(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, thực phẩm “bẩn” hoành hành đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội, thậm chí len lỏi vào tận các trường học. Làm thế nào để học sinh có được những bữa ăn vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa đảm bảo VSATTP là nỗi trăn trở của các trường học hiện nay.
Thực phẩm “bẩn” len lỏi vào học đường
Những ngày vừa qua, liên tiếp nhiều vụ vi phạm về VSATTP bị lực lượng chức năng phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn thực phẩm “bẩn” hiện nay. Trước thực trạng đó, nhiều phụ huynh đã rất lo lắng khi nghĩ đến chất lượng bữa ăn bán trú của con mình tại các trường học.
Đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và VSATTP là vấn đề được quan tâm nhất trong các trường học có bếp ăn bán trú hiện nay |
Theo thống kê, hiện nay, 588/1569 trường học trên toàn tỉnh có bếp ăn tập thể. Thực tế này cho thấy, việc đảm bảo những bữa ăn vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa đảm bảo VSATTP cho học sinh không phải là điều dễ dàng.
Theo quy định của ngành Y tế, bếp ăn trong trường học phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện VSATTP; dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; phải có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm và phải có sổ sách theo dõi việc nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm. Mặt khác, phải có sổ khám sức khỏe định kỳ của nhân viên nhà ăn, bếp ăn; có chứng nhận đã qua tập huấn về VSATTP…
Tuy nhiên, thực tế tại các trường mầm non, tiểu học hiện nay, khó có đơn vị nào đạt được các tiêu chí trên. Khi mua thực phẩm, các trường đều có hợp đồng mua bán và ký cam kết của các đơn vị cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, hợp đồng này chỉ mang tính lý thuyết chung chung. Vì thế, thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nhiều “cơ hội” len lỏi vào các bếp ăn trường học.
Nỗ lực của các trường học
Trước nỗi lo về thực phẩm “bẩn” hiện nay, nhiều trường mầm non, tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng đến việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch để phụ huynh yên tâm.
Cô Hoàng Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Phúc, TP Vinh cho biết: Trường hiện có 443 trẻ, 100% trẻ ăn bán trú. Để đảm bảo cho trẻ phát triển khoẻ mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ, nhà trường đặc biệt quan tâm và đặt vấn đề VSATTP lên hàng đầu.
Hàng năm, Trường đều ký hợp đồng với các cá nhân, cơ sở cung cấp thực phẩm để đảm bảo VSATTP cho bữa ăn hàng ngày của trẻ. Các cá nhân, cơ sở này đều có đăng ký kiểm định với Chi cục ATVSTP tỉnh.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tận dụng khu đất trống để trồng rau, cung cấp một phần rau sạch cho bữa ăn của các cháu. Ngoài ra, khu nhà bếp của Trường được đầu tư xây dựng theo mô hình “Bếp ăn 1 chiều”, đảm bảo đúng quy cách, có phòng chế biến, phòng nấu ăn, phòng chia thức ăn và phòng ăn liên hoàn.
Không chỉ Trường Mầm non học hiện nay đã tận dụng khuôn viên để trồng rau xanh nhằm đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho học sinh. Hầu hết các trường đều nhập thực phẩm ở những cơ sở được kiểm định VSATTP, trong đó nhiều trường nhập thực phẩm ở các siêu thị với các mặt hàng có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Liên quan đến vấn đề VSATTP trong các trường học hiện nay, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, ngay từ đầu năm, Sở đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở các trường tổ chức bán trú phải đảm bảo bữa ăn sạch và đủ chất dinh dưỡng theo quy định cho học sinh. Hàng tháng, hàng quý, Sở tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, nếu phát hiện có sai phạm về VSATTP sẽ xử lý nghiêm.
Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, hơn 90% bếp ăn tập thể ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An đạt tiêu chuẩn bếp ăn 1 chiều theo quy định của Bộ Y tế. Điều này đã góp phần giảm bớt nỗi lo của phụ huynh về chất lượng bữa ăn của các cháu, nhất là trong bối cảnh vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang nhức nhối như hiện nay.