Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201605/tx-hoang-mai-tinh-nghe-an-gan-700-tre-dang-hoc-nho-hoc-tam-o-noi-mat-an-toan-676052/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201605/tx-hoang-mai-tinh-nghe-an-gan-700-tre-dang-hoc-nho-hoc-tam-o-noi-mat-an-toan-676052/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gần 700 trẻ đang học nhờ, học tạm ở nơi mất an toàn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 08/05/2016, 14:00 [GMT+7]
TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Gần 700 trẻ đang học nhờ, học tạm ở nơi mất an toàn

(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Phòng GD&ĐT TX Hoàng Mai, tính đến tháng 3/2016, TX Hoàng Mai thiếu 5 phòng học dành cho trẻ 5 tuổi. Với trẻ dưới 5 tuổi, tổng số phòng học đang thiếu là 56 phòng, do đó phải sử dụng 19 phòng tạm và 34 phòng mượn. Không có phòng học, các cháu đang phải học tạm, học nhờ ở những nơi không có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, thậm chí có những nơi mất an toàn.

Nằm cách trung tâm TX Hoàng Mai chưa đầy 2 km nhưng gần 700 trẻ mầm non ở xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai đang phải học tại các phòng tạm, phòng mượn. Sự nhếch nhác, xuống cấp, chật chội và tiềm ẩn nguy hiểm ở những nơi này và sự thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất khiến việc dạy học của cô và trò nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều năm nay, trẻ mầm non ở xã Quỳnh Vinh phải học nhờ, học tạm trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn
Nhiều năm nay, trẻ mầm non ở xã Quỳnh Vinh phải học nhờ, học tạm trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn

Quỳnh Vinh là xã duy nhất của TX Hoàng Mai chưa hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nguyên nhân là chưa đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất khi phần lớn phòng học của trẻ mầm non trên địa bàn đều là địa điểm mượn. Cả 2 trường mầm non của xã với gần 700 cháu đang phải học nhờ ở nhiều nơi khác nhau trong xã.

Các cháu Trường Mầm non Quỳnh Vinh A hiện đang học nhờ tại địa điểm của Hợp tác xã (HTX) Đại Vinh. Tổng số trẻ là 280, chia làm 4 lớp; trong đó có 2 lớp 5 tuổi được ưu tiên học trong 2 phòng mới xây dựng trên khuôn viên của HTX này, còn phòng học của trẻ 3, 4 tuổi là phòng làm việc, hội trường cũ đã xuống cấp của Ban quản lý HTX trước đây với diện tích gần 30 m2. Thậm chí, phòng làm việc của hiệu trưởng cũng được “tận dụng” từ kho thuốc trừ sâu của HTX.

Theo quy định, diện tích dành cho mỗi trẻ tại các lớp phải đạt tối thiểu 1,5 m2/cháu, phòng học phải đạt 55 m2. Tuy nhiên, tại đây, mỗi phòng chỉ rộng khoảng hơn 20 m2, với từ 35 - 40 cháu. Phòng học chật chội, không có không gian vui chơi cho cô và trò nên các cô phải tìm cách tận dụng diện tích để sắp xếp đồ chơi và các đồ dùng cho các cháu để đảm bảo công tác dạy học thuận lợi.

Các thiết bị dạy học, đồ chơi của trẻ được đựng trong các thùng cát tông, lúc học thì lấy ra, học xong lại cất vào thùng, xếp thành những chồng cao để trên tủ đồ của trẻ.

Phòng học chật chội nên đồ chơi, thiết bị dạy học được để ở những nơi không an toàn
Phòng học chật chội nên đồ chơi, thiết bị dạy học được để ở những nơi không an toàn

Điều này không đảm bảo an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn cho trẻ rất cao. Các phòng học được ngăn cách bằng những tấm vách tạm thời nên trẻ có thể di chuyển dễ dàng từ phòng này sang phòng khác.

Cô Thái Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Vinh A cho biết: “Đây là tình trạng chung của xã nên các cô trò phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để đảm bảo việc dạy học. Hiện, thời tiết nắng nóng trong khi các phòng học lại chật chội, khiến hoạt động của các lớp bị ảnh hưởng; nhất là vào giờ ngủ trưa, các cháu lớp 4 tuổi phải sang lớp 3 tuổi để ngủ nhờ vì phòng học quá chật”.

Rời Trường Mầm non Quỳnh Vinh A, chúng tôi tới thăm Trường Mầm non Quỳnh Vinh B. Ngôi trường này có 400 cháu, với 12 phòng học đặt tại 7 điểm trường khác nhau.

Hiện, Trường mới chỉ có 2 phòng học ở cụm Tân Bình đã được xây dựng kiên cố. Điểm chính của Trường đặt tại trụ sở HTX Vinh Hoa và 5 phòng học phải mượn địa điểm nhà văn hóa xóm và giáo xứ Yên Hòa.

Được biết, hiện nay, TX Hoàng Mai đang tiến hành xây dựng trường học kiên cố cho nhà trường với 8 phòng học, dự kiến tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng thời điểm khởi công xây dựng với Trường Mầm non Quỳnh Vinh B có Trường Mầm non Quỳnh Liên, với 12 phòng học mới.

So với Trường Mầm non Quỳnh Vinh A, cảnh học tạm, học nhờ của Trường Mầm non Quỳnh Vinh B còn khó khăn hơn nhiều. Trường phải mượn nhiều địa điểm khác nhau, dẫn tới khó khăn trong việc điều hành, quản lý. Trong khi đó, các phòng học đều đã xuống cấp, chật chội, không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất.

Ngoại trừ phòng học mượn địa điểm giáo xứ Yên Hòa, các điểm còn lại đều rơi vào cảnh không nước sạch, không nhà vệ sinh, không có tường rào bao quanh và không có phòng ăn cho trẻ. Hàng ngày, các cô ở các điểm nói trên phải đến lớp từ sớm để xin nước ở nhà dân.

Phòng ăn của điểm trường Mầm non Quỳnh Vinh B đặt cạnh bể nước và khu chế biến thức ăn
Phòng ăn của điểm trường Mầm non Quỳnh Vinh B đặt cạnh bể nước và khu chế biến thức ăn

Các địa điểm mượn lại không có phòng ăn nên không thể thực hiện chế độ bán trú cho trẻ. Vì vậy, buổi trưa, các cháu phải về nhà, buổi chiều bố mẹ lại chở đến lớp.

Không có sân chơi, không có tường rào bao quanh nên đến giờ hoạt động ngoài trời, cô giáo phải quản lý trẻ, không để các cháu chạy ra đường hoặc leo trèo. Các đồ chơi như cầu trượt, bập bênh để sát nhau do khuôn viên nhỏ hẹp nên nguy cơ xảy ra tai nạn  rất cao.

Không những thế, ở một số trường không có tường bao, khi hết giờ, các cô giáo phải khuân đồ chơi vào phòng cất, sáng đến lại đưa ra cho các cháu chơi. Đó là chưa kể phòng học quá chật, không có chỗ trưng bày đồ chơi, thiết bị dạy học nên các cô chủ yếu phải “dạy chay”.

Là thị xã mới được thành lập năm 2013 nên quá trình xây dựng cơ bản ở Hoàng Mai đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, tình trạng học nhờ, học tạm của trẻ mầm non đã diễn ra trong nhiều năm vẫn chưa có cách khắc phục. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm trẻ hàng ngày vẫn phải học tập, vui chơi trong điều kiện không đảm bảo an toàn.

.

Huyền Thương

.