Văn hóa - Giáo dục
'Chúng tôi là những người lính chiến dịch Hồ Chí Minh…'
08:06, 30/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từng xông pha trận mạc, từng vào sinh, ra tử và cùng may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại có dịp cùng hàn huyên, tâm sự mỗi khi tháng Tư lịch sử về. Trở về cuộc sống hòa bình, họ nỗ lực cống hiến, tham gia sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của quê hương và cùng nhau thành lập Câu lạc bộ “Những chiến sỹ chiến dịch Hồ Chí Minh”, để ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong những năm tháng ác liệt nhất.
Các cựu chiến binh chia sẻ về những kỷ niệm của một thời đạn lửa |
Lúc đó, ông và đồng đội không hề nghĩ rằng, đây là trận đấu có ý nghĩa quyết định cuối cùng. Ông được lệnh không được tham chiến, trong hơn 100 km, đơn vị phải nhanh chóng vượt qua đồn bốt của địch, đến 29/4 thì về đến Trảng Bom. Cùng ngày, rạng sáng 30/4, các đơn vị tập trung giải phóng Thủ Đức. Đến trưa 30/4, Thủ Đức hoàn toàn giải phóng, cũng là lúc các chiến sỹ nhận được tin giải phóng. Ông Hiền vẫn nhớ, lúc nghe đồng đội nói: “Hòa bình rồi, đại thắng rồi!”, ông vẫn không tin vào tai mình. Phải sau một lúc trấn tĩnh, giấc mơ thống nhất mà bao năm ông vẫn hằng ao ước giờ đã thành sự thực. Sau mấy ngày tận hưởng niềm vui chiến thắng, ông nhận nhiệm vụ mới là Phó ban tác chiến sư đoàn, cải tạo sỹ quan ngụy.
Đặc biệt, ông Hiền rất thích làm thơ. Trong chiến tranh ác liệt, chứng kiến cảnh nhiều đồng đội hy sinh, ông đã xúc động bật thành thơ:
“Thảnh đã đi rồi sao Thảnh ơi!
Tuổi đời trẻ lắm mới đôi mươi
Tôi ôm đồng chí nằm trên sóng
Biển cả mênh mông nước với trời
Sóng vỗ quanh năm ru anh ngủ
Ngàn năm yên giấc mộng vẫn cười!”.
Cũng trong ngày đại thắng của dân tộc, trong niềm vui lớn khi non sông thu về một mối, ông đã cho ra đời bài thơ đầy xúc cảm:
“Trưa 30/4 cột cờ Dinh Độc Lập
Xanh đỏ sao vàng lộng gió cờ bay
Đại thắng rồi mà tưởng còn mơ say
Vui sướng quá cười ra nước mắt
Sài Gòn ơi từ nay được độc lập
Hà Nội - Sài Gòn chung ngọn cờ bay”.
Hòa bình lập lại, ông tích cực tham gia phong trào đoàn thể của địa phương, cùng Hội Cựu chiến binh các cấp triển khai các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Với mong muốn được gặp gỡ, chia sẻ với đồng đội về những ký ức của một thời hào hùng, đặc biệt là những người đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/2001, kỷ niệm 26 năm ngày đại thắng của đất nước, ông đã xin phép UBND xã phát biểu trên loa phát thanh để tập hợp các chiến sỹ cùng tham gia chiến dịch lịch sử 30/4. Lúc đầu chỉ có 5 người, rồi 12 người, sau đó lên đến 22 người. Có người biết thông tin, mặc dù nhà ở tận huyện Nam Đàn, Thanh Chương nhưng quê gốc ở xã Hưng Thịnh vẫn đến xin Ban liên lạc được tham gia vào Hội.
Trong Câu lạc bộ, ngoài ông Hiền, còn có một người anh em con bác, con chú khác, đó là ông Ngô Xuân Ước (SN 1950). Cũng như ông Hiền, lúc mới 18 tuổi, khi đang là sinh viên Đại học Thủy lợi, theo lời tổng động viên, ông Ước tòng quân, tham gia quân ngũ rồi được cử đi học lái xe. Là tài xế có nhiệm vụ chở người, vũ khí, nhu yếu phẩm cung cấp cho các chiến sỹ nên ông được đi khắp các chiến trường. Vì vậy, những kỷ niệm về những trận đấu tuy gian khổ nhưng vĩ đại của ông và đồng đội cũng không ít.
