Văn hóa - Giáo dục

Tết với giáo viên vùng cao

08:03, 03/02/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-“Với giáo viên vùng khó như chúng tôi thì chuyện thưởng Tết gần như không có trong khái niệm. Niềm vui khi Tết đến là mong sao các em học sinh có thịt để ăn, có áo ấm lành lặn để mặc. Và quan trọng hơn là sau Tết, các em quay trở lại trường học đầy đủ, không bỏ trường, bỏ lớp”, một thầy giáo của Trường THCS Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An trải lòng.

Không có tháng lương thứ 13 như các ngành nghề khác, với ngành giáo dục, chuyện không có thưởng Tết như cán bộ công chức ở các đơn vị, doanh nghiệp trở nên rất đỗi bình thường. Bởi thế mà cuối năm, khi người lao động ở các nơi hồi hộp chờ đợi chế độ thưởng Tết thì đội ngũ giáo viên lại không mấy trông chờ. Niềm vui dịp cuối năm của những nhà giáo là khoảng thời gian được đoàn tụ, sum họp cùng gia đình.

Với những giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo là học trò được ăn no, mặc ấm. Tết cũng là dịp mà họ động viên nhau vượt lên những khó khăn để cống hiến hết mình trong hành trình gieo chữ, trồng người.

Các tình nguyện viên nhóm Tấm lòng xứ Nghệ cùng các thầy, cô giáo tổ chức cho học sinh xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn ăn Tết sớm
Các tình nguyện viên nhóm Tấm lòng xứ Nghệ cùng các thầy, cô giáo tổ chức cho học sinh xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn ăn Tết sớm

Trong hơn 10 năm dạy học, cứ vào mỗi dịp cuối năm, cô Bùi Việt Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn cũng như các giáo viên trong trường đều được nhận mức tiền thưởng Tết từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy đây là số tiền không lớn nhưng với họ, phần thưởng trên chính là món quà động viên, khích lệ tinh thần trong dịp Tết đến, xuân về.

So với giáo viên vùng thành phố, đồng bằng thì ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, hàng năm ngân sách của nhà trường phục vụ công tác dạy học còn thiếu nên giáo viên ở đây chưa bao giờ biết đến tiền thưởng Tết. Để bám trường, bám lớp, cả thầy và trò phải cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục hành trình chinh phục con chữ. Tình yêu học trò và cái tâm với nghề đã giúp thầy cô nơi đây tận tâm, gắn bó với nghiệp gieo chữ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp, giáo viên Trường THCS Tri Lễ 4 cho biết: “15 năm cắm bản, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện được thưởng Tết. Điểm trường nơi tôi đang dạy còn chưa có phòng học kiên cố và khó khăn, thiếu thốn đủ đường; ngân sách nhà trường còn thiếu thì lấy đâu ra tiền thưởng. Năm nay chúng tôi được nhận 100.000 đồng để ăn Tết”.

Những ngày giáp Tết, chúng tôi theo chân nhóm tình nguyện Tấm lòng xứ Nghệ mang Tết sớm đến với học sinh nơi “cổng trời” xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Thầy Trần Văn Quý, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống phấn khởi cho biết: “Phần thưởng cuối năm lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là tấm lòng của các nhà hảo tâm. Họ đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tặng quà để các em ăn Tết đầy đủ. Còn chuyện thưởng Tết cho giáo viên nơi đây còn quá xa vời”. Quà Tết mà các thầy cô giáo được nhận chỉ là những bông hoa rừng, mớ rau rừng của học sinh. Những món quà tuy không có giá trị về mặt vật chất nhưng chan chứa nghĩa tình đã khiến những người thầy, người cô rất cảm động.

So với các năm trước, Tết Bính Thân 2016, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều có chế độ thưởng Tết cho giáo viên. Tuy nhiên, mức thưởng Tết còn rất thấp và cá biệt vẫn còn một số trường không có tiền thưởng Tết cho giáo viên.

Ông Trần Văn Kỷ, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: Mức thưởng Tết năm nay trung bình là 564.000 đồng, cao hơn mức bình quân chung của năm ngoái. Hiện nay, đã có hơn 70 trường và các trung tâm giáo dục thường xuyên báo cáo về chế độ thưởng Tết.

Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất hiện nay là ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, với mức 1.000.000 đồng/giáo viên; các trường THPT Ngô Trí Hòa, THPT Duy Tân (Đô Lương)... Thấp hơn là mức thưởng dao động từ 500.000 - 900.000 đồng/giáo viên đối với các trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương), THPT Cửa Lò(TX Cửa Lò), THPT Nam Yên Thành (Yên Thành). Về phía các trường vùng miền núi, mức thưởng cao nhất là 200.000 đồng, có nơi là 50.000 đồng. Năm nay, Trường phổ thông DTNT THCS Quỳ Hợp không có tiền thưởng Tết cho giáo viên. So với năm ngoái, năm nay, một số trường THPT ngoài công lập đã có chế độ thưởng Tết cho giáo viên, mức thấp nhất là 500.000 đồng.

Ông Trần Văn Kỷ cho biết thêm, để chia sẻ với những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo, sống neo đơn, Công đoàn đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 500 giáo viên nằm trong diện này với mức hỗ trợ từ 300.000 - 500.000 đồng/người.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, mức thưởng Tết năm nay tăng nhiều so với năm ngoái. Nhiều đơn vị trường học còn khó khăn nhưng vẫn tiết kiệm chi tiêu để trích một phần hỗ trợ cho giáo viên ăn Tết. Ngoài ra, ngành cũng kêu gọi các trường trong toàn tỉnh chung tay giúp đỡ học sinh vùng sâu, vùng xa, giúp các em có một cái Tết đầy đủ và đầm ấm.

Huyền Thương

Các tin khác