(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động và sinh hoạt của người dân Nghệ Tĩnh, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội thì sự thay đổi tập tục làm việc đã khiến không gian diễn xướng của ví, giặm ngày càng bị thu hẹp.
Dân ca ví, giặm trong đời sống người lao động
Dân ca ví, giặm gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Nghệ Tĩnh, khởi phát từ 2 hình thức dân ca Nghệ Tĩnh là hát ví và hát giặm. Ví, giặm được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt thường ngày, từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền… Đây là loại hình nghệ thuật có khả năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người Nghệ Tĩnh, đồng thời phản ánh chân thực mọi biến động của đời sống xã hội.
Do hát ví gắn liền với lao động nên mỗi loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng biệt, như: Hát ví của những người đi cấy gọi là ví phường cấy, hát ví của những người đi củi là ví phường củi... Ông Trần Văn Tư, Chủ nhiệm CLB dân ca phường vải Kim Liên (Nam Đàn) kể lại: Hát ví phường vải phát triển rầm rộ nhất là vào thời điểm ngành bông vải sợi du nhập vào Việt Nam, lôi cuốn nhiều người tham gia.
CLB dân ca Thanh Lĩnh (Thanh Chương) nỗ lực phục dựng không gian diễn xướng của làng nghề làm chổi đót |
"Mời bạn về thăm đất mẹ quê mình, nghề làm chổi làng tôi rất chi nổi tiếng… chổi đót, chổi giang, chổi dài, chổi ngắn. Ai đã dùng rồi thì… dùng mãi không thôi…”. Đây là những câu hát ví gắn liền với người dân làng nghề chổi đót thôn Sơn, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương bao đời nay. Câu hát ví, giặm được người dân thôn Sơn hát khi lên rừng lấy cây đót về làm chổi, khi xuống thuyền, khi đan chổi... Ngày nay, nghề làm chổi đót Thanh Lĩnh ngày càng phát triển nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các hộ làng nghề bây giờ không còn sản xuất tập trung như trước nên không gian diễn xướng đang dần mất đi.
Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm trong đời sống hiện đại
Những câu hát, làn điệu ví, giặm ngày xưa được cất lên từ những không gian gắn liền với làng nghề, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã khiến các làng nghề, các hình thức sinh hoạt dân gian, hình thức diễn xướng gắn với loại hình sinh hoạt này dần bị mai một. Việc thiếu không gian diễn xướng vốn có khiến việc biểu diễn ví, giặm thiếu đi sức sống. Hiện nay, chỉ còn rất ít làng nghề truyền thống phục dựng được không gian diễn xướng.
Làng nghề chổi đót Thanh Lĩnh là một trong những làng nghề truyền thống còn giữ được không gian diễn xướng. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó chủ nhiệm CLB dân ca Thanh Lĩnh đã ngoại lục tuần nhưng niềm say mê với hát ví vẫn còn dào dạt. Bà đã truyền dạy những làn điệu dân ca cho nhiều người, trong đó chủ yếu là những câu ví của làng nghề chổi đót truyền thống. Bà cùng với những người trong CLB đã có công phục dựng không gian diễn xướng gắn với làng nghề của địa phương.
Ở phường vải Kim Liên (Nam Đàn), hiện nay, câu lạc bộ dân ca chỉ còn 7 nghệ nhân, đều là những người ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Họ vẫn đang miệt mài truyền dạy cho những người trẻ với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương. “Điều khiến chúng tôi trăn trở là không gian diễn xướng chưa được phục dựng, đã làm mất đi một phần giá trị câu hát và thế hệ trẻ cũng không cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của ví phường vải”, Ông Trần Văn Tư tâm sự.
Không gian văn hóa của mỗi loại hình dân ca Việt Nam là sự thể hiện rõ nét những đặc điểm, đặc trưng về phong tục, tập quán, quan niệm cũng như lối sống của địa phương nơi có loại hình dân ca đó. Vì thế, việc khôi phục không gian văn hóa, không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm là vấn đề cấp thiết, bởi theo thời gian, những nghệ nhân cao tuổi, người am hiểu và nắm giữ cả nội dung và hình thức biểu diễn những làn điệu dân ca ví, giặm sẽ dần ít đi; theo đó, việc phục dựng không gian diễn xướng sẽ gặp nhiều khó khăn.