Văn hóa - Giáo dục
Bác Hồ với 'quê hương nghĩa trọng tình cao'
09:09, 15/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt sâu nặng cho quê hương. Thế nhưng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ thời điểm ra đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Bác chỉ về thăm quê được hai lần, vào tháng 6/1957 và tháng 12/1961. Đó là những kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với Bác mà với cả nhân dân quê nhà. Cho đến hôm nay, những ký ức, lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên vẹn, khắc sâu trong tâm trí của mỗi người con xứ Nghệ.
Tháng 5 về, ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S, mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng nỗi nhớ về vị cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bầu trời tháng 5 cao vời vợi, xanh ngắt, đất trời ngào ngạt hương sen, hàng triệu bước chân đều hướng về Nam Đàn - mảnh đất đã sinh ra người con vĩ đại Hồ Chí Minh với lòng thành kính, biết ơn vô hạn. Con đường từ Quốc lộ 46 về Kim Liên rợp cờ hoa đón chào các du khách.
Bác Hồ trong chuyến thăm quê lần thứ 2 vào tháng 12/1961 - Ảnh tư liệu |
Kể từ sau ngày Bác Hồ về thăm quê, Làng Sen đang “thay da đổi thịt” từng ngày, cuộc sống người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện. Năm qua, Kim Liên là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn đang ra sức nỗ lực cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như lời Bác hằng mong muốn.
Dù đã hơn 60 năm kể từ ngày Người về thăm quê lần thứ nhất vào ngày 1/6/1957, nhưng cụ Hoàng Thế Tửu ở Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn vẫn nhớ như in. Ở tuổi 90, cụ Tửu chẳng còn minh mẫn, nhớ được nhiều câu chuyện như trước kia, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ cao gầy với bộ quần áo giản dị, đôi dép cao su chia tay bà con nơi gốc đa sân vận động rồi bịn rịn lên xe vẫn khắc sâu trong tâm trí của cụ. Rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi còn trẻ, nay trở về tóc Người đã pha sương, bà con nhân dân Nam Đàn rạo rực, mong ngóng Bác để được tận mắt nhìn thấy người con vĩ đại của Làng Sen. Sự giản dị, quan tâm, ân cần của Người khiến cụ Tửu và người dân nơi đây cảm thấy vô cùng gần gũi, thân thuộc.
50 năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới được về thăm lại quê hương, bà con làng xóm, thăm ngôi nhà đơn sơ gắn liền với tuổi thơ. Cụ Tửu nhớ lại, nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh là nơi đầu tiên Người đặt chân đến khi về tới Kim Liên, đây cũng chính là ngôi nhà của ông nội Bác ngày xưa. Bác trầm ngâm, ngắm nhìn thật lâu và vô cùng xúc động khi nhìn lại những kỷ vật của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Trò chuyện với bà con, Người căn dặn mọi người phải biết yêu thương, đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Trong chuyến về thăm quê này, Bác đã xúc động thốt lên những vần thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Dù đã hơn 50 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại kỷ niệm được đi đón Bác về thăm quê vào tháng 12/1961, bà Mai Thị Thu Hà ở phường Trường Thi, TP Vinh vẫn cảm thấy rất đỗi vinh dự và tự hào. Khi ấy, bà là một trong những học sinh xuất sắc vinh dự được đi đón Bác. Trong trí nhớ của bà, trên khắp mọi nẻo đường của thị xã Vinh ngày đó đều rợp cờ hoa chào đón Bác. Cô học trò nhỏ khi ấy không giấu nổi sự hồi hộp, xúc động xen lẫn lo lắng khi được ngồi cạnh Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Dẫu chỉ được về thăm quê hai lần nhưng sâu thẳm trong trái tim và tâm trí, Người vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt, sâu nặng cho quê hương xứ sở. Dù Bác đã đi xa nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ, tấm lòng biết ơn vô hạn với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Với nhân dân Nghệ An, những lời căn dặn của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là nguồn động lực, quyết tâm lớn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn đang tất bật, hối hả chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác và các hoạt động diễn ra tại Nam Đàn trong chương trình lễ hội Làng Sen 2015. Từng đoàn người vẫn nối nhau về thăm quê Bác. Ngôi nhà lá đơn sơ cùng những hiện vật gắn với cuộc sống sinh hoạt bình dị của Người như níu giữ bước chân người ở lại. Và những ngày này, hơn lúc nào hết, trong lòng chúng con lại trào dâng nỗi nhớ Bác khôn nguôi.
Huyền Thương