Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201411/gia-tai-800-co-vat-cua-nguoi-nang-long-voi-van-hoa-thai-561753/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201411/gia-tai-800-co-vat-cua-nguoi-nang-long-voi-van-hoa-thai-561753/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gia tài 800 cổ vật của người nặng lòng với văn hoá Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 22/11/2014, 08:42 [GMT+7]

Gia tài 800 cổ vật của người nặng lòng với văn hoá Thái

(Congannghean.vn)-Cách TP Vinh khoảng 100 km về hướng Tây Nam xứ Nghệ, tìm đến thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông hỏi thăm ông Vi Văn Phúc, bà con nơi đây ai cũng biết. Gần hai thập kỷ miệt mài sưu tầm, tìm kiếm, ông đã dựng nên một kho tàng về dân tộc Thái với hơn 800 hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử.

Đứa con của bản làng

Đón chúng tôi trước cửa nhà là nụ cười hiền lành của ông Vi Văn Phúc. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, trông ông vẫn rất tráng kiện. Dường như sớm thấu tỏ mục đích chuyến đi lên ngàn của khách, ông nhanh chóng khoát tay ra hiệu và phăng phăng đi trước dẫn đường. Băng qua vườn rau nhỏ khuất sau nơi ở chính, chúng tôi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một ngôi nhà sàn tuyệt đẹp - nơi lưu giữ hàng trăm cổ vật về đồng bào dân tộc Thái. Đây chính là “bảo tàng ký ức” và cũng là niềm tự hào sâu kín của cuộc đời ông.

Ngồi trong gác hai ấm cúng nhìn ra khu vườn bừng lên dưới ánh nắng đầu đông, ông Phúc bắt đầu kể về cơ duyên theo đuổi nghề sưu tầm này. Ông sinh ra trong một gia đình người Thái Lai Pao ở bản Mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Cha ông là ông Vi Văn Ẩm, từng là Phó tổng Mường Quạ. Thuở ấy, đại gia đình ông gồm 4 thế hệ, 27 nhân khẩu cùng chung sống trong ngôi nhà sàn 7 gian.

1912 up 2.zip
Ông Phúc bên những cổ vật quý giá của mình

Cha đánh cá, cày bừa, mẹ quay tơ, dệt vải, thời niên thiếu của ông được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa bản làng, nơi ông cùng lớn lên với những tiếng khèn, điệu khắp, với tập tục lao động và sinh hoạt của bà con dân bản. Những năm tháng bên con sông Giăng xuôi chảy ngày đêm, đã ghi dấu trong lòng ông những ký ức vô cùng sâu đậm.

Năm mười tám tuổi, ông Phúc rời quê hương ra Hà Nội theo học Trường Trung cấp Kế toán và học thêm tại chức Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1968, ông trở về Nghệ An, công tác tại Ủy ban Kế hoạch và lần lượt chuyển công tác sang Ban Miền núi Nghệ An, Ban Điều động lao động, dân cư.

Đến năm 1989, ông Phúc được điều về huyện Con Cuông giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông. Cơ duyên đã cho ông trở về nơi quê cha đất tổ và cũng nhen nhóm trong ông mong ước được tìm lại, lưu giữ các giá trị tinh thần của dân tộc Thái.

Cơ duyên thực sự đến vào năm 1993, khi ông chuyển nhà từ xã Môn Sơn ra định cư tại thị trấn Con Cuông. Thời gian đầu, vợ ông chưa quen với lối sống của người Kinh nên thường buồn nhớ những ngày còn ở bản. “Bà nhà tôi bảo, mình là người dân tộc thì sao có thể sống mà không có nhà sàn? Thương vợ, tôi nhờ người mua nhà sàn cũ ở quê rồi ra đây lắp đặt, tân trang lại thành như nhà bây giờ”, ông Phúc chia sẻ.

Câu chuyện nhà sàn chính là khởi đầu cho ông Phúc suy nghĩ về việc sưu tầm các đồ dùng, vật dụng của người Thái. Ông tâm sự một cách giản dị, mình là người Thái, ra đây sống xen kẽ với người Kinh cho nên các phong tục, tập quán, trang phục, lễ phục và các truyền thống của dân tộc sợ rằng sẽ dần mai một. Việc sưu tầm bên cạnh lý do khuây khỏa nỗi nhớ nhà, cũng là để giáo dục con cháu sau này hiểu được phần nào cuộc sống của cha ông mình ngày trước.

