Tại sao lại tích hợp môn Lịch sử với môn học khác và tích hợp như thế nào? Thời lượng theo thiết kế chương trình có tương xứng với vị trí của môn học này không? Đây là những điều khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và người giảng dạy môn học này băn khoăn, nghi ngờ nhất, cần những người xây dựng chương trình làm rõ nhất.
Ban xây dựng Chương trình tổng thể (CTTT) của Bộ GD&ĐT đã có ý kiến nhằm làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến môn Lịch sử mà hiện đang... rất "nóng".
Tiếp thu thiếu sót để chỉnh sửa
Trước tiên, Ban xây dựng CTTT nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm. Ban xây dựng CTTT một lần nữa khẳng định không có chuyện “xóa sổ” môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời nói rõ theo dự thảo CTTT, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và một trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội (KHXH).
Ngoài ra, học sinh còn được học kiến thức lịch sử trong các môn học khác (như môn Ngữ văn) và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về kiến thức lịch sử.
Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình mới nhiều hơn trong chương trình hiện hành. Cụ thể, trong chương trình hiện hành, học sinh học Lịch sử 1,5 tiết/tuần; còn theo dự thảo CTTT, học sinh học môn Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần; môn KHXH 3 tiết/tuần hoặc Lịch sử 3 tiết/tuần.
Cũng liên quan đến đổi mới giáo dục lịch sử nói riêng trong giáo dục phổ thông, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 2 cuộc hội thảo (tại Đà Nẵng ngày 18-19/8/2012 và tại Hà Nội ngày 3/11/2015), mời đông đảo các nhà khoa học lịch sử và các giảng viên, giáo viên dạy môn Lịch sử tham dự.
Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức cuộc thi "Em yêu Lịch sử Việt Nam" (năm học 2014-2015) thu được kết quả rất tốt đẹp; cùng với Hội Khoa học Lịch sử tuyên dương các em học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử hằng năm. Như vậy, không chỉ chú trọng dạy lịch sử trong nhà trường, việc tổ chức các cuộc thi cũng là một cách khuyến khích tình yêu môn Lịch sử với các em học sinh.
Ban xây dựng CTTT khẳng định sẽ tiếp thu các góp ý để điều chỉnh, bổ sung văn bản CCTT cho rõ hơn.
Học hỏi các nước tiên tiến trong tích hợp môn học
Tầm quan trọng của môn Lịch sử là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chính những thay đổi chưa có tiền lệ trong giáo dục Việt Nam đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong chương trình liên quan đến môn học.
Chính Ban xây dựng CTTT cũng thừa nhận “dạy học tích hợp và phân hoá là vấn đề có nhiều yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông nên không thể tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc”. Ban xây dựng CTTT đã lên tiếng làm rõ cơ sở, lý do của việc tích hợp môn Lịch sử trong môn học Quốc phòng và Công dân.
Cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn KHXH (hoặc môn Lịch sử) trong dự thảo chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục một số nước.
Chương trình cấp THPT hiện hành có 13 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, GDCD, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Công nghệ, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục Quốc phòng-An ninh.
Chương trình này lâu nay vẫn bị đánh giá là quá tải về cả môn học, thời lượng và khối lượng kiến thức. Trong đó, riêng môn Lịch sử bị nhận xét là "hàn lâm, chồng chéo, khô khan, kém hấp dẫn".
Tại cuộc Hội thảo mới đây do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ cơ sở, hiệu quả của việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác và cho rằng điều nay chưa có tiền lệ. Các ý kiến phản biện đều cho rằng, với tầm quan trọng của mình, Lịch sử phải tồn tại như một môn học độc lập.
Tuy nhiên, Ban xây dựng CTTT khẳng định, việc tích hợp Lịch sử với các môn học khác chỉ chưa có tiền lệ ở Việt Nam còn thực tế, nhiều nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới đã tích hợp môn học này với nhiều môn học khác.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban xây dựng CTTT, nhìn chung, các nước có các xu hướng sau: Lịch sử là môn học bắt buộc (Đức, Phần Lan, Italy, Ba Lan, Hungary, Na Uy…); Lịch sử là môn học tự chọn, trong đó học sinh được bắt đầu tự chọn từ một lớp nào đó trong cấp học (Hà Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Wales, Anh, Pháp, Australia…); Lịch sử vừa có nội dung bắt buộc đối với một nhóm đối tượng học sinh vừa có nội dung tự chọn dành cho một số nhóm học sinh (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Canada...); Lịch sử có thể là môn học độc lập (Đức, Phần Lan, Italy, Ba Lan, Hungary, Na Uy, Wales, Anh, Pháp,…) hoặc được thiết kế trong môn học tích hợp (Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển…).
