Văn hóa - Giáo dục
Dạy trẻ yêu bản làng từ mô hình 'Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc'
09:36, 28/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” tại các trường mầm non của huyện miền núi Tương Dương là nơi vừa giúp trẻ vui chơi, học tập, nâng cao các kỹ năng, vừa góp phần giáo dục tình yêu bản làng, dân tộc.
Chúng tôi đến điểm lẻ Trường Mầm non Tam Thái ở bản Lũng khi các em đang có giờ học tại Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong khuôn viên sân trường. Mô hình nhà sàn của dân tộc Thái được thu nhỏ, bên trong trang trí đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống... Cô Vy Thị Thảo, giáo viên nhà trường chia sẻ: Trường Mầm non Tam Thái có 3 điểm trường thì 2 điểm có mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, được xây dựng từ năm 2012. Mỗi tuần, học sinh có 4 tiết học trong không gian nhà bảo tồn. Ngoài việc dạy các kỹ năng cho trẻ, các thầy cô còn hướng dẫn các em khám phá không gian văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc với các trò chơi dân gian.
“Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” dạy trẻ yêu bản làng |
Cũng giống như Trường Mầm non Tam Thái, tại Trường Mầm non xã Yên Thắng ở bản Văng Lin, mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” được xây dựng với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Ông Vy Văn Minh, Trưởng bản Văng Lin cho biết: “Trẻ con bây giờ chẳng còn mấy mặn mà với các trò chơi dân gian. Trang phục người Thái cũng đã có nhiều thay đổi. Việc xây dựng mô hình nhà Thái cổ trong trường học giúp con em trong bản thêm yêu quý và tiếp tục giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
Tương Dương là đơn vị duy nhất tại Nghệ An hiện nay triển khai xây dựng mô hình này. Đến nay, đã có 6/18 trường xây dựng, với 10 mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”. Để xây dựng được mô hình này, nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác vận động phụ huynh đóng góp từ vật liệu như mét, tranh đến những ngày công lao động. Để làm phong phú thêm các vật trang trí trong nhà bảo tồn, mỗi phụ huynh đã tự nguyện đóng góp 5 món đồ tự tay làm, gồm đồ chơi, vật dụng sinh hoạt... để phục vụ việc học tập của các em.
Khi đời sống của bà con nơi huyện miền núi này vẫn còn những khó khăn, khi bản sắc văn hóa dân tộc đang ngày càng bị mai một thì việc xây dựng mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” ở các trường mầm non có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết. Hiện tại, ngành giáo dục huyện Tương Dương đang triển khai vận động các nhà trường, phụ huynh học sinh cùng góp sức để làm thêm nhiều đồ chơi từ những nguyên liệu có sẵn.
Cũng theo kế hoạch, ngành giáo dục chỉ đạo các trường mầm non đăng ký và thực hiện mô hình trên một cách đại trà, chỉ tiêu mỗi đơn vị xây dựng từ 1 - 2 mô hình điểm trường.
Với ý nghĩa thiết thực trong việc tạo ra không gian cho trẻ trải nghiệm, khám phá môi trường tự nhiên, mô hình “Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” được xây dựng nhằm hướng học sinh vùng đồng bào dân tộc miền núi luôn nhớ về cội nguồn, nâng cao ý thức dân tộc và tình yêu bản làng, quê hương.
Phan Tuyết