(Congannghean.vn)-Cách đây hơn 1 thế kỷ, phong trào Đông Du đã được nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu khởi xướng với kỳ vọng sẽ tìm thấy đồng minh trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân, đồng thời đào tạo nhân tài cho công cuộc giải phóng, chấn hưng đất nước. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng toàn diện và sâu sắc. Tại Nghệ An, chuỗi sự kiện văn hóa vừa được khai mạc để kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Du và quan hệ giữa 2 nước.
Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 9 mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu “Tầm nhìn về phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh châu Á”; nội dung về lịch sử quan hệ 2 nước trải qua quá trình phát triển lâu dài, từ việc thương nhân Nhật tới Hội An, việc các chí sĩ Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi đầu phong trào Đông Du để học hỏi những thành công của nước Nhật thời cận đại, vượt qua thăng trầm của lịch sử và hình thành nên những tình cảm tốt đẹp giữa người dân hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, quan hệ 2 nước đã được xây dựng từ rất lâu trên nền tảng của giao lưu văn hóa, thương mại và cả những mối lương duyên đầy ý nghĩa.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan triển lãm kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Du và quan hệ Việt - Nhật |
Vào thế kỷ 17, 18, có rất nhiều thương nhân Nhật Bản đến đô thị cổ Hội An buôn bán, sinh sống và xây dựng nhiều công trình mang đậm bản sắc văn hóa Nhật. Đến đầu thế kỷ 20, việc những chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh sang Nhật tìm đường làm cách mạng đã phần nào thể hiện mong muốn, tinh thần học hỏi những thành công của Nhật Bản thời cận đại của người Việt.
Trước đó, vào năm 1622, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa Ngọc Hoa cho thương nhân Nhật Araki Sotaro, người sau này được phong làm Hoàng thân và mang tên Việt là Nguyễn Đại Lượng. Lịch sử quan hệ 2 nước cũng có những bước thăng trầm, nhưng cả hai dân tộc đều đã vượt qua mọi trở ngại của quá khứ để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Cách đây tròn 110 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, hơn 200 thanh niên yêu nước ưu tú đã sang Nhật Bản với mục đích tìm đường giải phóng dân tộc, chấn hưng quốc gia, cách tân đất nước. Mặc dù phong trào Đông Du chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giành độc lập của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Lễ kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Du và quan hệ Việt - Nhật vừa được tổ chức tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với sự phối hợp của UBND tỉnh và Trường Đại học Công nghiệp Vạn Xuân cùng các sở, ban, ngành.
Trong vòng 2 tháng từ nay đến ngày 25/12, chuỗi sự kiện sẽ diễn ra với các hoạt động như hội trại, thi tìm hiểu quan hệ Việt - Nhật, xếp giấy nghệ thuật, giao lưu dân ca, dân vũ... Đây là dịp để các bạn trẻ cũng như người dân Nghệ An có cơ hội ôn lại chặng đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ nhưng vẻ vang của dân tộc, đồng thời giao lưu và tôn vinh những giá trị văn hóa, giáo dục, khoa học giữa 2 quốc gia.
Theo các tài liệu mới được Thư viện tỉnh Nghệ An phát hiện và nghiên cứu, vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, người Nhật đã đến Nghệ An bằng thuyền buôn và lập nên những khu buôn bán sầm uất trên sông Lam trước khi vào Hội An. Đó là thương cảng Phục Lễ thuộc vùng đất ven sông Lam huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hiện nay, người Nhật đã xây dựng một số chùa quán và công trình khác. Trên sông Lam đoạn từ Hưng Nguyên trở ra cửa biển, lâu nay, người dân vạn chài phát hiện nhiều cổ vật như tiền đồng Nhật Bản, gốm sứ, súng thần công… Điều đáng tiếc là do sông Lam bị sạt lở cũng như ảnh hưởng từ chiến tranh của các tập đoàn phong kiến nên sau đó, người Nhật đã bỏ vào Hội An.
Thời gian gần đây, các đoàn khảo cổ của Nhật Bản đã nhiều lần sang Việt Nam để tìm các tài liệu nhằm củng cố thêm mối quan hệ này. Ông Đăng Anh, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Đại học Công nghiệp Vạn Xuân cho biết: “Người Nhật rất kính trọng và yêu mến cụ Phan Bội Châu. Mỗi lần đoàn khách Nhật sang thăm, họ luôn đến tham quan nhà cụ ở Nam Đàn và bày tỏ tấm lòng thành kính trước nhà chí sĩ yêu nước.
Từ tấm gương của cụ và phong trào Đông Du, người Nhật rất ấn tượng và khâm phục truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ, những con người tài giỏi, chịu khó và sẵn sàng xuất dương vì đất nước... Đó là những điều kiện thuận lợi để Nghệ An tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.
Với vai trò là cơ sở giáo dục liên kết đào tạo với Nhật Bản, đơn vị chủ trì trong lễ kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Du và quan hệ Việt - Nhật, nhà trường mong muốn, qua chuỗi các sự kiện này, người dân tỉnh nhà sẽ có cơ hội ôn lại chặng đường đấu tranh cách mạng; đồng thời giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, tạo cơ hội để các học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi văn hóa với các sinh viên Nhật Bản đang theo học tại Việt Nam.
Phía nhà trường cũng mong muốn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của người lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng trong mắt các doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào Nghệ An.