Nhưng với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong chiến dịch năm 1972, khi ông và đồng đội được lệnh tấn công một cứ điểm quan trọng của địch thuộc biên giới Việt - Lào. Xung quanh cứ điểm là bom từ trường, bom bi, mìn cóc được giăng bẫy khắp nơi. Trong tiểu đoàn lúc đó, ai cũng xác định rằng khó có thể vượt qua cao điểm này. Lúc này, ông Ước được ngồi phụ xe với đồng chí Hà Văn Thanh quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xác định rõ tầm quan trọng của việc vượt qua cứ điểm này, đồng chí Thanh đã mạnh dạn lao cả xe hàng lên.
Lần thứ nhất, xe lao xuống, mìn nổ chói tai. Không chịu lùi bước, hai anh em lại cho xe vượt lên lần nữa. Cuối cùng, nhờ kỹ năng lái xe thuần thục cộng với thông thạo địa hình, chiếc xe hàng đã vượt qua cứ điểm an toàn. Sau đó, cả “tiểu đoàn” xe nối đuôi nhau cùng vượt qua. Hành động đáng khen ngợi của đồng chí Thanh càng thôi thúc ông Ước không ngừng học hỏi, phấn đấu, vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Năm 1973, ông Ước vinh dự được Đơn vị 559 cử đi báo cáo điển hình toàn quân về nhiệm vụ lái xe chiến trường. Sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng một số chiến sỹ nhận nhiệm vụ chở tài liệu ra Hà Nội và được vào lăng viếng Bác, thỏa nguyện niềm ao ước bấy lâu của ông.
Cùng giúp đỡ ông Hiền trong nhiệm vụ liên lạc, là cầu nối để các thành viên có điều kiện gặp gỡ nhau là ông Hồ Trọng Thanh (SN 1954), Phó ban liên lạc. Thời đó, cũng như nhiều người khác, năm 1974, ông được cử vào chiến trường Đông Nam Bộ ác liệt, với nhiệm vụ làm bộ binh chiến đấu. Ông vẫn nhớ như in, trước chiến dịch Hồ Chí Minh 6 ngày, đơn vị ông đã trực tiếp tham gia trận đánh vào thị xã Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Địa điểm này được giới quân sự xem là “đòn gánh”, nếu ta giải phóng được thì sẽ rất thuận lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Xuân Lộc nằm giữa đường 1 và đường sắt, xung quanh là thung lũng rừng núi. Lực lượng của địch lúc đó chiếm giữ chủ yếu là Sư đoàn 18, bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Cuộc giao tranh giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt.
Kết thúc trận chiến, ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc, Long Khánh được giải phóng, ông cùng một số chiến sỹ vinh dự được treo cờ ở nhà Tỉnh trưởng Long Khánh. Sau khi củng cố lực lượng, đơn vị ông lại được lệnh phối hợp đánh vào các cứ điểm quan trọng như ấp Kiểu Mẫu, Núi Thị, Trảng Bom và một số địa danh khác. Đến 29/4, ông cùng các đồng đội đánh vào sân bay Biên Hòa và chốt giữ sân bay, rồi tiếp tục đánh vào Thủ Đức, Sài Gòn, chốt giữ Phủ Tổng công vụ thuộc Phủ Thủ tướng. Sau ngày đất nước được giải phóng, cấp trên giao cho ông nhiệm vụ cứu tế, cứu đói, đưa dân đi lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới.
Mỗi người có một nhiệm vụ, một đơn vị và một miền ký ức riêng, nhưng khi có dịp hội ngộ, các cựu chiến binh trong Câu lạc bộ “Chiến sỹ chiến dịch Hồ Chí Minh” ai cũng đều bồi hồi niềm xúc cảm thiêng liêng. Có người nhập ngũ năm 1960, cũng có người mãi tới năm 1975 mới được lệnh tổng động viên. Tuổi quân vì thế cũng không đồng nhất (trung bình từ 4 - 28 năm), tuy nhiên, đó lại chính là cơ hội để họ có dịp chia sẻ và kể cho nhau nghe về những năm tháng hào hùng của bản thân. Hiện, câu lạc bộ có 16 đồng chí, 16 “kho tư liệu quý” để thế hệ trẻ học hỏi và tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.
Mai Hậu