Hội Báo Xuân toàn quốc 2016 với chủ đề “Mừng Xuân mới, mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, mừng đất nước 30 năm đổi mới” sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/3 tại Hà Nội.
Bộ TT&TT cho hay Hội báo Xuân toàn quốc 2016 do Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội).
Dự kiến Hội báo Xuân được chia thành 23 - 25 khối trưng bày của các đơn vị báo chí Trung ương và 10 cụm của các đơn vị báo chí địa phương với hoạt động chính là trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và báo chí tuyên truyền về Đại hội Đảng lần thứ XII, về thành tựu 30 năm đổi mới đất nước.
Các giải thưởng bao gồm: Giải cho các khu vực trình bày ấn tượng, đặc sắc; Giải bìa báo Tết; Giải tác phẩm và ấn phẩm báo chí hay về chủ đề Đại hội Đảng lần thứ XII và 30 năm đất nước đổi mới; Giải chương trình phát thanh - truyền hình hấp dẫn, ấn tượng về chủ đề Đại hội Đảng và 30 năm đất nước đổi mới.
Ra mắt “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt”
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giới thiệu bản dịch bằng thơ tự do tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mang tên “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt” của dịch giả Vũ Thế Khôi.
Trang bìa bản Kiều song ngữ Nga - Việt. Ảnh: Sputnik |
Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublikov đánh giá cao chất lượng bản dịch, vốn từ tiếng Nga, cách chuyển ngữ tinh tế của dịch giả và hy vọng bản dịch "Truyện Kiều" sẽ không chỉ giúp người Nga hiểu hơn về văn học Việt Nam kinh điển mà cuốn sách này còn có giá trị cho các sinh viên và giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga.
“Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt” được in bằng tiếng Việt và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú thích và minh họa.
Trong cuốn sách này, 20 bức tranh minh họa của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình... được chọn in, góp phần làm tăng vẻ đẹp và giá trị của cuốn sách.
Hát bả trạo là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 25/2, tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đón Bằng công nhận “Hát bả trạo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Hát bả trạo là một thể loại dân ca độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Quảng. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, một hình thức diễn xướng nghi lễ của không chỉ các nghệ nhân mà còn của cả cộng đồng cư dân vạn chài tham gia.
Hát bả trạo trong lễ cầu ngư ở huyện Núi Thành. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Hát bả trạo được tổ chức vào dịp lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông vào đầu Xuân năm mới, trước hành trình ra biển của ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và của ngư dân Quảng Nam nói riêng.
Nội dung hát bả trạo ở Quảng Nam ca ngợi công đức của cá Ông hiển linh cứu người trong cơn nguy biến, cầu mong đánh bắt được nhiều hải sản đồng thời mô tả tinh thần lạc quan, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của ngư dân trong quá trình mưu sinh nhọc nhằn trên biển cả nhằm vươn tới cuộc sống ấm no, đầy đủ. Mỗi khi bả trạo được xướng lên thì cả nghệ nhân đến người xem đều một mực thành tâm cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà.
Ngày nay, ở mỗi xã vùng biển tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng đều có ít nhất một đội hát bả trạo để phục vụ trong các dịp lễ, dịp tết, lễ tế cá Ông, lễ cầu ngư đầu năm mới của cư dân vạn chài.