(Congannghean.vn)-Suốt ngày bận rộn với công việc bán buôn, đồng áng nhưng mỗi lúc trở về nhà, được nghe giọng hát líu lo của 3 cô con gái nhỏ, vợ chồng anh Nguyễn Phúc Ánh, chị Võ Thị Hoa trú tại xã Minh Thành, huyện Yên Thành dường như quên hết mệt mỏi. Những làn điệu dân ca ví, giặm quen thuộc được cất lên trong trẻo như sợi dây kết nối tình cảm gia đình.
Tuy không được trời phú cho giọng hát hay nhưng vợ chồng anh Ánh, chị Hoa đều rất yêu văn nghệ. Nhận thấy cô con gái đầu là cháu Ánh Nguyệt có năng khiếu hát dân ca, anh Ánh đã mua nhiều băng đĩa của nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, các ca sĩ Ngọc Hà, Hồng Vân... cho con nghe.
Gia đình anh Ánh, chị Hoa và 3 cô con gái xinh đẹp, học giỏi, hát hay |
Anh Ánh chia sẻ: “Khi cháu Ánh Nguyệt còn tập nói, vì bận công việc nên vợ chồng tôi gửi cháu cho bố tôi chăm sóc. Bố tôi là cây văn nghệ của Lâm trường Nghĩa Đàn. Hàng ngày, cháu thường xem các chương trình sân khấu trên tivi với ông. Mặc dù chưa hiểu gì nhưng cháu tỏ ra rất say mê, thích thú”. Khi đi học, Nguyệt trở thành cây văn nghệ của lớp, của trường. Anh Ánh luôn nhắc nhở con: “Phải học văn hóa cho giỏi trước đã!”. Nghe lời bố, ngoài hát hay, Nguyệt còn học rất giỏi. 8 năm liền cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và là một lớp trưởng gương mẫu. Cô gái nhỏ này rất thích hát dân ca và thường dạy cho cô em gái Bình Dương. Ánh Nguyệt cho biết: “Trước đây em hay nghe và hát những bài có giai điệu nhẹ nhàng. Khi hiểu lời của các bài dân ca, em lại càng thích hát, vì mỗi bài hát là một bài học về đạo làm người”.
Khác với giọng hát tròn, ấm của Ánh Nguyệt, cháu Bình Dương lại có chất giọng thanh và cao. Đặc biệt, Bình Dương có lối diễn xuất rất tự nhiên. Trong chương trình Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ năm 2014, khi Bình Dương cất cao giọng hát, mọi người đều chú ý lắng nghe như “nuốt” từng lời. Cô bé bước lên sân khấu với dáng vẻ tự nhiên và tự tin. Tại Liên hoan này, em đạt giải A và được gặp, trò chuyện với NSND Hồng Lựu. Khi được gặp “thần tượng”, Bình Dương được hướng dẫn kỹ thuật lấy hơi, ngắt nhịp nên giọng hát của em ngày càng nhuần nhuyễn. Bình Dương là “khách mời” đặc biệt nhất được NSND Hồng Lựu mời về TP Vinh tham dự Lễ vinh danh dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau khi Bình Dương tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm, Ánh Nguyệt dự Hội thi “Tiếng hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh học sinh bậc trung học huyện Yên Thành năm 2014” và đạt giải học sinh THCS hát dân ca hay nhất, sau đó được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Người dân xã Minh Thành thường nói, gia đình anh Ánh, chị Hoa là câu lạc bộ dân ca gia đình. Bởi lẽ, không lúc nào trong nhà anh ngớt những làn điệu dân ca. Những khúc hát dân ca mượt mà, sâu lắng, thấm đượm tình người đã trở thành niềm vui, niềm tự hào và là sợi dây kết nối tình thân. Những lúc rảnh rỗi, chị em Ánh Nguyệt, Bình Dương lại cùng nhau tập hát. Cô em gái mới 3 tuổi nhưng đã thuộc làu lời bài hát Phụ tử tình thâm.
Những ca từ mộc mạc, giản dị về đạo làm người cứ “ngấm” vào những đứa trẻ một cách bình dị, tự nhiên. Chất dân ca đã ăn sâu vào cốt cách, máu thịt, ngọt mát như dòng sữa mẹ nuôi lớn các em. Cả bố và mẹ đều bận công việc, thường xuyên đi sớm về muộn nên hai chị em thường bảo ban nhau học hành và thay mẹ đảm đương công việc nhà. Vào những ngày cuối tuần, cả nhà quây quần để hát cho nhau nghe, những câu hát như lời nhắn nhủ yêu thương, ấm áp nghĩa tình.