Văn hóa - Giáo dục
Nhiều ý nghĩa từ hội thi 'Chúng em kể chuyện Bác Hồ'
09:01, 05/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, trong thời gian qua, tại nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã diễn ra hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” và thu được những thành công bước đầu. Đặc biệt, nhiều địa phương đã có sáng tạo trong cách thức tổ chức hội thi nhằm tác động trực tiếp tới đối tượng học sinh, với phương thức “mưa dầm thấm lâu”.
Những câu chuyện bổ ích, thấm thía về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ít nhiều đã góp phần bồi đắp tâm hồn, hình thành thế giới quan lành mạnh, tạo tâm thế tích cực cho học sinh, đồng thời cũng là cách để từng bước đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào đời sống học đường.
Một tiết mục tại hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ năm 2015” |
Phần thi kể chuyện là phần chính của cuộc thi, thu hút được sự quan tâm của mọi người. Trong phần thi này, mỗi học sinh không chỉ kể một câu chuyện mà mình cho là tâm đắc và thấm thía nhất về Bác mà còn liên hệ với thực tế bản thân trong quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Với sự hồn nhiên, chân thành, nhiều học sinh đã mang đến cuộc thi những câu chuyện đời thường, giản dị về Bác, gây xúc động mạnh mẽ.
Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, ít có cuộc thi kể chuyện về tấm gương danh nhân nào lại thu hút và có sức hấp dẫn lớn đối với học sinh như cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những câu chuyện kể về Bác được ghi lại từ những người đã sát cánh bên Bác trong những năm tháng Người hoạt động cách mạng. Đó là những minh chứng sống động về cuộc đời và cống hiến hết mình cho dân tộc của Người. Vì vậy, người kể phải có cảm nhận thực sự sâu sắc về Bác mới có thể thể hiện câu chuyện một cách biểu cảm và lôi cuốn, đòi hỏi không chỉ có giọng kể hay, lời kể lưu loát mà còn cần có hiểu biết rộng xung quanh câu chuyện, đồng thời có khả năng liên hệ, vận dụng vào thực tiễn.
Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác thực sự mang tính giáo dục rộng rãi, tác động tích cực tới tư tưởng, nhận thức, hành vi của mỗi học sinh. Nếu học sinh có hành vi chưa đúng, khi nhắc đến Bác, những câu chuyện về Bác thì các em sẽ tự nhìn lại bản thân và có ý thức sửa chữa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác ở các trường phổ thông còn có những hạn chế nhất định như: Các câu chuyện được kể chưa đa dạng, phong phú về nội dung; nhiều học sinh chọn kể những mẩu chuyện giống nhau nên chưa thể hiện hết được tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, phần rút ra ý nghĩa và liên hệ thực tiễn chưa được chú trọng nhiều…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh. Người từng nhắn nhủ: “Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là dịp để tuổi trẻ học đường tri ân, bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác. Đồng thời, cũng là cơ hội để mỗi học sinh kiểm điểm, nhìn nhận lại bản thân, từ đó có thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng. Do đó, đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, cần được nhân rộng nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm đạo đức trong nhà trường hiện nay.
Bùi Minh Tuấn