Văn hóa - Giáo dục
Người đưa khúc hát dân ca vào trường học
08:52, 21/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là ông Nguyễn Ban (SN 1940), quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là người đầu tiên đưa phong trào hát dân ca vào trường học. Ông được đào tạo chính quy về nghệ thuật, năm 1967 - 1968 học lớp biên kịch, năm 1969 - 1973 học lớp đạo diễn sân khấu. Ra trường, ông vừa sáng tác vừa làm công tác giảng dạy bộ môn nghệ thuật. Khi về làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Nghi Xuân, ông đã dày công nghiên cứu, khôi phục ca trù Cổ Đạm, trò Kiều và lễ hội dẫn hoa ở làng Đông Hội, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân.
Năm 1997, ông Ban bắt đầu sưu tầm, ghi chép, khai thác, các thể cách hát ca trù của nghệ nhân ở giáo phường Cổ Đạm. Năm sau, ông đã tiến hành khôi phục, gìn giữ, phát huy trò Kiều từ nguyên tác của cụ Nguyễn Du. Nghệ thuật diễn xướng trò Kiều là một di sản văn hoá phi vật thể đã bị lãng quên gần nửa thế kỷ. Vì vậy, ông đã tổ chức sưu tầm, biên tập, chỉnh lý kịch bản trò Kiều, trực tiếp tổ chức phục dựng hướng dẫn 2 đội Trò Kiều xã Tiên Điền và Xuân Liên biểu diễn. Hoạt động này được Viện Văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa - Thông tin tài trợ kinh phí quay phim, chụp hình lưu giữ.
Nghệ nhân Nguyễn Ban có nhiều đóng góp trong bảo tồn giá trị di sản phi vật thể |
Vào năm 1999, ông khởi xướng hoạt động khôi phục lễ hội dẫn hoa: Tế phật diễn trò sĩ - nông - công - thương. Đây là một lễ hội cổ truyền gần như đã bị lãng quên, chỉ còn lại trong ký ức của người dân Nghi Xuân. Thực hiện chủ trương khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa của Bộ VH-TT và tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII, sau khi được Nhà nước cho phép xây dựng khu du lịch biển Xuân Thành, ông đã đề nghị cấp trên khôi phục lễ hội cổ truyền của một xã vùng biển, vì đây là lễ hội giàu tính nhân văn.
Trước hết, ông tập hợp những nghệ nhân và những người cao tuổi trong địa phương có hiểu biết về lễ hội rồi ghi chép lời thoại theo trí nhớ của các bậc cao niên biểu diễn từ kịch bản của tác giả Phan Tứ Thế sáng tác cách đây 250 năm. Được sự ủng hộ của các cấp, các hiệp hội, chỉ sau một năm, lễ hội đã được phục dựng. Hàng năm, vào ngày khai trương du lịch biển Xuân Thành, địa phương lại tổ chức lễ hội này để chào đón du khách về với Nghi Xuân.
Hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trên đất Nghi Xuân bắt đầu từ năm 1984. Trước đó, từ năm 1954 - 1983, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gần như đã bị lãng quên. Vì vậy, ông Ban được lãnh đạo huyện xin về giữ chức Trưởng phòng VH-TT. Ban đầu ông lưỡng lự nhưng vì tình yêu quê hương, ông quyết định rời bục giảng để gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng. Ông là người đầu tiên đưa loại hình dân ca, diễn kịch dân ca, kịch nói từng bước phát triển ở Nghi Xuân. Cũng từ đó, phong trào hát dân ca phát triển đến tận các thôn, xã.
Năm 1998, ông Ban đề xuất với Phòng Giáo dục huyện đưa hát dân ca nói chung, dân ca ví, giặm nói riêng và ca trù Cổ Đạm vào trường học. Thế rồi, cứ 2 năm một lần, ngành giáo dục lại tổ chức Hội thi “Tiếng hát học đường”, hát các làn điệu dân ca. Phong trào phát triển rộng rãi, các cháu học mầm non cũng tham gia Hội thi. Nghi Xuân được đánh giá là huyện mạnh trong phong trào hát dân ca, ca trù hiện nay của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm, huyện đều mở lớp tập huấn hát các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Từ khi trở về quê hương công tác đến nay, ông Ban đã góp phần phục hồi, bảo tồn 4 giá trị văn hóa phi vật thể trên đất Nghi Xuân. Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, Chủ tịch chi hội Nghi Xuân và thường xuyên viết lời cho các tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh, sáng tác tiểu phẩm, kịch dân ca Nghệ Tĩnh. Những cống hiến của ông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể đã được ghi nhận. Năm 2000, ông được công nhận nghệ sĩ sân khấu, năm 2013 được công nhận là nghệ nhân dân gian.
Đặng Viết Tường