Hành trình tìm về nguồn cội

Nói về gia tài mà mình cất công sưu tầm, ông Phúc cho biết, hiện đã có trong tay hơn 800 cổ vật, chủ yếu là các công cụ sản xuất (các nghề cày bừa, chài lưới, săn bắt, dệt vải, nấu rượu…), trang phục, nhạc cụ và các đồ dùng hàng ngày, là những vật thể mang đậm nét bản sắc văn hóa Thái.

234
Hàng trăm cổ vật của văn hóa Thái được giữ gìn cẩn thận

Đa dạng và phong phú như bộ sưu tập nhạc cụ gồm khắc luống, khèn bè, kèn chiêng, cồng, cùng, trống dùng trong ma chay, cưới hỏi, lễ, Tết; bộ dụng cụ cất giữ tư trang gồm ống, rương, chum, bầu, cà bem (cho đàn ông), lớp cặp (cho đàn bà); bộ dụng cụ săn bắn, hái lượm gồm dao, bẫy, nỏ, súng chi mai…

Trong số đó, quý nhất là cuốn văn tự cổ xưa ông Phúc may mắn mua được từ một gia đình có cụ kị là quan phủ Đôn Phúc. Cuốn văn tự này kể về công việc làng xóm, dòng họ của người Thái cách đây hàng trăm năm, được viết bằng chữ Thái cổ. Bìa sách và giấy bên trong đã ố vàng theo thời gian, gáy sờn rách hết, nhiều chữ bị mờ không còn đọc được nữa. Hay như bộ đồ nghề của thầy mo gồm cán thuốc và hàng chục vị thuốc làm từ rễ cây, vỏ cây mà ông phải vất vả tìm kiếm mới có.

Các cổ vật một phần là tài sản của gia đình ông, một phần xin được từ anh em họ hàng, số còn lại ông Phúc phải đi lùng của những người Thái đang sống rải rác ở các thôn bản hẻo lánh. Hành trình gần hai mươi năm lặn lội trên những cung đường ngược xuôi sưu tầm, tích lũy của ông có không ít những khó khăn, vất vả.

Nhớ có lần để mua được chiếc xe lồ cổ, ông và người con trai là anh Vi Văn Sơn phải vào tận xã Thạch Ngàn (Con Cuông) chở về, hay những chiếc cồng, cùi, chiêng, trống da trâu ở xã Diễn Tháp (Diễn Châu) cũng phải cho người nhà cất công đưa xe ra lấy. Hàng trăm cây số đường núi, còn có cả những ngày trời nắng, trời mưa, những hôm bão bùng, gió rét nhưng chưa một lần ông dừng chân nghỉ ngơi trong cuộc hành trình.

Tấm lòng yêu mến các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ở ông Phúc thật đáng trân trọng. Điều đó còn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật một cách lặng thầm mà ý nghĩa. Ông Phúc tâm sự, đến bây giờ, cô con dâu người Kinh của ông vẫn mặc áo váy người Thái ở nhà, vợ ông vẫn làm những công việc mà đồng bào dân tộc thường làm như giã gạo, dệt vải.

Các con ông tuy công việc bận rộn nhưng luôn cố thu xếp thời gian đi học tiếng Thái với mong muốn giữ gìn gốc rễ của mình. Năm nào vào những ngày Tết Nguyên đán hay Tết Độc lập, đại gia đình lại cùng nhau sum họp. Chiêng, trống được treo lên trên mái nhà sàn, trẻ con đeo vòng bạc, mặc váy dân tộc mẹ mới dệt. Đàn ông trong nhà sẽ cùng thổi khèn bè, đánh cùng, đánh chiêng, khắc luống, cùng uống rượu cần và nhảy theo điệu nhạc mà ông cha cũng đã từng nhảy múa thuở xa xưa.

Kết

Câu chuyện về ông Vi Văn Phúc, người “giữ lửa” cho văn hóa Thái mãi được đượm nồng đã trở thành lời cửa miệng của bà con trong vùng và cả những du khách từ miền xa nghe lời đồn mà tìm đến. Trước những nhiệt thành, ngợi khen ấy, ông chỉ lặng lẽ mỉm cười đón nhận. Có lẽ, ông không cho những gì mình làm là điều to tát, mà chỉ coi đó là bổn phận của một người con muốn đền ơn nơi sinh ra và nuôi nấng mình khôn lớn, trưởng thành.

Dẫu vậy, cuộc đời này đã không phụ công ông, trả ơn ông xứng đáng bằng một kho tàng không gì sánh nổi, bằng tấm lòng cảm phục của đồng bào nơi xứ núi và cả những tấm Bằng khen của Đảng, Nhà nước trao tặng cho những đóng góp của ông trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua.
 

.

Thu Phương