Ban xây dựng CTTT khẳng định, việc tích hợp môn học là học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến. Câu chuyện Lịch sử không tồn tại như một môn học độc lập không phải “chỉ có ở Việt Nam” mà Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển cũng đã lựa chọn thiết kế Lịch sử trong môn học tích hợp.
Thực tế là không chỉ môn Lịch sử mà tất cả các môn học được coi là cơ bản nhất, bắt buộc nhất như Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng đều tích hợp với các môn học khác.
Đã thí điểm việc tích hợp
Về chủ trương chung, tổng thể, việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác là rất mới mẻ với xã hội. Vài năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã thí điểm triển khai tích hợp các môn học khác, đặc biệt là Lịch sử, ở các mô hình trường học mới qua các cuộc thi và các buổi tập huấn.
Để đưa ra cơ sở cho việc triển khai tích hợp Lịch sử với các môn học khác, Ban xây dựng CTTT đã đưa kết quả thực nghiệm dạy học môn KHXH ở lớp 6, lớp 7 của mô hình trường học mới (VNEN) mà Bộ thí điểm tại hàng nghìn trường THCS khắp cả nước trong 2 năm qua để chứng minh.
Cụ thể, cuộc thi "Giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp" năm 2015 có gần 458 chủ đề đạt giải Ba trở lên. Trong đó, số chủ đề của giáo viên một số môn học như sau: Âm nhạc 6, Công nghệ 15, Địa lí 36, GDCD 37, Quốc phòng-An ninh 2, Hoá học 16, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo 6, KHTN 3, KHXH 3, Lịch sử 33, Mỹ thuật 19, Ngữ văn 60, Sinh học 65, Tiếng Anh 48...
Riêng môn Lịch sử có một số chủ đề tiêu biểu như: Chủ đề “Truyền thống yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam thời phong kiến” của giáo viên Nguyễn Thị Thu Hoà, Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh; chủ đề “Giáo dục chủ quyền biển đảo Việt Nam cho học sinh THPT” của giáo viên Nguyễn Văn Sáng, Trường THPT Yaly, tỉnh Gia Lai; chủ đề “Tìm hiểu về những thành tựu và tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đối với cuộc sống con người” của giáo viên Bùi Thị Thanh Vân, Trường THPT chuyên Lương Văn Tuỵ, tỉnh Ninh Bình.
Đây là những bài giảng đã tích hợp Lịch sử với các môn học khác nhau như Văn học, Địa lí, Khoa học Công nghệ, Quốc phòng…
Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán môn Lịch sử và môn Địa lí tích hợp giáo dục về nội dung biên giới, chủ quyền biển đảo (theo 2 miền, năm 2013), sau đó phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tập huấn tiếp về chủ đề này (theo 3 miền, năm 2014); đã đưa nội dung trên vào đề thi các môn Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn năm 2014 và 2015.
Kết quả các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh hiện nay những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy được một số chuyên đề dạng này, đồng thời chứng minh rằng việc tích hợp Lịch sử với các môn học khác là khả thi.
Từ kinh nghiệm thế giới và thực tế thí điểm tích hợp môn Lịch sử tại Việt Nam, Ban xây dựng CTTT khẳng định đây là chủ trương có cơ sở thực tế và phù hợp xu thế hiện nay trên thế giới. Việc tiếp sau đây là phải xây dựng chương trình môn học để viết sách giáo khoa và thực hiện quá trình giáo dục đạt kết quả tốt nhất.
Hiện Ban xây dựng CTTT mới xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó mới đưa ra khung cho chương trình. Còn tích hợp thế nào, chọn kiến thức, lĩnh vực nào để tích hợp, đó là câu chuyện cụ thể mà Bộ vẫn đang xây dựng và còn tiếp tục lấy ý kiến.