(Congannghean.vn)-Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Đề án tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS), đảm bảo các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.
Sự cần thiết phải dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS
Việt Nam có 53 DTTS, trong đó, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của mình. Phần lớn trẻ em DTTS khi đến trường đều không biết tiếng phổ thông, điều này gây không ít khó khăn trong công tác giáo dục ở các địa phương có đồng bào DTTS. Theo Luật Giáo dục quy định, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức được sử dụng thống nhất trong nhà trường. Trẻ em khi bước vào lớp 1 phải biết và có kỹ năng sử dụng tiếng Việt cơ bản như phát âm chuẩn, dùng từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh.
Dạy tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS là vấn đề cấp thiết hiện nay |
Khi bước vào lớp 1, nếu trẻ chưa biết sử dụng tiếng Việt sẽ giảm khả năng lĩnh hội kiến thức, dẫn đến việc trẻ không thích học và không thích đến trường. Qua tìm hiểu được biết, tình trạng học sinh vùng cao bỏ học thường xuyên diễn ra vào đầu năm học mới. Chính quyền địa phương và các giáo viên đã mất rất nhiều thời gian để vận động học sinh quay lại trường và việc không biết tiếng Việt nên ngại đến trường là một trong những nguyên nhân được nhiều học sinh đưa ra.
Trước khi đến trường, vốn từ ngữ và kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành thông qua việc bắt chước. Khi ở nhà, trẻ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nhưng khi đến trường, trẻ bắt buộc phải giao tiếp và tiếp thu kiến thức bằng tiếng Việt. Vì vậy, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người DTTS là nhiệm vụ cấp bách được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Từ những năm 2009 - 2010, trong nhiệm vụ của năm học, Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ: “Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non, xây dựng tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của từng địa phương, làm tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào tiểu học”.
Nỗ lực “xóa mù” tiếng Việt cho trẻ vùng cao
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Trong những năm qua, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người DTTS. Theo đó, năm học 2007 - 2008, Phòng Giáo dục mầm non đã biên soạn tài liệu “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người DTTS” và mở 2 lớp bồi dưỡng cho 300 cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi vùng DTTS tại 2 huyện Con Cuông và Quỳ Châu. Năm học 2008 - 2009, Sở tiếp tục mở 5 lớp tại 5 huyện vùng cao, bồi dưỡng cho 500 giáo viên mầm non dạy trẻ người DTTS.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui |
Tổ chức hội thi “Tạo môi trường cho trẻ học tập ở trong và ngoài nhóm, lớp”, thu hút nhiều giáo viên, phụ huynh và các đoàn thể tham gia. Qua đó tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp hấp dẫn trẻ; đồng thời tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ tăng cường tiếng Việt, mở rộng hiểu biết.
Điển hình như Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Châu đã tổ chức các sân chơi sử dụng tiếng Việt như CLB: “Tiếng Việt của chúng em”, “Thế giới quanh em”… nhằm tăng sự tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt của học sinh, tạo hứng thú cho các em khi đến trường. Ngoài ra, các thôn, bản còn đồng thuận với nhà trường về việc, khi ở nhà, các phụ huynh sẽ sử dụng một phần tiếng Việt để giao tiếp với con. Những giải pháp này đã mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, do Nghệ An là địa bàn rộng, có nhiều dân tộc sinh sống nên chưa giải quyết triệt để việc học sinh bước vào lớp 1 nhưng chưa biết nói tiếng Việt.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Đề án tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, đảm bảo các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Theo đó, Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có học sinh người DTTS thuộc 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đồng bào DTTS, trong đó có Nghệ An.