Văn hóa - Giáo dục

Bộ GD&ĐT: Áp dụng phần mềm xét tuyển đại học 2016

16:05, 21/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Phương án sử dụng phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT có ưu điểm là giảm thiểu lượng thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, để thực hiện phương án trên, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống kỹ thuật để tránh nguy cơ “vỡ trận”.

Thông tin Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm xét tuyển chung đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc dùng phần mềm xét tuyển chung sẽ gây ra tình trạng “vỡ trận” như kỳ thi năm 2015. Cụ thể, liệu hệ thống kỹ thuật có đảm bảo cho hàng triệu lượt truy cập mà không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Phương án sử dụng phần mềm chung cho xét tuyển ĐH 2016 có nhiều thuận lợi - Ảnh minh họa
Phương án sử dụng phần mềm chung cho xét tuyển ĐH 2016 có nhiều thuận lợi - Ảnh minh họa

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, khi Bộ áp dụng việc đăng tải điểm thi trên trang web của Bộ đã xảy ra tình trạng “quá tải”, nguyên nhân là do trước đó, Bộ đã chủ trương nắm "độc quyền" kênh công bố điểm trên website của mình.

Các đường link xem điểm trên các báo điện tử đều dẫn về link của Bộ nên trên thực tế vẫn chỉ là một cổng tra cứu. Trong khi đường truyền của Bộ chỉ “chịu” được ở mức 60.000 lượt truy cập cùng lúc thì ước tính vào thời điểm công bố điểm thi chiều 22/7/2015, lượng truy cập lên đến hàng triệu lượt. Do đó, sau hàng giờ đồng hồ, nhiều thí sinh vẫn chưa thể biết điểm thi của mình.

Sử dụng phần mềm xét tuyển chung thực chất là việc Bộ tập trung dữ liệu của các trường để xét tuyển. Đây chỉ là giải pháp về mặt kỹ thuật. Trên thực tế, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung đã được sử dụng ở nhiều nước tiên tiến bởi những ưu điểm của nó.

Phương pháp này tạo ra sự minh bạch trong thông tin tuyển sinh, đảm bảo tính khách quan, khoa học, giúp giảm lượng thí sinh ảo; từ đó tiết kiệm thời gian, công sức cho thí sinh và nhà trường.

Để triển khai thực hiện phương án, Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và chạy thử với những dữ liệu giả định. Kết quả về mặt kỹ thuật, phương án này hoàn toàn khả thi.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh đã phân tích các tình huống có thể xảy ra và trình bày các giải pháp để đảm bảo tuyệt đối quyền lợi cho thí sinh. Kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh, thông tin tuyển sinh của các trường cùng toàn bộ kết quả thi của thí sinh được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu (CSDL) duy nhất.

Sau khi đã hoàn thiện CSDL xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ nhờ hệ thống phần mềm. Sau khi có kết quả xét tuyển, phần mềm sẽ tiến hành xác định thí sinh trúng tuyển vào từng trường. Các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây. Tuy nhiên, dung lượng tải sẽ thấp hơn vì CSDL chỉ gồm các thí sinh trúng tuyển. Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình.

Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, thí sinh còn có thể nộp ĐKXT qua đường bưu điện. Trong tình huống xấu, nếu thí sinh không thể ĐKXT trực tuyến, thí sinh có thể ĐKXT theo các phương thức khác theo quy định của trường. Để tránh rủi ro cho thí sinh, dự kiến hệ thống ĐKXT trực tuyến sẽ đóng trước (dự kiến một ngày) để những thí sinh chưa đăng ký được có thời gian để đăng ký theo các phương thức còn lại. Với các giải pháp này, Bộ GD&ĐT đảm bảo không để xảy ra tình trạng có thí sinh không thể ĐKXT.

Phương Thủy

Các tin khác