nắng nóng, bỏng rát, tôi cùng đồng nghiệp bắt đầu hành trình lên với xã vùng cao.

Tại đây, cánh nhà báo chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ địa phương và tổ chức Hội Nông dân trong quá trình tìm đến những hộ gia đình mà các cá nhân đến để lôi kéo, “rao giảng” về chủ trương làm các giấy tờ trên. Như bị “đánh động”, khi chúng tôi đặt chân tới bản, nơi được báo là họ đang “giao dịch” thì tốp người đó đã tháo chạy, để lại nhiều hiện vật là các cuốn sổ vàng, các giấy chứng nhận có đóng dấu của cơ quan chức năng.

Quá trình tìm hiểu sau này, qua liên hệ với các cơ quan chức năng và tổ chức Hội Nông dân, chúng tôi xác định không có chủ trương nào liên quan đến việc để các cá nhân về địa phương làm các giấy tờ trên.

Khi có đầy đủ tư liệu, tôi bắt tay viết và cho ra đời phóng sự “Sổ vàng truyền thống hay trò lợi dụng để lừa đảo” trên Báo Công an Nghệ An, với sự đón nhận của đông đảo bạn đọc. Tác phẩm này cũng giành được giải cao tại cuộc thi viết phóng sự sau đó.

Nhắc đến những trải nghiệm trong nghề, tôi lại nhớ lần mới đây, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng tích cực nhằm tạo sự khởi sắc cho vùng nông thôn, là phóng viên được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn các huyện miền núi, tôi thường xuyên có các chuyến công tác để “mục sở thị” quá trình đổi thay nhờ NTM của người dân nơi đây.

Tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, trong khi đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng cơ sở và các lĩnh vực khác chưa có điểm nổi bật nào thì địa phương lại được công nhận xã đạt chuẩn NTM duy nhất của huyện.

Đáng chú ý, tôi nhận được thông tin cơ sở cung cấp rằng, tại một số thôn, bản đã xảy ra việc, để thực hiện tiêu chí hộ nghèo, cán bộ xã đã “ép” nhiều hộ nghèo viết “đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo”. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tôi cùng đồng nghiệp sớm có mặt tại nơi được phản ánh để ghi nhận, xác minh thông tin.

Tại đây, để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đã thâm nhập thực tế đời sống của hầu hết các hộ gia đình. Ngoài sự khởi sắc của bộ mặt địa phương, chúng tôi còn chứng kiến nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh rất éo le, thậm chí không có nhà cửa, nơi “che mưa che nắng” của họ chỉ là những căn lều trống huơ trống hoác, tài sản không có gì đáng giá, không có tư liệu sản xuất… nhưng lại “tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo”.

Trước vấn đề “lấy làm lạ” này, tôi đã bắt tay vào việc xác minh, tìm hiểu động cơ, lý do của việc làm “đáng nghi” trên. Qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, lấy ý kiến của từng hộ dân tuy còn khó khăn nhưng “tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo”, họ đã thay đổi thái độ, từ chỗ “dè dặt, nghi ngại” khi cung cấp thông tin cho người lạ đến “cởi mở, thành thật”. Qua đó chúng tôi được biết, để có những lá đơn tự nguyện ấy là cả một quá trình vận động và đánh giá thiếu khách quan của cán bộ thẩm tra các cấp của huyện Con Cuông.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, bài báo “Thấy gì sau những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở xã Yên Khê”  với 3 kỳ được đăng tải trên Báo Công an Nghệ An đã gây được sự chú ý của dư luận, các cấp, ngành về các vấn đề liên quan đến phong trào xây dựng NTM.

Thời gian trôi đi. Mải mê với những chuyến công tác đến các địa phương khác, tôi chưa có dịp quay lại xã Tam Hợp - xã vùng sâu, biên giới của huyện Tương Dương. Nhớ về những kỷ niệm tại vùng quê này trong chuyến công tác cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, các tổ chức, đoàn thể hướng về đồng bào vùng sâu, biên giới với các chương trình tình nguyện, chia sẻ khó khăn với người dân và các em học sinh, tôi lại bồi hồi những cảm xúc không tên.

Các nhà báo tác nghiệp tại lễ hội đền Chín gian, huyện Quế Phong
Các nhà báo tác nghiệp tại lễ hội đền Chín gian, huyện Quế Phong

Sau những dịp ấy, chén rượu cần nồng say men lá đã vơi đi, nhạt dần theo thời gian nhưng điều làm chúng tôi nhớ nhất và mãi khắc ghi là sự chân tình, gần gũi của cán bộ xã và các thầy, cô giáo ngay trong lần đầu tiên chúng tôi đến với địa phương.

Nghề báo luôn gắn liền với sự tự do và phóng khoáng. Cánh nhà báo chúng tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, từ người dân lao động đến các quan chức cấp cao. Đây được coi là đặc thù, sự “ưu đãi” riêng của nghề viết lách.

Với đòi hỏi chuyên môn về sự nhanh nhạy, kịp thời trong thông tin, người làm báo lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Họ không chỉ phải lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng “hẹn”. Áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, giữa các tờ báo có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin.

Do đó, người làm báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với những gian nan, khó khăn trong hành trình tác nghiệp, bởi nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.

Xuân Thống

Các tin khác