Văn hóa - Giáo dục

Gặp những người thay gia đình Bác tiếp khách

06:53, 19/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chúng tôi về Làng Sen vào một ngày giữa tháng 5 lịch sử, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Bác. Dòng người đổ về Khu di tích Kim Liên, thăm lại ngôi nhà tranh đơn sơ của Người vẫn nối dài. Bởi ai cũng mong được ghé thăm mảnh đất chôn rau cắt rốn của Người, được nghe kể về thời thơ ấu và 2 lần về thăm quê của Bác.

Qua những câu chuyện kể của những thuyết minh viên trên quê hương Bác, du khách có cái nhìn chân thực, cụ thể hơn về vị cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; để rồi, những giá trị cao đẹp về phẩm chất đạo đức của Người sẽ trở thành hành trang theo suốt cuộc đời.

Thuyết minh viên vinh dự và tự hào khi kể về Người và gia đình
Thuyết minh viên vinh dự và tự hào khi kể về Người và gia đình

Đón chúng tôi với cái bắt tay nồng hậu, chị Trần Thị Thao, thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên có thâm niên trên 20 năm tuổi nghề tâm sự về cơ duyên đến với nghề: “Năm đó chị mới 17 tuổi, chị đã cùng với 8 thí sinh khác vượt qua 120 thí sinh để làm nhiệm vụ “tiếp khách thay gia đình Bác”.

Thời gian đầu mới bắt tay vào công việc, chị không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi, với tình yêu và sự quý trọng đối với Người, chị kể những câu chuyện về Bác một cách nhập tâm, rất đỗi tự nhiên và dung dị.

Qua trò chuyện chúng tôi được biết, chị sinh ra tại mảnh đất Làng Sen, gia đình chị cách nhà Bác chỉ vài chục mét. Ngày còn nhỏ, chị thường theo bạn bè vào nhà Bác cắt cỏ và được nghe kể nhiều chuyện về cuộc đời của Người. 

Chị hồi tưởng lại: Thời điểm đó, không biết bao nhiêu buổi chiều chị đứng trước nhà Bác say sưa tập nói, kể chuyện về Người như người thuyết minh viên thực thụ, với mong muốn sẽ có ngày được đứng trước nhiều người để say sưa kể về thời ấu thơ cùng gia cảnh của Bác. Niềm khát khao đó đã giúp chị Thao có thêm nghị lực để phấn đấu.

Truyền đạt cho thế hệ trẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Truyền đạt cho thế hệ trẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thấm thoát đã hơn 20 năm, chị Thao giờ đã là một thuyết minh viên kỳ cựu, với sự am hiểu sâu sắc về  cuộc đời của Bác. Trong thời gian sống với nghề, chị có rất nhiều kỷ niệm về những lần tiếp khách tại nhà Bác, đó là tài sản vô giá mà chị rất đỗi tự hào.

Chất giọng xứ Nghệ dân dã, đằm thắm ân tình của chị đang ngày ngày đưa du khách về với Làng Sen của những ngày mà Bác đang còn nhỏ. Tình yêu của chị đối với Bác đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản tinh thần thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch.

Ai về Hoàng Trù, Làng Sen Kim Liên cũng mong muốn được ở lại thật lâu, được sống với những ký ức thời thơ ấu của Bác qua giọng kể ấm áp, truyền cảm, đậm chất Nghệ của các thuyết minh viên nơi đây.

Cụ ông Nguyễn Quang Vinh, một lão thành cách mạng quê ở Thanh Hóa xúc động rưng rưng: "Về thăm quê Bác, được nghe thuyết minh viên kể về thời thơ ấu cũng như cuộc đời của Bác, tôi càng thương nhớ Bác khôn nguôi”.

Em Phạm Tuấn Thanh đến từ Thừa Thiên - Huế tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em được về thăm quê Bác, được chứng kiến nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử thời niên thiếu của Bác và những người thân trong gia đình Bác. Đặc biệt, được nghe các thuyết minh viên kể về Người, em thấy mình càng phải nỗ lực học tập, noi theo tấm gương đạo đức của Người”.

Chị Đảm trong một buổi thuyết mình
Chị Đảm trong một buổi thuyết mình

Để Khu di tích Kim Liên trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ Việt Nam, không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt quan trọng của những người làm công tác thuyết minh nơi đây.

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, ngày thường hay ngày lễ, tết, từ sáng sớm, những thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên vẫn tận tâm làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình. Tình cảm thiêng liêng mà người dân từ khắp mọi miền đất nước dành cho Bác Hồ là sự động viên to lớn để họ vượt qua những khó khăn, không ngừng nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Người.

Công việc đặc biệt này đòi hỏi thuyết minh viên không những phải có trình độ, kiến thức mà còn cần đến lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng.

Chị Ngọc Lan, thuyết minh viên ở Khu di tích Kim Liên cho biết: Nhờ “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” nên trong suốt thời gian hơn 10 năm  làm nhiệm vụ này, không ít khách tham quan có những câu hỏi “hóc búa” nhưng chị vẫn bình tĩnh trình bày và cung cấp những thông tin, tư liệu để họ hiểu rõ hơn về cuộc đời Bác.

Cùng với những người như chị Đảm, chị Thao, Ngô Vinh, Ngọc Lan, Giang, Quý, Lê Hà, Thu, Huyền, Chi... thì những người như chị Huệ, chị Lộc - những thuyết minh viên đã gắn bó cả cuộc đời với công việc này, ai ai cũng đều dành tình cảm đặc biệt thiêng liêng với Bác và những người thân trong gia đình Bác.

Hoàng Trinh

Các tin khác