(Congannghean.vn)-Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, người lãnh đạo tận tụy, năng động và là nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Đồng chí là một trong những chiến sỹ cộng sản tiền bối tiêu biểu, là Tổng Bí thư kiên trung, bất khuất, đã phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906 - 1941) |
Người cộng sản kiên trung, bất khuất
Hà Huy Tập sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo có 5 anh em tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh của đồng chí là cụ Hà Huy Tường, đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và bốc thuốc.
Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập là vào năm 1923, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu, về giảng dạy tại một trường tiểu học ở Nha Trang. Cuối năm 1925, đồng chí được giới thiệu gia nhập Hội Phục Việt.
Sau khi bị chính quyền thực dân sa thải và trục xuất khỏi Nha Trang, đồng chí trở về quê hương và tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng bằng công tác dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh). Sau đó, đồng chí vào Sài Gòn, phát động phong trào bãi khóa của học sinh Trường Tiểu học tư thục An Nam học đường ở Gia Định chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường.
Tháng 12/1928, đồng chí sang Quảng Châu (Trung Quốc) để đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó được cử đi học tại Mátxcơva đến tháng 4/1933. Trong thời gian này, đồng chí đã soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” và “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”.
Từ tháng 8/1933 đến tháng 7/1936, Hà Huy Tập về Quảng Châu, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Ngày 26/7/1936, đồng chí được cử làm Tổng Bí thư của Đảng. Cuối tháng 7/1936, Tổng Bí thư Hà Huy Tập về nước hoạt động, khôi phục lại các ban Đảng và các tổ chức quần chúng; đồng thời chỉ đạo hoạt động công khai và bán công khai.
Ngày 30/3/1938, đồng chí chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (nay thuộc huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 1/5/1938, Hà Huy Tập bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự Ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn và từ đó cho đến năm 1941, đồng chí bị giam tại các nhà lao ở Sài Gòn, Nghệ An với nhiều bản án, từ cấm lưu trú, bị quản thúc, tước quyền công dân và chính trị đến tử hình vì “có trách nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 28/8/1941, đồng chí Hà Huy Tập bị xử bắn tại ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn (Gia Định). Bức thư cuối cùng đồng chí gửi cho gia đình có đoạn: “Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.
Đóng góp của Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng
Đồng chí Hà Huy Tập tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30, từng đối mặt với 6 án tù. Trong chặng đường 35 tuổi đời (24/4/1906 - 28/8/1941), 16 năm hoạt động cách mạng (1925 - 1941), trong đó gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (1936 - 1938), đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, đồng chí không những là nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập đối với cách mạng nước ta được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở khôi phục được ban lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Hà Huy Tập đã đấu tranh, phản bác các tư tưởng lệch lạc, chủ nghĩa cơ hội, cải lương, tạo sự nhất trí cao trong Đảng; đồng thời đưa ra đường lối phù hợp với thực tiễn, góp phần làm cho Đảng ta mạnh lên, đủ sức lãnh đạo vực dậy phong trào cách mạng mới, tiến đến thắng lợi Cách mạng tháng 8/1945.
Cụ thể, trong từng giai đoạn, đồng chí Hà Huy Tập xác định, chỉ rõ chiến lược và sách lược cách mạng, yêu cầu “nhận rõ ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định sẽ tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh”.
Đồng chí cũng là người tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng; tích cực tuyên truyền, cổ động giác ngộ quần chúng, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho công tác tuyên giáo của Đảng sau này.
Về sự thành công vang dội của Đại hội Đảng lần thứ nhất, công đầu thuộc về Hà Huy Tập khi đồng chí đã tích cực khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và Ban lãnh đạo Trung ương, chuẩn bị các văn kiện và chủ trì Đại hội.
Đồng chí cũng đã tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí, cơ quan ngôn luận của Đảng; viết nhiều tác phẩm mang tính lý luận sắc sảo, chú trọng viết lịch sử Đảng để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, đấu tranh chống quan điểm lệch lạc, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng.
Ngoài ra, đồng chí còn có tầm nhìn, chiến lược lâu dài. Từ tình hình thực tiễn, Hà Huy Tập đề xuất chủ trương, chuẩn bị nội dung, chủ trì, ra nghị quyết các hội nghị Trung ương, tìm biện pháp đấu tranh phù hợp, trực tiếp lãnh đạo vực dậy phong trào cách mạng giai đoạn 1936 - 1939.
Sắc xuân tươi thắm làng đào Cẩm Hưng
Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập nằm ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách Quốc lộ 1A khoảng 3 km về phía Tây. Đây là di tích lịch sử cách mạng quan trọng, lưu giữ nhiều dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập.
Khu lưu niệm Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh |
Đến nay, dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian và lịch sử nhưng ngôi nhà tranh vẫn còn khá nguyên vẹn nhờ sự gìn giữ của gia đình và dòng họ đồng chí. Đó là ngôi nhà nhỏ, đơn sơ với 3 gian, 2 hồi, mái lợp bằng tranh. Năm 1991, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định công nhận ngôi nhà tranh là di tích cấp tỉnh và đến năm 2004, ngôi nhà tranh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm đã được mở rộng với việc xây dựng thêm nhiều hạng mục và công trình như nhà trưng bày, nhà thờ, nhóm tượng đài...
Ngoài ra, tại khu di tích này còn trưng bày gần 90 bức ảnh cùng các hiện vật tái hiện một cách sinh động cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập như: Cặp sách, đĩa men, một số đồ dùng cá nhân, các bài báo, bài lý luận chính trị cách mạng, bức thư viết cho người em rể Nguyễn Đình Cương trước lúc bị địch xử bắn, các bài báo viết về đồng chí... Cách khu lưu niệm 3 km là khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Sau gần 70 năm lưu lạc, năm 2009, hài cốt của đồng chí Hà Huy Tập đã được tìm thấy và đưa về an táng tại đồi Đồng Lem thuộc xã Cẩm Hưng, phía trước là mộ của 2 cụ thân sinh. Khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống và ý thức cách mạng cho thế hệ trẻ, cũng là điểm đến du lịch có ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng. Tuy thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng; trong đó có những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng của Đảng.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Bộ Chính trị phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: Tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng”, cuộc thi tìm hiểu “Thân thế, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập” với 70.000 bài tham gia… Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình Hà Tĩnh (HTTV). |