Văn hóa - Giáo dục
Tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt
08:22, 07/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ khi ngành văn hóa có yêu cầu không sử dụng biểu tượng, hình ảnh, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì người ta mới nhận ra rằng, lâu nay chúng ta chưa coi trọng linh vật thuần Việt, với nền văn hóa di sản của dân tộc mình. Trong khi linh vật thuần Việt xuất hiện từ rất lâu đời. Từ thời Lý, Trần, ông cha ta đã chế tác ra những linh vật vô cùng tinh xảo và gần gũi với đời sống người dân Việt Nam.
Linh vật thuần Việt xuất hiện từ lâu đời, nhiều nhất là vào thời Lý, Trần. Từ xa xưa, các nhà điêu khắc người Việt đã chế tác nhiều linh vật với nhiều hình dáng, mẫu mã đa dạng như nghê (chó đá), sư tử, voi, hổ, sấu, hạc, trâu... Từ thời xa xưa, cha ông ta đã sử dụng con nghê để làm vật canh cổng, giữ đền, chốn cung đình... và trang trí ở các không gian văn hóa khác nhau.
Linh vật Việt không chỉ được chế tác trên đá, mà còn chạm khắc trên gỗ, trên kèo cột, mái nhà và xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa, tư tưởng do tổ tiên ta để lại. Theo dòng chảy của lịch sử đất nước, trải qua từng triều đại, thời kỳ thì linh vật có sự biến đổi, bởi nó thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người qua từng giai đoạn khác nhau.
Hình ảnh các linh vật thuần Việt được trưng bày tại Thư viện tỉnh |
Mặc dù không phải chuyên ngành của mình nhưng anh Trần Mạnh Cường, cán bộ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu Hán Nôm, Thư viện tỉnh Nghệ An lại có niềm đam mê kỳ lạ với các linh vật thuần Việt và muốn lưu giữ những tinh hoa văn hóa, di sản, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc. Từ những chuyến đi khắp đất nước của mình, anh đã chụp lại, sưu tầm các mẫu linh vật thuần Việt. Theo anh Cường, hiện nay, linh vật thuần Việt xuất hiện nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh hiện có khoảng 20 địa điểm có lưu giữ linh vật thuần Việt như tại đền Quan Lớn Bùng ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An có 2 cặp nghê đá; đền Thần, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có cặp hổ và nghê; đền thờ Danh nhân Nguyễn Huy Tự ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh...
Sau hơn 5 năm sưu tầm, đầu năm 2015, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có chủ trương không sử dụng biểu tượng, hình ảnh, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và di dời các mẫu linh vật ngoại lai, anh đã đề xuất với lãnh đạo Thư viện tỉnh mở triển lãm giới thiệu, trưng bày các hình ảnh mẫu linh vật thuần Việt. Triển lãm với gần 500 bức ảnh đã thu hút nhiều người đến tham quan.
Một số hình ảnh do anh Cường sưu tầm đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Bộ VH-TT&DL chọn làm mẫu biểu tượng linh vật thuần Việt.
Trước chủ trương của Bộ về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sở VH-TT&DL Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo các địa phương kèm với công văn của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm giới thiệu các mẫu linh vật thuần Việt. Tuy nhiên, bà Phan Thị Anh, Phó trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL cho biết, qua kiểm tra vào cuối tháng 12/2014, một số địa phương không triển khai công văn đến tận các xã cũng như các di tích lịch sử nên mới có tình trạng ban quản lý không phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt.
Vì thế, ban quản lý nhiều di tích đã di dời cả những linh vật thuần Việt. Trong thời gian tới, Sở sẽ gửi bản màu các mẫu linh vật thuần Việt đến tận các di tích lịch sử cũng như mở cuộc hội thảo về linh vật thuần Việt để giới thiệu, tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về nét đẹp của những con nghê, con sấu từ lâu đã là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Hy vọng, với những việc làm tích cực này, linh vật thuần Việt sẽ tìm được “chỗ đứng” trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Huyền Thương