Văn hóa - Giáo dục

Bảo tàng ở Nghệ An

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

08:15, 10/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, hiện vật tại các bảo tàng trên địa bàn tỉnh ta mặc dù khá phong phú và có giá trị lịch sử lớn nhưng lượng du khách tới tham quan lại khiêm tốn. Trước thực tế trên, thời gian tới, các bảo tàng cần có sự đổi mới toàn diện để có thể khai thác hết tiềm năng của mình.

Đìu hiu bảo tàng lịch sử

Bảo tàng Nghệ An ra đời năm 1980, là nơi trưng bày những hiện vật lịch sử về con người, văn hoá và các hoạt động tiêu biểu của nhân dân Nghệ An từ thời sơ sử đến nay. Năm 2005, nhà trưng bày bảo tàng được xây dựng hoàn thiện, với dự án trưng bày nội, ngoại thất phong phú nhưng cho đến nay, cả 2 khu vực trưng bày đều chưa hoàn thành. Kinh phí đầu tư của dự án là hơn 40 tỉ đồng nhưng mới được cấp 15 tỉ đồng nên nhiều hạng mục còn dang dở.

Thời gian tới, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh sẽ có những đổi mới toàn diện để thu hút du khách
Thời gian tới, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh sẽ có những đổi mới toàn diện để thu hút du khách

Hàng năm, Bảo tàng Nghệ An mới chỉ tổ chức từ 3 - 4 cuộc trưng bày theo chủ đề mà chưa mở cửa đón khách tham quan. Lượng du khách hàng năm không quá 10.000 người, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Bảo tàng.

Tương tự, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh là một địa chỉ đỏ trong việc tham quan, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng năm 1960 và đi vào hoạt động năm 1964 với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật, giá trị lịch sử của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Nơi đây hiện đang lưu giữ 15.000 hiện vật, tài liệu, trong đó 1/3 là tài liệu, hiện vật gốc, có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Thế nhưng, lượng du khách đến với Bảo tàng hàng năm chỉ đạt khoảng 600.000 lượt người, trong đó 20.000 lượt tham quan tại chỗ, còn lại là khách ở những địa điểm mà Bảo tàng mang hiện vật đi trưng bày lưu động.

Với khuôn viên 13.000 m2, lưu giữ trên 10.000 kỷ vật, hình ảnh, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật quân sự vùng Bắc Trung Bộ, Bảo tàng Quân khu 4 là điểm đến quan trọng trong quá trình tìm hiểu về cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thế nhưng qua 40 năm xây dựng, lượng du khách đến với Bảo tàng còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, các bảo tàng ở Nghệ An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, do việc đầu tư còn “nhỏ giọt” nên việc sưu tầm, trưng bày các hiện vật còn hạn chế. Cơ sở vật chất chưa được chú trọng đầu tư đổi mới, nghệ thuật trưng bày theo lối cũ nên không có sức hấp dẫn đối với du khách.

Hơn nữa, công tác thuyết minh tại các bảo tàng vẫn còn nhiều hạn chế khi cách nói của đội ngũ thuyết minh viên chưa có sự đổi mới và chưa thật sự sáng tạo, linh hoạt, dẫn đến sự nhàm chán, thiếu hấp dẫn.

Phát huy giá trị của bảo tàng

Trước thực tế trên, để phát huy tối đa giá trị của các bảo tàng, giữa các ban, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa. Thời gian qua, sự liên kết, phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa nội dung về phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh vào trường học; tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã phát huy hiệu quả tích cực.

Bảo tàng Quân khu 4 cũng đã kết nghĩa với Thành đoàn Vinh trong việc giáo dục về lịch sử cho thế hệ trẻ, phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh nói chuyện truyền thống; qua đó đạt nhiều kết quả khả quan.

Các bảo tàng ở Nghệ An hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu là chính, chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, tìm hiểu về lịch sử hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách.

Ông Cao Văn Xích, Giám đốc Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh chia sẻ: “Lượng khách tham quan đến với Nghệ An rất lớn. Thế nhưng, các bảo tàng lại chưa trở thành điểm đến trong tour du lịch của họ, đặc biệt, chúng ta đang “bỏ phí” lượng du khách nước ngoài, bởi họ rất thích nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của nước ta. Trong thời gian tới, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh sẽ có những đổi mới toàn diện để hấp dẫn du khách, trong đó chú trọng liên kết với các công ty lữ hành để Bảo tàng trở thành điểm đến trong tour của họ. Ngoài ra, sẽ tăng cường tổ chức các chuyến trưng bày lưu động ở các địa phương vào những dịp lễ, hội, ngày kỷ niệm, phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ để thu hút người dân”.

Khi xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu của du khách ngày càng cao thì bảo tàng cần có sự đổi mới để tạo sức hút đối với du khách. Bảo tàng không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu về lịch sử mà phải trở thành sân chơi bổ ích cho nhân dân. Hiện nay, các bảo tàng ở Nghệ An chưa có loại hình dịch vụ đi kèm, vì vậy, trong thời gian tới cần có quy hoạch cụ thể để phát triển các loại hình dịch vụ theo quy định của Luật Di sản.

Phương Thủy

Các tin khác